XÂY DỰNG MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ HẤP DẪN: LÀM GÌ ĐỂ TĂNG SỨC THU HÚT?

Thứ Ba, 06/09/2005, 09:16 [GMT+7]
In bài này
.
Đại diện Phòng Thương mại châu Âu trao đổi các nội dung kiến nghị với Chính phủ - Ảnh: V. Dũng

Theo nhận xét của các doanh nghiệp (DN) và các nhà đầu tư tại một số buổi hội nghị, hội thảo về môi trường đầu tư tại Việt Nam được tổ chức thời gian gần đây, cùng với sự tăng trưởng của nền kinh tế, môi trường đầu tư tại Việt Nam đã và đang có những cải tiến theo hướng thông thoáng hơn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rào cản mà Việt Nam cần cải thiện mạnh hơn nữa để hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới.

NHỮNG TÍN HIỆU VUI

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài cho biết, Việt Nam đã và đang là điểm đến hấp dẫn đầu tư như: Các nỗ lực cụ thể trong việc cải thiện môi trường đầu tư; thị trường mở rộng; sự ổn định chính trị và các nỗ lực gia nhập Tổ chức thương mại thế giới WTO. Ông Alain Cany, Chủ tịch phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam cho biết, các tín hiệu mạnh mẽ thu hút các nhà đầu tư vào Việt Nam là Việt Nam chuẩn bị gia nhập WTO; việc chuẩn bị ban hành Luật Đầu tư chung và Luật Doanh nghiệp thống nhất; chủ trương phát triển thị trường vốn… Trong đó việc chuẩn bị ban hành hai bộ Luật Đầu tư chung và Luật Doanh nghiệp thống nhất cho thấy, chúng ta đã phát đi thông điệp tích cực đến các DN nước ngoài, những đối tác thương mại và đầu tư của Việt Nam. Các nhà đầu tư luôn yêu cầu Việt Nam phải có chính sách rõ ràng và minh bạch để họ có thể hoàn toàn tin tưởng vào những chế độ đầu tư mới do hai bộ luật này đặt ra.

Mới đây, trong một cuộc hội thảo về khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA), ông Rodolfo Severino, nguyên Tổng thư ký ASEAN cho biết, khi Việt Nam hội nhập vào thị trường khu vực và thế giới thì thị trường sẽ càng lớn, nền kinh tế càng có cơ hội phát triển vì tạo ra sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp để giảm chi phí sản xuất, phân phối sản phẩm và do đó môi trường đầu tư sẽ hấp dẫn hơn. Tuy nhiên ông cho rằng, để hội nhập tốt, Việt Nam cần nâng cao năng lực con người, cải thiện những định chế và môi trường đầu tư hơn nữa. Đó là công tác hoàn thuế, thủ tục hành chính. Nhiều nhà đầu tư cho biết, theo quy định thì công tác hoàn thuế chỉ mất 15 ngày làm việc nhưng trên thực tế việc này thực hiện rất chậm, nhiều khi kéo dài đến 3-4 tháng, làm ảnh hưởng đến việc quay vòng đồng vốn của doanh nghiệp trong khi họ vẫn phải trả lãi cho ngân hàng từng ngày. Khi tham gia vào WTO, môi trường cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn, nếu vấn đề này không được khắc phục thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến khả năng thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, các loại chi phí như thuê đất, giá điện, cước viễn thông, cước vận chuyển… tại Việt Nam hiện vẫn còn cao. Chẳng hạn như so sánh với một số nước trong khu vực thì thu nhập thuế tính theo tỷ lệ GDP của Việt Nam là 21,3%, tại Trung Quốc là 15,7% và các nước ASEAN là 19,7%.

VẪN LÀ THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

Theo phản ánh của nhiều nhà đầu tư, thủ tục hành chính vẫn là vấn đề mà Việt Nam cần phải tiếp tục cải cách. Thủ tục cấp phép đầu tư hiện nay đã có những cải thiện đáng kể nhưng còn rườm rà, rắc rối phải qua nhiều khâu kiểm tra, đánh giá, thẩm định, làm mất thời gian và cơ hội đầu tư kinh doanh của DN. Hơn nữa hiện nay tuy đã thực hiện cơ chế "một cửa" nhưng lại có "nhiều khoá". Ngoài ra, nhiều DN nhỏ trong nước còn gặp khó khăn trong vấn đề xin thuê đất cho mục đích sản xuất cũng như về vay vốn do họ không có đất để làm tài sản thế chấp. Trong khi đó thì các DN Nhà nước hầu như không có khó khăn gì trong việc tiếp cận nguồn lực đất đai và vốn vay ngân hàng.

Năm 2005 là năm cuối của kế hoạch 5 năm 2001 – 2005. Do tốc độ tăng trưởng của 4 năm 2001 – 2004 đạt thấp so với mức bình quân của kế hoạch nên nhiệm vụ còn lại của năm 2005 là rất nặng nề. Chỉ tiêu đặt ra cho nền kinh tế là rất cao (tốc độ tăng GDP đạt 8,5%). Vì thế, để đạt mục tiêu ấy phải có môi trường kinh doanh thuận lợi, tạo điều kiện cho DN vươn lên. Dự kiến trong năm 2005 này, Việt Nam sẽ thu hút được 4,5 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài.

Ngay từ những tháng đầu năm, Chính phủ đã đề ra những biện pháp mới nhằm cải thiện môi trường đầu tư như dỡ bỏ các rào cản, tạo dựng một môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch cho mọi thành phần kinh tế. Theo Phó Thủ tướng Vũ Khoan, các công việc cụ thể mà Việt Nam đang tiến hành đổi mới là thực hiện chương trình hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các DN. Việc xây dựng Luật Đầu tư chung và Luật Doanh nghiệp thống nhất nhằm áp dụng cho mọi thành phần kinh tế theo hướng DN được phép hoạt động trong những lĩnh vực mà nhà nước không cấm và bảo đảm tính thống nhất và nhất quán với các cam kết trong quá trình hội nhập quốc tế. Chính phủ cũng đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tạo điều kiện thuận lợi để các DN phát triển đầu tư sản xuất kinh doanh, rà soát lại các loại phí và lệ phí đang áp dụng để bãi bỏ các loại phí không cần thiết và giảm hợp lý một số loại chi phí đầu vào ở các lĩnh vực viễn thông, dịch vụ cảng biển, cảng hàng không bằng hoặc thấp hơn các nước trong khu vực.

Việt Nam có một thị trường rộng lớn với hơn 80 triệu dân, có nền chính trị ổn định, có nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú, lao động Việt Nam cần cù, khéo tay, ham học hỏi và dễ mến… là môi trường tốt đẹp mà nhiều nhà đầu tư muốn tìm đến. Với những cải cách trong chính sách thu hút đầu tư của Chính phủ, trong tương lai không xa khi Việt Nam tham gia vào WTO, các rào cản được dỡ bỏ thì dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy vào Việt Nam sẽ còn nhiều hơn nữa.

Đức Tiện

;
.