Hành khách lên máy bay ở sân bay TP. Vũng Tàu. Ảnh: Phương Hồng |
Trải qua 20 năm thành lập (11-3-1985 – 11-3-2005), cán bộ và chiến sĩ Công ty Bay Dịch vụ miền Nam đã thực hiện được 87 ngàn giờ bay an toàn tuyệt đối, góp phần quan trọng vào sự phát triển của ngành dầu khí Việt Nam. Để có được những giờ bay an toàn tuyệt đối đó, những người lính của Công ty Bay Dịch vụ miền Nam đã nỗ lực vượt khó, vươn lên làm chủ phương tiện, làm chủ bầu trời và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
NHỮNG NGƯỜI LÍNH ĐI TỪ RỪNG RA BIỂN
Chuyến bay không thể nào quên trong ký ức của những người lính Công ty Bay Dịch vụ miền Nam sau chiến tranh chuyển sang làm kinh tế là chuyến bay đầu tiên vào lúc 9 giờ 30 phút ngày 31-1-1979 ra tàu khoan Dan Queen, (Đan Mạch) được Công ty dầu khí Bow Valley của Canada thuê khoan thăm dò dầu khí tại vùng biển phía Nam Côn Đảo, cách TP. Vũng Tàu 350 km. Chiếc máy bay UH-1 số 779 với tổ lái do Thiếu tá Nguyễn Xuân Trường lái chính; Thượng úy Trần Đình lái phụ kiêm dẫn đường và Thượng úy Nguyễn Thành Công, kỹ sư cơ giới trên không; cùng 8 đại diện của các cơ quan hữu quan ra tàu khoan làm thủ tục. Nhiệm vụ mới mẻ với các anh dù đã trải qua hàng ngàn giờ bay trong chiến đấu nhưng lại chưa quen bay biển đường dài trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, trên chiếc trực thăng không chuyên dùng, không có rada, phao cứu hộ, thậm chí không có đài dẫn đường và chưa ai một lần thấy tàu khoan trên biển bao giờ. Sau này, anh Nguyễn Xuân Trường tâm sự: "Chúng tôi xác định đây là một chuyến bay có ý nghĩa chính trị rất lớn nên cả tổ lái đã nghiên cứu rất kỹ đường bay để cố gắng hoàn thành nhiệm vụ với quyết tâm cao nhất".
Anh Trường nhớ lại, hồi ấy tổ bay đã dùng một đường thẳng từ tọa độ tàu khoan về TP. Hồ Chí Minh để sử dụng la bàn vô tuyến bắt tần số sóng Đài Tiếng nói Nhân dân TP. Hồ Chí Minh làm đài dẫn đường. Quá trình bay theo góc đối, luôn giữ đúng phương vị, tính toán chính xác tốc độ gió, góc dạt. Khi phát hiện tàu khoan, lái chính Nguyễn Xuân Trường khép một vòng hẹp, chọn hướng ngược gió cho trực thăng hạ thấp độ cao, treo trên dĩa hạ cánh chờ tàu khoan dao động tụt xuống điểm thấp nhất thì hạ cánh neo đậu an toàn trong sự thán phục của mọi người trên tàu khoan Dan Queen.
Nhưng chuyến bay vào sáng ngày 4-1-1984 do tổ bay gồm: Lái chính Nguyễn Xuân Trường, lái phụ Lê Trọng Đông, kỹ sư cơ giới trên không Nguyễn Ngọc Phúc trên chiếc MI-8 trong điều kiện gió lớn, sóng to, thực hiện nhiệm vụ bay và hạ cánh an toàn trên tàu khoan Mikhain Mirtchin ở vùng mỏ Bạch Hổ đã thực sự mở ra một trang mới trong việc hợp tác lâu dài cho đến nay giữa Công ty Bay Dịch vụ miền Nam với XNLD Vietsovpetro.
VƯƠN LÊN LÀM CHỦ BẦU TRỜI
Việc XNLD Vietsovpetro đẩy mạnh khoan thăm dò và khai thác dầu khí tại thềm lục địa phía Nam Việt Nam đã gia tăng nhu cầu về dịch vụ bay biển. Để đáp ứng nhu cầu đó, Công ty Bay Dịch vụ miền Nam được thành lập vào ngày 11-3-1985 (tiền thân là Công ty Trực thăng Dầu khí). Do ngày càng có nhiều công ty dầu khí nước ngoài tham gia hoạt động khoan thăm dò và khai thác dầu khí tại Việt Nam, nên nhiệm vụ bay của cán bộ, chiến sĩ Công ty Bay Dịch vụ miền Nam lại càng nặng nề hơn trước và đòi hỏi nghiêm ngặt bay an toàn tuyệt đối.
"Vạn sự khởi đầu nan", khi mới thành lập, Công ty chỉ có 2 chiếc trực thăng Mi-8 với 5 lái chính, 5 lái phụ, 5 cơ giới trên không, 9 thợ máy và nhân viên kỹ thuật hoạt động tại sân bay Vũng Tàu và Côn Đảo với trang bị thiết bị còn lạc hậu và nhiều thiếu thốn. Nhưng cán bộ và chiến sĩ của Công ty Bay Dịch vụ miền Nam đã nỗ lực vượt khó, vươn lên làm chủ phương tiện, làm chủ bầu trời. Đó là việc nâng cao năng lực bay và trình độ ngoại ngữ cho các phi công thông qua các lớp đào tạo trong và ngoài nước, tăng cường bay huấn luyện trên biển, ban đêm trong điều kiện thời tiết khó khăn để tiếp cận nhanh với những loại máy bay chuyên dụng tiên tiến như Mi-17, Puma, Super Puma L1, 2 và EC155B cũng như tích lũy nhiều kinh nghiệm trong bay phục vụ dầu khí và thương mại. Lớp phi công đàn anh đi trước như các anh: Nguyễn Xuân Trường, Nguyễn Văn San, Nguyễn Xuân Tích, Phạm Viết Thích, Đỗ Thu Đẳng, Nguyễn Văn Vinh … vừa là những lái chính, vừa là những giáo viên huấn luyện truyền thụ những kinh nghiệm cho lớp phi công trẻ. Đến nay, Công ty Bay Dịch vụ miền Nam có 57 phi công có thời gian bay tích lũy từ 3.000 đến 8.000 giờ bay.
Đội ngũ kỹ sư và thợ máy cũng trưởng thành nhanh chóng. Từ chỗ việc bảo dưỡng định kỳ trực thăng sau 50 giờ, 100 giờ bay phải đưa vào xưởng khác vừa tốn kém lại không chủ động trong kế hoạch bay, đến nay, Công ty đã thực hiện được việc bảo dưỡng định kỳ sau 50 giờ, 100 giờ bay và trung tu trực thăng tại chỗ. Nhiều kỹ sư và thợ máy đã có những sáng kiến cải tiến kỹ thuật làm lợi cho Công ty như: Sáng kiến rửa động cơ máy bay bằng nước cất chống sự thâm nhập của bụi cát và hơi nước biển; sáng kiến lắp đặt hệ thống liên lạc HF, phao nổi, cửa thoát hiểm, ghế ngồi, hệ thống cáp nghe trên máy bay Mi-8 và MI-17. Ngoài ra, Công ty Bay Dịch vụ miền Nam được đầu tư sửa chữa sân bay, mua sắm máy bay, trang thiết bị chuyên dùng hiện đại nên đã được nhiều khách hàng tính nhiệm. Đến nay, Công ty có 15 máy bay với nhiều chủng loại. Ngoài LD Vietsovpetro chiếm hơn 70% kế hoạch bay, Công ty Bay Dịch vụ miền Nam còn phục vụ bay cho những khách hàng là những công ty dầu khí nước ngoài như: Công ty khoan Viễn Đông (Nga), BP, Entorpriseoil (Anh), ONGC (Ấn Dộ), Samedan (Mỹ), Canoxy (Cananda)… đem lại lợi nhuận hàng chục tỷ đồng mỗi năm cho Công ty.
Ngoài nhiệm vụ bay phục vụ dầu khí, Công ty Bay Dịch vụ miền Nam còn thực hiện hàng trăm giờ bay cứu hộ, cứu nạn, tham gia đóng góp quỹ tình nghĩa, tình thương, tạo được sự tin yêu và quý mến của nhân dân địa phương. Với những thành tích đạt được trong sự nghiệp phát triển dầu khí và củng cố an ninh quốc phòng, Công ty Bay Dịch vụ miền Nam đã được Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý.
Kiến Giang