Dự án nuôi dê dưới tán rừng Bách Thảo đang mang lại hiệu quả cao và đã được nhân rộng trên địa bàn tỉnh |
"Ngành nông nghiệp Bà Rịa-Vũng Tàu đã chuyển sang sản xuất hàng hóa" – đó là đánh giá của một số chuyên gia kinh tế khi nhận xét về hoạt động nông nhiệp của địa phương. Hiện nay, trong sản xuất và chế biến nông sản, người nông dân đã ứng dụng nhiều thành tựu khoa học - kỹ thuật để nâng cao sản lượng và chất lượng của nông sản hàng hóa.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp, những năm gần đây, năng suất, sản lượng một số cây trồng và vật nuôi chủ lực trên địa bàn tỉnh có tốc độ phát triển nhanh: trồng trọt tăng 6% năm, chăn nuôi tăng 3,1%, tăng cao hơn mức bình quân cả nước 1,25%. Nếu như năm 1992 giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 640 tỷ đồng thì đến năm 2004 đã đạt trên 1.500 tỷ đồng. Theo đó, việc phát triển công nghiệp chế biến nông sản ở Bà Rịa-Vũng Tàu phát triển mạnh. Hiện nay toàn tỉnh có nhiều nhà máy sản xuất, chế biến hàng nông sản có tổng công suất khoảng 80.000 tấn sản phẩm/năm, chưa kể hàng trăm cơ sở chế biến nhỏ nằm rải rác trong các vùng nông thôn. Nhiều mặt hàng nông sản của địa phương được thị trường trong và ngoài nước đón nhận, trong đó những mặt hàng như cao su, hạt điều, tiêu chiếm vị trí cao trên thị trường quốc tế.
Đạt được những những kết quả đó, ngoài những thế mạnh về điều kiện tự nhiên, sự sáng tạo của người nông dân, còn có sự đóng góp rất quan trọng của các nhà khoa học nông nghiệp và các cán bộ kỹ thuật của ngành nông nghiệp. Trong khoảng thời gian từ 1991 đến nay, có trên 50 đề tài (chiếm 30% trong tổng số 168 đề tài nghiên cứu cấp tỉnh), dự án tập trung vào nhiều lĩnh vực để phát triển nông nghiệp và nông thôn. Giúp người sản xuất, ứng dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, chế biến các mặt hàng nông nghiệp, Sở Khoa học & Công nghệ cùng các ngành liên quan đã tổ chức nhiều hội thảo với mục đích: Nắm bắt những nhu cầu, khó khăn trong sản xuất và chế biến để từ đó có những hỗ trợ về mặt khoa học - kỹ thuật và công nghệ mới trong hai lĩnh vực này nhằm nâng cao chất lượng các mặt hàng nông sản. Đồng thời, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với tư cách là cơ quan quản lý đã chủ động làm cầu nối cho các nhà khoa học, các đơn vị sản xuất, kinh doanh để hợp tác nghiên cứu, ứng dụng vào nông nghiệp nhiều đề tài khoa học. Những công trình khoa học này được triển khai cho nông dân bằng hình thức: Hội thảo đầu bờ, xây dựng mô hình trình diễn mới, tập huấn kỹ thuật…. Qua đó, kiến thức khoa học của người sản xuất được nâng lên rõ rệt và được nhân rộng ra khắp các nơi trong tỉnh. Một trong những điển hình cho các đề tài, dự án đó là dự án "Xây dựng mô hình nông, lâm kết hợp để phát triển chăn nuôi dê sinh sản và dê thịt lai Bách Thảo dưới tán rừng" do phòng Nông nghiệp huyện Châu Đức làm chủ dự án. Bắt đầu triển khai từ tháng 4 - 2002, mô hình này đã chứng minh được khả năng kinh tế của nghề nuôi dê theo hướng nông lâm kết hợp. Không những thế, mô hình này còn có khả năng đáp ứng được thực phẩm cung cấp cho thị trường, giải quyết công ăn việc làm cho nhiều người và tăng thu nhập cho người nghèo. Một dự án khác của Chi cục Bảo vệ thực vật đó là "mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới" đang phát triển mạnh, có hiệu quả cao hơn nhiều lần so với sản xuất thông thường và đã cung cấp một lượng rau, củ an toàn cho người tiêu dùng…
Đánh giá hiệu qủa ứng dụng của các đề tài, dự án khoa học công nghệ về lĩnh vực nông nghiệp, ông Trương Thành Công, Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ cho biết: Việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tế sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp đã góp phần đáng kể trong việc tăng năng suất cây trồng, vật nuôi. Còn theo đánh giá của ngành Nông nghiệp, đóng góp của các yếu tố khoa học-công nghệ chiếm khoảng 30% giá trị sản lượng nông sản tăng thêm trong thời gian qua.
Bài, ảnh: Nguyễn Quang