ĐỪNG ĐỂ NÔNG DÂN TỰ BƠI!

Thứ Ba, 01/11/2005, 08:39 [GMT+7]
In bài này
.
Gia đình anh Lương Xuân Hòa, bị thu hồi đất sản xuất để xây dựng Khu công nghiệp Phú Mỹ, đã ổn định cuộc sống nhờ chuyển sang nấu rượu cần và làm công nhân.

Mấy năm qua, huyện Tân Thành có hàng trăm hecta đất sản xuất nông nghiệp bị thu hồi để xây dựng các khu công nghiệp. Nhiều nông dân mấy đời gắn bó với ruộng vườn nay phải "rửa chân, gác cuốc" chuyển sang buôn bán, kinh doanh. Trong cuộc mưu sinh mới có người trở nên phát đạt, có người loay hoay mãi vẫn chưa tìm được lối ra…

CUỘC MƯU SINH MỚI

Năm 2000, gia đình anh Hoàng Văn Lợi ngụ tại thôn Vạn Hạnh, thị trấn Phú Mỹ, bị thu hồi 17.000 m2 đất để xây dựng khu công nghiệp Phú Mỹ. Là nông dân bao năm gắn bó với đồng ruộng, khi Nhà nước thu hồi đất anh không khỏi lo lắng cho cuộc sống của gia đình. Những lo lắng ấy rồi cũng qua mau nhường chỗ cho cuộc mưu sinh mới. Nhận số tiền đền bù 100 triệu đồng, anh Lợi mua mảnh đất 600m2 xây căn nhà cấp 4, diện tích còn lại anh trồng rau. Anh mạnh dạn vay thêm 100 triệu đồng xây trại nuôi heo và kinh doanh thức ăn gia súc. Anh Lợi cho biết: Nhờ tính toán hợp lý, công việc làm ăn của gia đình ngày càng khấm khá. Mỗi năm anh thu lợi hơn 40 triệu đồng, hiện anh đã trả được 65 triệu đồng vốn vay ngân hàng.

Trước kia, gia đình anh Hứa Văn Hồng, thôn Ngọc Hà có cuộc sống khá ổn định nhờ 3,8 ha đất trồng điều, bạch đàn và nuôi cá. Khi Nhà nước thu hồi đất, cầm 329 triệu đồng tiền bồi thường anh không biết làm gì vì lâu nay chỉ quen nghề làm vườn. Sau nhiều đêm trăn trở, anh quyết định xây một dãy phòng trọ cho công nhân thuê. Nguồn thu không cao nhưng cũng tạm đủ để trang trải cuộc sống gia đình. Mặc dù vậy, anh vẫn chưa yên tâm với nghề mới, anh tâm sự: "Làm nông tuy vất vả nhưng chắc ăn, không lo cái đói, bây giờ chuyển sang kinh doanh phải chịu nhiều tác động của thị trường nên lúc nào trong bụng mình cũng lo ngay ngáy".

Bên cạnh những gia đình nông dân thành công với việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp sau khi bị thu hồi đất, ở Tân Thành hiện nay còn một số hộ khó khăn do chưa thích ứng kịp với cuộc sống mới, lúng túng không biết chuyển đổi sản xuất theo hướng nào. Thậm chí, có hộ giải tỏa 5 năm rồi vẫn chưa mua được nhà mới, ổn định chỗ ở. Cầm số tiền bồi thường họ không biết làm gì, xài hoang phí vào việc mua sắm để thỏa mãn nhu cầu hiện tại, đến khi hết tiền thì lâm vào cảnh lao đao. Ở thị trấn Phú Mỹ hiện nay có nhiều hộ trong diện giải tỏa kiếm sống bằng nghề làm thuê, chạy xe ôm, cuộc sống bấp bênh.

HƯỚNG DẪN NÔNG DÂN CÁCH LÀM ĂN

Những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa và phát triển công nghiệp trên địa bàn huyện Tân Thành diễn ra khá nhanh. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị thu hẹp dần nhường chỗ cho các công trình phúc lợi và cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất công nghiệp. Riêng thị trấn Phú Mỹ có 1.500 hộ bị thu hồi đất sản xuất với tổng diện tích 2.521 ha, chiếm 80% diện tích đất sản xuất nông nghiệp toàn thị trấn. Người bị thu hồi nhiều đến hàng chục ha, người ít nhất cũng vài sào. Sau một thời gian xoay xở, đến nay 35% trong số đó đã ổn định cuộc sống nhờ chọn được hướng làm ăn mới phù hợp: Mua đất khác tiếp tục trồng trọt, chăn nuôi, chuyển sang buôn bán nhỏ, hoặc kinh doanh phòng trọ… Khi khởi công xây dựng hai khu công nghiệp Mỹ Xuân A1 và Mỹ Xuân A2 có 318 ha đất của 306 hộ nông dân ấp Phú Hà, xã Mỹ Xuân bị giải tỏa trắng. Nhận tiền bồi thường, một số hộ chuyển sang ấp khác chăn nuôi, một số về quê hoặc sang Đồng Nai mua đất làm ăn sinh sống.

Ông Lê Quý Phương, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Phú Mỹ cho biết, địa phương cũng đã khảo sát tình hình đời sống của các hộ có đất bị thu hồi và đề nghị Nhà nước có chính sách hỗ trợ vốn và hướng dẫn cách làm ăn, ưu tiên giải quyết việc làm và các chương trình dự án giúp họ vượt qua khó khăn, xây dựng cuộc sống mới. Theo xu hướng chung, trong tương lai diện tích đất nông nghiệp sẽ còn tiếp tục bị thu hẹp, nhường chỗ cho phát triển công nghiệp. Tình hình đó đòi hỏi người nông dân phải nhanh nhạy, biết chuyển hướng làm ăn phù hợp, biết sử dụng tiền bồi thường đúng mục đích. Và trong cuộc mưu sinh mới đầy cam go thử thách đó, người dân rất cần có một điểm tựa. Đó là sự quan tâm hỗ trợ về vật chất, về các chính sách của các ngành, các cấp để họ cũng không cảm thấy mình bị hụt hẫng, thiếu niềm tin.

Bài, ảnh: Huỳnh Liên

;
.