Nông dân xã Sơn Bình đang thu hoạch mè |
Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Châu Đức đạt được nhiều thành tựu đáng kể, đời sống của nông dân ngày càng được cải thiện, tỷ lệ đói nghèo giảm dần. Có được kết quả này, ngoài sự cần cù lao động và ý chí vượt khó của người nông dân, còn có sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng, trong đó có cơ quan khuyến nông là cầu nối đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào cuộc sống.
Ông Lý Hồng Hải, Trưởng trạm Khuyến nông Châu Đức cho biết: Một trong những mục tiêu quan trọng của công tác khuyến nông ở Châu Đức là đẩy mạnh chuyển giao kiến thức khoa học -kỹ thuật và đầu tư cây, con gống gíup nông dân tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Xác định mục tiêu đó, 10 năm qua, Trạm khuyến nông huyện đã phối hợp cùng địa phương mở hơn 4.000 lớp tập huấn, thu hút 90.000 lượt nông dân tham dự, tổ chức 50 buổi hội thảo chuyên đề và xây dựng nhiều đề án về cải tạo giống cây trồng, vật nuôi, xây dựng vùng chuyên canh cây có múi, cải tạo và ổn định diện tích cà phê và cung cấp nguồn nước tưới cho đồng bào dân tộc. Đồng thời, vận động bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, đưa các giống mới vào sản xuất đại trà, thay cho các giống cũ kém hiệu quả, đặc biệt là đầu tư mở rộng diện tích các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao.
Ông Văn Minh Hiệp, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Sơn Bình cho biết: Trước đây bà con nông dân trong xã chủ yếu sản xuất theo kinh nghiệm, nay nhờ được trang bị kiến thức qua các buổi tập huấn, hầu hết nông dân đã biết chăm sóc cây tiêu, cà phê đúng kỹ thuật, biết cách chiết ghép cành cây ăn quả, cách phòng trị bệnh cho gia súc, gia cầm.
Những năm qua, cơ cấu sản xuất nông nghiệp của huyện Châu Đức được chuyển dịch theo hướng thâm canh tăng vụ, chuyên canh các giống cho năng suất cao, phù hợp với vùng nguyên liệu. Từ năm 2000 đến nay, Châu Đức đã chuyển đổi 208 ha ruộng gò một vụ sang trồng chuyên canh màu hoặc luân canh một vụ lúa – một vụ bắp, tăng giá trị từ 5,44 triệu đồng/ ha/ năm lên 13,44 triệu đồng/ ha/ năm. Chuyển 150 ha màu năng suất thấp sang trồng dưa hấu và trồng cỏ nuôi bò, tăng giá trị lên 3,5 lần/ ha. Riêng 2 năm (2003-2004), trong khi các địa phương khác chặt bỏ cây cà phê thì Châu Đức vẫn xây dựng dự án, khuyến khích nông dân giữ lại 5.000 ha, đồng thời đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giúp nông dân chăm sóc diện tích cà phê này. Trạm khuyến nông huyện còn đầu tư 20 ha điều cao sản cho các hộ nghèo, 110 ha ca cao phát triển theo mô hình bền vững. Trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng cây chuyên canh cây trồng, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và hàng hóa cho xuất khẩu. Trong đó có 5.820 ha tiêu, 11.914 ha bắp lai cao sản, hơn 5.000 ha cây cà phê và hơn 3.000 ha cây ăn trái.
Đi đôi với trồng trọt, chăn nuôi ở huyện Châu Đức cũng phát triển nhanh chóng với tốc độ tăng trưởng bình quân 24,2%/ năm. Hiện nay, bà con nông dân thực hiện chương trình nạc hóa đàn heo và sind hóa đàn bò. Toàn huyện hiện có 44.659 con heo và 7.250 con trâu, bò, trong đó có hơn 70% là bò lai sind. Tháng 8- 2002, Trạm khuyến nông huyện còn kết hợp với Phòng Địa chính – Nông nghiệp thực hiện dự án nuôi dê giúp nông dân xóa đói giảm nghèo. Có 3 hộ nông dân ấp Xuân Trường, xã Sơn Bình, tham gia dự án được đầu tư 40 con dê giống. Sau hơn hai năm, tổng số dê sinh sản được 165 con, trong đó có 50 con dê cái giống cung cấp cho những hộ khác và bán ra thị trường 1.150 kg thịt. Từ hiệu quả dự án, hiện nay đàn dê ở Châu Đức phát triển rất mạnh. Riêng ở xã Sơn Bình có 500 hộ nuôi dê với số lượng hơn 1500 con.
Hiện nay, huyện Châu Đức đã có nhiều hộ vượt nghèo, trở thành nông dân sản xuất giỏi từ mô hình đầu tư của khuyến nông. Điển hình hộ anh Lê Quý Thành, từ Huế vào ấp Tân Bình, xã Sơn Bình, lập nghiệp năm 1977 được trạm khuyến nông huyện đầu tư 5 con bò cái lai sind, trị giá 22,5 triệu đồng. Bây giờ, anh đã có 1ha đất vừa trồng cỏ nuôi bò, vừa trồng hoa màu, 13 con bò và 5 con dê cái. Gia đình anh đã khá lên với thu nhập bình quân từ 15 đến 20 triệu đồng/ năm.
Nhờ đầu tư có định hướng kết hợp cùng các chương trình khuyến nông, những năm qua sản xuất nông nghiệp của huyện Châu Đức đạt hiệu quả khả quan. Năm 2004, tổng giá trị sản xuất nông nghiệp tăng lên gần 478, 3 tỷ đồng, trong đó trồng trọt đạt 423,8 tỷ đồng, chăn nuôi đạt 54,5 tỷ đồng. Người nông dân đã chuyển hướng sản xuất hàng hóa với nhiếu mô hình kinh tế trang trại có thu nhập từ 100-500 triệu đồng/ năm. Đời sống của đại bộ phận các hộ nông dân ngày càng được nâng cao. Năm 2004, Châu Đức đã xóa được 424 hộ nghèo, 1324 hộ nông dân đạt tiêu chuẩn sản xuất giỏi.
Bài, ảnh: Huỳnh Liên