.

NÔNG SẢN ĐƯỢC GIÁ: MỪNG NGẮN, LO DÀI...

Cập nhật: 09:11, 17/06/2005 (GMT+7)
Khách hàng chọn mua cây giống tại trại giống Sáu Công, ấp Bắc, xã Hòa Long, thị xã Bà Rịa. Ảnh: Huỳnh Liên

So với những năm trước, năm nay nông sản được giá hơn.

Được giá, nông dân rất phấn khởi, nhưng nhiều người đặt vấn đề: Niềm vui ấy liệu kéo dài được bao lâu khi cung cách sản xuất, kinh doanh nông sản vẫn mang nặng tính chất chụp giựt manh mún của nền sản xuất nhỏ.

Hạn hán, mùa vụ không thuận lợi trong năm qua ở nước ta và nhiều nước khác làm cho các sản lượng các mặt hàng nông sản chủ lực: gạo, cà phê, tiêu, điều, cao su... giảm mạnh, trong khi đó, nhu cầu thế giới đang tăng. Đây là nguyên nhân chính khiến giá xuất khẩu các mặt hàng này tăng mạnh, kéo giá thu mua trong nước lên theo.

Còn các yếu tố chủ quan khác như: Việc cải thiện chất lượng hàng hóa, đầu tư tăng tỷ trọng hàng hóa qua chế biến, xúc tiến thương mại... hầu như chưa có sự tác động gì lớn đối với việc tăng giá trị hàng nông sản.

Trong khi việc đầu tư vào chiều sâu nhằm nâng cao giá trị gia tăng hàng nông sản còn mờ nhạt thì dấu hiệu mở rộng diện tích, xây dựng nhà xưởng chạy theo giá cả thị trường lại xuất hiện rõ rệt. Rõ nhất là ở ngành điều, năm nay diện tích cây điều trên địa bàn tỉnh tăng 1.000 ha so với năm 2000.

Chưa kể các nhà máy chế biến hạt điều cũ đầu tư tăng công suất, chỉ tính riêng việc tăng thêm một nhà máy chế biến hạt điều (của Công ty Cổ phần chế biến hạt điều Long An) thì công suất chế biến đã tăng thêm 5.000 tấn nguyên liệu/năm.

Mở rộng sản xuất mà ít quan tâm đến việc xây dựng vùng nguyên liệu đã dẫn đến tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh trong thu mua hạt điều, đã có nhà máy phải nhập nguyên liệu từ nước ngoài...

Cạnh đó, cao su đang có giá cũng đồng nghĩa với hàng loạt trang trại đổ xô trồng loại cây này mà nhiều khi không cần biết đất của mình có phù hợp hay không, giống cao su trôi nổi mua về có bảo đảm chất lượng hay không?...

Chạy theo giá thị trường, nông dân thì lặp đi, lặp lại điệp khúc chặt trồng, coi mảnh đất của mình như một nơi để ... "khảo nghiệm giống cây", các doanh nghiệp thì vẫn quen buôn chuyến, "đánh quả" hơn là đầu tư sản xuất bài bản, xây dựng thương hiệu đàng hoàng.

Cách làm ăn mang nặng tính tiểu thương, tiểu nông đó hoàn toàn trái với mục tiêu của nền sản xuất nông nghiệp bền vững. Cách nghĩ, cách làm này của những người làm nông xem ra thay đổi không dễ.

Song An

.
.
.