Lãnh đạo ngành xi măng hứa không tăng giá nhưng trên thị trường, giá xi măng đã biến động. Ảnh: KH.T |
Do hệ lụy của dịch cúm gia cầm và ảnh hưởng của Tết Nguyên đán, giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm tăng như hiện nay cũng là điều dễ hiểu. Thế nhưng đối với một số mặt hàng khác như thép, xi măng… mặc dù lãnh đạo các ngành này cam kết sẽ không tăng giá dưới bất cứ hình thức nào, song thực tế trên thị trường, giá vẫn đang tăng lên?
THÉP XI MĂNG, TĂNG!
Tại Hội nghị cuối năm 2004 của ngành thép, thứ trưởng Bộ Công nghiệp Đỗ Hữu Hào (phụ trách ngành này) đã chỉ đạo trong năm 2005, để bình ổn thị trường toàn ngành phải cố gắng áp dụng mọi biện pháp để không xảy ra "sốt thép" như năm 2004 và ngành thép cũng hứa như vậy. Song những ngày qua, khi giá phôi thép trên thị trường tăng lên (giá nhập khẩu 1 tấn phôi thép tăng khoảng 20 USD so với trước Tết), ngay lập tức thị trường thép xây dựng cũng tăng theo. Dù cho ngành thép vẫn giữ lời hứa chưa "xin" tăng giá, các đại lý, các nhà bán lẻ đã đi trước một bước. Thép tròn phi 6-8 của Nhà máy thép Thái Nguyên nhập qua đại lý tăng 180.000 đồng/tấn so với thời điểm trước Tết, giá thép cây cũng tăng gần 100.000 đồng/tấn trên thị trường Hà Nội.
Và theo nguồn tin riêng của chúng tôi, nếu giá phôi thép nhập khẩu vẫn cao như hiện nay, rất có thể ngành này sẽ "vượt rào" xin Chính phủ tăng giá thép trong thời gian tới! Vì theo tính toán của Tổng Công ty Thép, năm 2005 ước tính nhu cầu thép xây dựng của Việt Nam khoảng 3,4 triệu tấn, muốn vậy cần phải có khoảng hơn 3 triệu tấn phôi thép phục vụ cho sản xuất, thế nhưng hiện tại năng lực của toàn ngành mới có thể đáp ứng được 1/3 nhu cầu, còn lại phải đi nhập khẩu. Nhớ lại cuối năm 2004, giá phôi thép chào bán trên thị trường ở mức 390- 400 USD/tấn, đầu năm 2005 cao hơn chút ít, khi đó các doanh nghiệp "kêu" bị lỗ và "xin" tăng giá bán… Điều đáng nói là mặc dù "kêu" như vậy, nhưng đến Hội nghị tổng kết cuối năm toàn ngành vẫn lãi khá cao! Nay giá phôi thép trên thị trường thế giới tuy có tăng, song chắc chắn vẫn chưa đủ gây áp lực khiến giá thép trong nước phải tăng như trên và không đủ để cho các công ty sản xuất thép bị lỗ. Vấn đề giá thép rục rịch tăng một vài nơi như trên là lại do khâu lưu thông, phân phối có vấn đề. Được biết, ngay như Nhà máy thép Thái Nguyên, hầu hết sản phẩm của công ty này khi sản xuất ra đều bị một số doanh nghiệp tư nhân gom mua.
Khác với ngành thép chỉ "hứa" bằng miệng không tăng giá thép, ngành xi măng vừa qua đã ra văn bản yêu cầu các công ty sản xuất xi măng giữ nguyên giá. Yêu cầu là vậy, các doanh nghiệp tạm thời cũng đang thực hiện như vậy, thế nhưng trên thị trường, xi măng ở một số nơi như Hà Nội vẫn cứ tăng giá. Một số đại lý, cửa hàng bán lẻ, giá xi măng Hoàng Thạch (loại 50 kg- PCP 30) được chào bán từ 760.000 - 790.000 đồng/tấn; trong khi giá chuẩn của nhà máy là 750.000 tấn. Tương tự giá xi măng Bút Sơn cũng được bán với giá cao hơn…
Sản xuất phải có lời, đó là chuyện không phải bàn cãi trong kinh doanh. Song khi doanh nghiệp sản xuất chưa chính thức kêu bị lỗ do giá đầu vào tăng cao để xin tăng giá, trên thị trường giá 2 mặt hàng này lại tăng là điều cần phải xem xét lại.
ĐỀ NGHỊ GIẢM THUẾ NHẬP XĂNG DẦU XUỐNG 0%
Với mức thuế nhập khẩu xăng dầu 5% như hiện nay, trong bối cảnh giá dầu đang có chiều hướng tăng trở lại trên thị trường những ngày qua khiến cho các công ty và các đầu mối nhập khẩu xăng dầu đang bị lỗ từ 400 - 1.000đồng/lít. Dù phải chấp nhận mệnh lệnh của Chính phủ các công ty kinh doanh xăng dầu không được tăng giá (khi nào cần sẽ điều tiết bằng các chính sách thuế và trợ giá), song theo nhận định cứ đà tăng giá xăng dầu trên thị trường mức hiện tại (khoảng 49- 52 USD/thùng), thì các doanh nghiệp kinh doanh - nhập khẩu xăng dầu không thể nào "chịu nổi". Vì vậy. Tổ điều hành thị trường - Bộ Thương mại và một số doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu đề nghị áp dụng mức thuế nhập khẩu xăng xuống 0%.
Đăng Hà