Các doanh nghiệp viễn thông: Tìm cách thích ứng với dịch vụ OTT

Thứ Ba, 07/07/2015, 07:06 [GMT+7]
In bài này
.

Hạ tầng băng rộng di động đang phát triển mạnh, wifi, 3G phủ sóng khắp nơi cùng với giá thiết bị smartphone ngày càng rẻ đã dẫn đến sự phát triển mạnh của các dịch vụ OTT như nhắn tin, gọi điện, chia sẻ hình ảnh miễn phí qua internet. Các dịch vụ OTT phát triển đã làm cho doanh thu của ngành Viễn thông sụt giảm đáng kể. Không thể chặn OTT, các nhà mạng buộc phải tìm cách thích ứng với dịch vụ này.

Khách hàng sử dụng điện thoại di động thông minh để kết nối các dịch vụ Viber, Zalo...
Khách hàng sử dụng điện thoại di động thông minh để kết nối các dịch vụ Viber, Zalo...

OTT (Over The Top) là giải pháp cung cấp nội dung cho người dùng dựa trên nền tảng internet. Ưu thế lớn nhất của công nghệ này là cho phép cung cấp nguồn nội dung phong phú theo yêu cầu của người dùng vào bất kỳ thời điểm nào và tại bất cứ nơi đâu chỉ với một thiết bị phù hợp có kết nối internet. Theo phân tích của các nhà mạng, sự bùng nổ của ứng dụng OTT cả trong và ngoài nước đang gây ra nguy cơ lớn đến nhà mạng di động, vì dịch vụ OTT đã chiếm phần lớn doanh thu của những dịch vụ viễn thông cơ bản như nhắn tin, gọi điện. Trong khi đó, trước đây, các dịch vụ viễn thông cơ bản như gọi điện, nhắn tin chiếm tới 80% doanh thu của nhà mạng. Thống kê của MobiFone cho biết, mỗi ngày có tới 280.000 cuộc gọi, 8,7 triệu tin nhắn qua Viber. Hơn nữa, khi lưu lượng OTT tăng cao, phần mềm cung cấp thêm chức năng như tải nhạc, xem phim trực tuyến, gửi nhận file dung lượng cao sẽ gây tắc nghẽn băng thông 3G của nhà mạng.

Sự phát triển của các dịch vụ OTT như Viber, Zalo, Facebook… là xu hướng tất yếu khi CNTT bùng nổ. Các nhà mạng đã coi việc hợp tác với những dịch vụ OTT là cơ hội kinh doanh thực sự. Theo Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel, lâu nay, doanh thu từ thoại vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong doanh thu của Viettel, nhưng trong cuộc đua mới của dịch vụ OTT khiến Viettel phải thay đổi. Theo đó, Viettel tung ra chiến lược mới là đưa viễn thông, CNTT vào mọi ngõ ngách của đời sống xã hội, để bù đắp doanh thu từ thoại. Đặc biệt, Viettel đầu tư vào các ứng dụng riêng cho giáo dục, y tế, đời sống người dân. Ngoài ra, Viettel vừa đưa lên kho ứng dụng Google Play ứng dụng OTT với tên gọi Mocha, phiên bản thử nghiệm dành cho các điện thoại sử dụng hệ điều hành Android. Với ứng dụng này, các thuê bao 3G Viettel chỉ cần cài Mocha Messenger vào là dùng được ngay, không cần phải đăng ký. Đồng thời, Viettel cũng tặng người dùng 5 tin nhắn miễn phí mỗi ngày để gửi đến toàn bộ các thuê bao trong danh bạ, kể cả những người chưa cài ứng dụng.

Còn VinaPhone thì tung ra ứng dụng trên nền tảng 3G với tên gọi VietTalk. Theo VinaPhone, đó là ứng dụng trò chuyện đa phương tiện duy nhất miễn phí data 3G, giúp người dùng có thể nhắn tin và sử dụng các tiện ích trong ứng dụng mà không mất phí 3G. Tính năng SMS Out vượt trội giúp kết nối bạn bè trọn vẹn mọi lúc, mọi nơi và cuộc trò chuyện của người dùng sẽ không bị gián đoạn. Với người sử dụng thuê bao VinaPhone, khi nhắn tin qua ứng dụng này, nếu người nhận không còn trực tuyến nó sẽ chuyển qua thanh dạng tin nhắn SMS. Về các tính năng khác của VietTalk cũng giống như các phần mềm OTT hiện nay, đó là chia sẻ hình ảnh, địa điểm, thông tin liên lạc; tin nhắn thoại, chia sẻ các emoticon, cập nhật trạng thái, trò chuyện theo nhóm… Ông Huỳnh Hữu Trên, Phó trưởng Phòng Đầu tư - Kế hoạch kinh doanh VNPT Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, ưu thế của VietTalk được ứng dụng trên nền tảng sóng 3G nên những trường hợp như đứt cáp quang biển cũng không ảnh hưởng đến chất lượng của VietTalk. Hơn nữa, độ trễ của VietTalk ổn định hơn các ứng dụng của OTT như: Viber, Zalo, Facebook… Bên cạnh đó, VinaPhone cũng đang củng cố hệ thống mạng dịch vụ, nâng cao vùng phủ sóng 3G để tăng tiện ích đối với dịch vụ VietTalk. Song song đó, VinaPhone cũng giảm giá cước điện thoại di động và sử dụng nhiều chính sách ưu đãi dành cho khách hàng sử dụng mạng dịch vụ VinaPhone…

Bài, ảnh: QUANG VŨ

Nhiều chuyên gia bảo mật đã cảnh báo về các nguy cơ tiềm ẩn trong những ứng dụng OTT, cụ thể nhất là mất an toàn thông tin cá nhân và doanh nghiệp, tổ chức. Khi lựa chọn ứng dụng, người dùng thường không quan tâm đến tính năng bảo mật của nhà cung cấp dịch vụ mà chỉ dựa trên tiêu chí bắt kịp xu hướng… Dịch vụ OTT về bản chất có khả năng lưu trữ, trung chuyển các nội dung cuộc gọi, nội dung SMS giữa các smartphone, máy tính bảng thông qua máy chủ trung gian.

 

;
.