Nhờ được hỗ trợ vốn, nhiều hộ nông dân có điều kiện đầu tư sản xuất thoát khỏi đói nghèo |
Hàng năm, trên địa bàn tỉnh có hơn 1.000 lượt hộ nông dân thoát nghèo, nhiều hộ vươn lên khá giả. Để vượt qua đói nghèo, yếu tố quyết định là sự nỗ lực của bản thân người nông dân, song bên cạnh đó phải kể đến sự giúp đỡ các ban, ngành, đoàn thể, trong đó có vai trò quan trọng của các cấp Hội Nông dân.
Từ năm 2001 đến nay, Hội Nông dân tỉnh đã phát động nhiều mô hình xóa đói giảm nghèo như: giúp thanh niên nông thôn lập nghiệp, giúp nông dân nghèo vượt khó và vận động nông dân giúp nông dân… Hiệu quả nhất là việc tín chấp cho nông dân vay vốn ngân hàng để đầu tư sản xuất. Thông qua việc ký liên tịch với Chi nhánh ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Chi nhánh ngân hàng Chính sách – xã hội, 5 năm qua Hội Nông dân tỉnh đã giúp hơn 130.900 lượt hộ nghèo vay 2.738 tỷ đồng để đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Ngoài ra, hội còn phối hợp với ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn mở 2.774 lớp tập huấn khuyến nông trang bị kiến thức khoa học kỹ thuật cho 163.500 lượt nông dân; phối hợp với các công ty phân bón đầu tư hàng ngàn tấn phân bón trả chậm để hội viên chăm sóc cây trồng, giúp tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Sau 5 năm, trên địa bàn tỉnh đã có 4.322 hộ nông dân thoát nghèo và 22. 500 lao động nông thôn có việc làm ổn định.
Là thương binh 3/4, quê ở Hưng Yên, năm 1983, anh Nguyễn Minh Liên đưa vợ con vào ấp Phước Hưng, xã Mỹ Xuân, huyện Tân Thành lập nghiệp. Hai vợ chồng làm đủ các nghề nhưng cuộc sống vẫn khó khăn. Từ khi được chính quyền và Hội Nông dân xã giúp vay vốn để kinh doanh phế liệu, đời sống gia đình anh dần khá lên. Anh dành dụm được tiền mua 3.000 m2 đất, chuyển sang làm nông nghiệp và xây phòng trọ cho công nhân thuê. Hai năm nay, thu nhập bình quân của gia đình anh Liên đã đạt mức thu nhập 40 triệu đồng/năm.
Hơn 10 năm trước, gia đình ông Huỳnh Tấn Dương, ở thôn Vạn Hạnh, thị trấn Phú Mỹ không có một tấc đất cắm dùi, cả nhà phải đi làm thuê. Chính quyền địa phương và Hội nông dân thị trấn vận động các hộ khá giả cho ông Dương mượn đất sản xuất. Sau đó, nhờ được vay thêm vốn mở rộng sản xuất, ông Dương đã mua được 2,2ha đất trồng rau màu. Cuộc sống ngày càng khá giả và nuôi được 6 người con ăn học (3 người học đại học, 2 trung cấp và một đang học phổ thông).
Ông Dương nói: "Đời tôi không ngờ có ngày hôm nay, bao nhiêu năm sống trong căn nhà lá lụp xụp, đi xe đạp cà tàng nay đã có nhà xây khang trang, xe máy 3-4 chiếc. Nếu không nhờ xã hội giúp đỡ thì cũng khó mà vượt qua được cái nghèo".
Mấy năm gần đây, việc xây dựng các khu công nghiệp đã làm thay đổi cơ bản cuộc sống của một bộ phận nông dân thị trấn Phú Mỹ. Cùng với chính quyền và các đoàn thể, Hội Nông dân thị trấn xác định phải giúp các hộ bị giải tỏa mất đất sản xuất, chuyển sang kết hợp với sản xuất tiểu thủ công nghiệp và kinh doanh dịch vụ. Ông Lê Quý Phương – Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Phú Mỹ cho biết: ngoài số vốn hàng chục tỷ đồng từ Chi nhánh ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi nhánh ngân hàng chính sách – xã hội, Hội Nông dân thị trấn còn vận động gần 100 triệu đồng xây dựng quỹ hỗ trợ giúp nông dân vay phát triển ngành nghề. Điển hình trong số những hộ biết sử dụng đồng vốn vay chuyển đổi phương thức làm ăn là anh Lương Xuân Hòa, ngụ ở thị trấn Phú Mỹ kết hợp trồng màu với kinh doanh phòng trọ và làm rượu cần có thu nhập trên 30 triệu đồng/năm.
Không dừng lại ở kết quả đó, những năm tới, Hội Nông dân tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh chương trình hỗ trợ vốn giúp nông dân đầu tư sản xuất, phấn đấu mỗi năm xóa 1.000 hộ nông dân nghèo - ông Lê Ái Bảo, cán bộ phụ trách chương trình xóa đói giảm nghèo, Hội Nông dân tỉnh cho biết.
Bài, ảnh: Song An