|
Cơ quan chức năng đang tiêu hủy hàng vi phạm nhãn mác hàng hóa tại Bộ Khoa học - Công nghệ |
Những năm gần đây, sở hữu trí tuệ (SHTT) luôn là vấn đề thời sự, được thảo luận tại các hội nghị, hội thảo. Bảo hộ đầy đủ, hiệu quả quyền SHTT là điều kiện bắt buộc mà bất kỳ quốc gia nào cũng phải đáp ứng khi trở thành thành viên của Tổ chức thương mại thế giới (WTO). SHTT là loại tài sản quan trọng, có giá trị đối với mỗi doanh nghiệp (DN), thế nhưng, các DN Việt Nam thông hiểu về giá trị của tài sản SHTT lại rất ít. Vấn đề đầu tư cho tài sản SHTT dường như vẫn chưa nằm trong chiến lược kinh doanh của mỗi DN...
XÂM PHẠM QUYỀN SHTT NGÀY CÀNG PHỔ BIẾN
Việc bảo hộ quyền SHTT ở Việt Nam (VN) được bắt đầu triển khai từ đầu những năm 1980. Cho tới nay, tất cả các dạng tài sản trí tuệ (các sáng chế, tên gọi xuất xứ, quyền tác giả, kiểu dáng công nghiệp...) đều được pháp luật VN thừa nhận là đối tượng của quyền SHTT và được Nhà nước bảo hộ. Tuy nhiên, hiệu quả việc bảo đảm thực thi quyền SHTT trong thời gian qua chưa cao, tình trạng xâm phạm quyền SHTT phổ biến và ngày càng nghiêm trọng. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu 2006, Cục SHTT đã nhận được 300 đơn khiếu nại vi phạm SHTT, tăng 30 đơn so với cùng kỳ năm ngoái.
Xâm phạm quyền SHTT xảy ra hầu hết ở các loại sản phẩm hàng hóa, dịch vụ và phổ biến dưới dạng sao chép nhãn hiệu, sao chép kiểu dáng hoặc mang các chỉ dẫn địa lý giả mạo. Việc nhái các nhãn hiệu, kiểu dáng bao bì... không chỉ xảy ra với các sản phẩm tiêu dùng thông thường, mà còn xảy ra cả với những sản phẩm có công dụng hoặc chức năng đặc biệt như: thuốc chữa bệnh, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, sắt thép xây dựng... Tệ nạn này không chỉ gây thiệt hại cho các chủ sở hữu mà còn gây ảnh hưởng tai hại đến người tiêu dùng.
Xâm phạm quyền SHTT xảy ra ở nhiều lĩnh vực, trong đó phổ biến nhất là ở khu vực lưu thông và nhập khẩu. Theo các DN phần mềm, tổng số thiệt hại do nạn sao chép lậu gây ra cho ngành này hàng năm lên tới hàng chục triệu USD. Nhiều DN khẳng định, hàng giả sản phẩm của họ chiếm phần lớn thị phần, làm DN đó không phát triển được.
Mặc dù tình trạng xâm phạm quyền SHTT tại VN chưa đến mức trầm trọng, nhưng đã gây nên những quan ngại nhất định trong một số nhà đầu tư. Một số đối tác quan trọng của VN trong quá trình đàm phán gia nhập WTO đều có chung nhận định, VN đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng các văn bản pháp luật về SHTT nhưng việc thực thi còn nhiều bất cập.
DN CHƯA QUAN TÂM ĐẾN BẢO HỘ QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ
Thực tiễn cho thấy, nhiều công ty, nhiều DN trên thế giới đã rất thành công và trở nên nổi tiếng nhờ khai thác có hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ như: Coca cola, Microsoft, IBM, Toyota, Honda, Sony… với giá trị thương hiệu, tài sản SHTT lên tới hàng chục tỷ USD. Trong khi đó, ở Việt Nam, phần lớn DN chưa nhận thức đúng giá trị thực tế của tài sản SHTT. Trong khoảng 200.000 DN đang hoạt động, chỉ có khoảng 20-25% DN đã đăng ký nhãn hiệu; Đơn đăng ký bảo hộ sáng chế của các DN Việt Nam chỉ chiếm 9,24%/tổng số hồ sơ đăng ký mà cơ quan quản lý nhận được, số liệu này ở lĩnh vực giải pháp hữu ích 60,3%; Nhãn hiệu hàng hóa 58,12%; Văn bằng bảo hộ sáng chế 4,5%; Kiểu dáng công nghiệp 84,3%...
Lý giải việc vì sao các DN trong nước ít quan tâm đến tài sản SHTT, ông Hoàng Văn Tân, Phó Cục trưởng Cục SHTT (Bộ KH&CN) cho rằng, do từng DN chưa có thống kê, định giá cụ thể về giá trị thương hiệu, hàng hóa của mình, mặc dù họ đầu tư rất lớn cho tài sản vật chất, nhà xưởng, máy móc, thiết bị… Đã có không ít những bài học về việc bị đánh cắp bản quyền sản phẩm như: Thuốc lá Vinataba, Cà phê Trung Nguyên, Công ty UNILEVER… để rồi khi “mất bò mới lo làm chuồng" bằng cách kiện tụng qua lại gây lãng phí thời gian, tốn kém tiền bạc mà nhiều trường hợp, mất vẫn hoàn mất.
Để hạn chế thấp nhất những rủi ro liên quan đến các vụ kiện pháp lý về SHTT, không còn cách nào khác là các DN phải có sự đầu tư thoả đáng cho SHTT, từ việc đặt tên DN, đăng ký kinh doanh cho đến việc lựa chọn sản phẩm, dịch vụ công nghệ, kiểu dáng, nhãn hiệu... để tránh lâm vào tình trạng vi phạm pháp luật. Đặc biệt, đối với các DN có hàng hóa xuất khẩu hoặc có kế hoạch xuất khẩu hàng hóa, cần tìm hiểu kỹ pháp luật SHTT của thị trường mà DN có dự định xuất khẩu, vừa để bảo vệ quyền sở hữu hợp pháp của bản thân DN, vừa không xâm phạm đến quyền SHTT của DN khác.
Tuy nhiên, việc thực hiện bảo hộ quyền SHTT cho các DN, nhất là những DN vừa và nhỏ gặp không ít khó khăn, bất cập. Đầu tiên là thiếu các nguồn lực để đầu tư vào hoạt động nghiên cứu và phát triển để từ đó thương mại hóa các sản phẩm được bảo hộ sáng chế độc quyền. DN cũng không nhận thức được ý nghĩa hay giá trị của việc đăng ký các thủ tục xin cấp bằng sáng chế. Theo ông Trần Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục SHTT (Bộ KH&CN) nguyên nhân của việc thực thi quyền SHTT chưa hiệu quả bắt nguồn từ cả cơ quan quản lý Nhà nước lẫn các DN. Tuy nhiên, DN cần có ý thức về bảo vệ quyền dân sự, tài sản của mình, nên đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng, sáng chế ngay tại lãnh thổ VN, sau đó thực hiện đăng ký ở nước ngoài.
Bài, ảnh: Mai Vinh