NGÀNH CÔNG NGHIỆP ĐÓNG SỬA TÀU THUYỀN: NĂNG LỰC ĐÃ ĐƯỢC NÂNG CAO

Thứ Ba, 08/03/2005, 08:37 [GMT+7]
In bài này
.
Đóng mới tàu có công suất lớn phục vụ đánh bắt xa bờ tại Xí nghiệp Cơ khí đóng sửa tàu thuyền (thuộc Công ty Dịch vụ hậu cần thủy sản Bà Rịa- Vũng Tàu). Ảnh: T.P

Nghề cá Bà Rịa – Vũng Tàu thật sự phát triển mạnh từ khi Nhà nước có chủ trương khuyến khích ngư dân đánh bắt xa bờ. Nếu như năm 1992, toàn tỉnh chỉ có 2.545 tàu thuyền đánh bắt hải sản, công suất nhỏ, chưa đủ khả năng đánh bắt xa bờ, đến nay, toàn tỉnh đã có 4.861 tàu thuyền đánh bắt hải sản với tổng công suất 572.917 CV, trong đó, có 2.132 tàu đánh bắt xa bờ, công suất mỗi chiếc từ 90-600 CV. Tính ra, bình quân mỗi năm có hơn 200 tàu thuyền được đóng mới tại các cơ sở đóng tàu trên địa bàn tỉnh.

Từ năm 2000 trở về trước, số lượng tàu thuyền được bà con ngư dân trong tỉnh đến một số tỉnh bạn để đóng mới chiếm tỷ trọng lớn. Nguyên nhân là do ở các địa phương đó gỗ xẻ, nhân công rẻ và kỹ thuật tốt hơn tại địa phương. Điều này đặt ra cho ngành công nghiệp đóng tàu của tỉnh một yêu cầu bức xúc là phải đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực để bắt kịp với sự phát triển của nghề cá địa phương. Do vậy, những năm gần đây, hầu hết các cơ sở đóng sửa tàu thuyền trên địa bàn tỉnh đã đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, mở rộng mặt bằng, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng dịch vụ.

Với lợi thế gần cảng cá, ụ tàu của Xí nghiệp cơ khí đóng sửa tàu thuyền (thuộc Công ty Dịch vụ hậu cần thủy sản) tại phường 5 – TP. Vũng Tàu đã được nhiều bà con ngư dân ở Vũng Tàu và các tỉnh bạn tín nhiệm, thường xuyên đến đây đóng mới tàu và đưa tàu vào đây sửa chữa. Tại ụ tàu này thường xuyên có từ 100-120 tàu vào ụ sửa chữa và đóng mới. Mặt bằng sản xuất tại đây cũng đã được mở rộng lên 33.000 m2, đủ điều kiện đóng mới từ 15-20 tàu và sửa chữa cho hàng trăm chiếc cùng lúc. Ngoài ra, xí nghiệp còn đầu tư mở rộng ụ tàu ở xã Lộc An (huyện Đất Đỏ), nhằm đón tàu địa phương và các tỉnh Trung, Nam bộ khi cập cảng cá Lộc An. Ụ tàu này hiện có diện tích mặt bằng hơn 20.000 m2, đủ khả năng đóng mới 15-20 tàu cùng một lúc, chưa kể hàng trăm lượt tàu sửa chữa khác.

Việc đóng tàu hoàn toàn do ngư dân đầu tư vốn nên từ việc mua gỗ đến chọn kiểu dáng đều do chủ tàu quyết định. Vai trò của cơ sở đóng sửa tàu thuyền là cho thuê bến bãi, hỗ trợ kỹ thuật, cung ứng vật tư, trang thiết bị, bảo đảm các thủ tục hành chính và giữ gìn trật tự, trị an cho tàu. Để các công đoạn này được thực hiện nhanh chóng, có hiệu quả, nhiều cơ sở đóng tàu đã cơ giới hóa thao tác kéo tàu lên ụ cũng như dời tàu xuống bến. Điển hình là Xí nghiệp cơ khí đóng sửa tàu thuyền đã bổ sung và cải tiến hệ thống đường ray để đủ sức chịu lực cho tàu lớn có trọng tải từ 100-300 tấn lên xuống an toàn. Xí nghiệp còn cải tiến con rùa kéo, thay vì 4 bánh xe trước đây, nay tăng lên 8 bánh xe. Ngoài ra, xí nghiệp còn tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng, đóng mới và sửa chữa tàu nhanh chóng, bảo đảm an toàn tuyệt đối về kỹ thuật cho tàu thuyền. Năm 2004, xí nghiệp đã đóng mới 97 tàu có công suất lớn, kéo và sửa chữa 2.360 lượt chiếc tàu khác, đạt lợi nhuận 242 triệu đồng.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 7 cơ sơ đóng sửa tàu thuyền, hàng năm có khả năng đóng mới 350 chiếc tàu và sửa chữa 3.500 lượt tàu khác. Có uy tín và thu hút đông khách nhất là 2 cơ sở thuộc Xí nghiệp cơ khí Đóng sửa tàu thuyền của Công ty Dịch vụ hậu cần thủy sản và cơ sở đóng sửa tàu thuyền của Công ty TNHH Tân Bền, ở xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền.

Việc đầu tư tăng năng lực mới trong lĩnh vực đóng sửa tàu thuyền đã cơ bản đáp ứng nhu cầu của bà con ngư dân trong tỉnh, nhiều ngư dân trước kia thường ra tỉnh bạn đóng tàu nay đã đóng tàu tại tỉnh nhà. Cơ chế thông thoáng của các cơ sở đóng tàu trong tỉnh còn mời gọi được ngư dân các tỉnh bạn đưa tàu thuyền về đây sửa chữa định kỳ và đóng mới. Ở Xí nghiệp cơ khí đóng sửa tàu thuyền thường có tới 70% tàu sửa chữa là của các tỉnh bạn.

Tuy nhiên, vẫn còn không ít khó khăn, bất cập đối với ngành công nghiệp đóng sửa tàu thuyền của tỉnh: Mặt bằng bến bãi chật hẹp, quá tải. Bên cạnh đó, khó khăn lớn nhất của các cơ sở đóng sửa tàu thuyền hiện nay vẫn là giá gỗ, vật tư đóng tàu ở tỉnh ta quá cao, do đường vận chuyển gỗ quá xa, chi phí quá tốn kém nên khi về được đến công trình 1m3 gỗ sao đã lên đến 10-12 triệu đồng. Đến nay, Nhà nước vẫn thả nổi việc cung ứng gỗ đóng tàu cho ngư dân và các doanh nghiệp.

Nên chăng, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp đóng sửa tàu thuyền trong việc mua gỗ kể cả nhập khẩu gỗ để nâng cao vai trò của ngành công nghiệp đóng tàu địa phương, góp phần thúc đẩy kinh tế thủy sản phát triển.

Thu Phong

;
.