Chế biến hàng hải sản ăn liền xuất khẩu sang thị trường Nhật tại Công ty Cổ phần Hải Việt. |
Năm 2004, ngành thủy sản tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng cao với những bước tiến đáng kể trên cả ba lĩnh vực: khai thác, nuôi trồng và chế biến. Thủy sản Bà Rịa - Vũng Tàu đã khẳng định được vị thế mới trên thị trường khu vực và thế giới. Thành quả này là nguồn động lực đưa ngành thủy sản tiếp tục vượt qua những thách thức mới trong tiến trình hội nhập.
THÀNH CÔNG GẮN LIỀN VỚI THÁCH THỨC
Bà Rịa - Vũng Tàu có năng lực đánh bắt hải sản hàng đầu trong số các địa phương có nghề cá trong nước. Với đội ngũ trên 4.845 tàu thuyền, trong đó có gần 2.000 tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ, năm 2004 khai thác được 190.000 tấn hải sản. Tuy vẫn giữ được mức sản lượng khá, nhưng trước nguy cơ suy kiệt về nguồn lợi, nghề đánh bắt hải sản không tránh khỏi lao đao và một trong những giải pháp khắc phục là đầu tư vào chiều sâu, tập trung nâng cao công nghệ khai thác và bảo quản sản phẩm. Đến nay, 100% tàu đánh bắt xa bờ được trang bị đầy đủ thiết bị hiện đại như máy tầm ngư, máy định vị, máy thu lưới... Mô hình bảo quản sản phẩm tiên tiến bước đầu cũng đã ứng dụng trên tàu lưới kéo, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm sau khai thác.
Tại cuộc Hội thảo toàn quốc về nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong nuôi trồng thủy sản tổ chức tại TP. Vũng Tàu, Thứ trưởng Bộ Thủy sản Nguyễn Việt Thắng đã nhận định, Bà Rịa - Vũng Tàu là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản, nhất là thủy sản nước mặn. Năm 2004, 8.860 ha mặt nước được khai thác đưa vào nuôi các loại thủy sản, đạt sản lượng 5.500 tấn, tăng 22% so với năm 2003. Đặc biệt, nghề nuôi tôm công nghiệp phát triển nhanh cả về quy mô và trình độ kỹ thuật, hình thành 4 vùng nuôi thâm canh có tổng diện tích 510 ha: Lộc An, Phước Thuận, Long Hương, phường 11, TP Vũng Tàu, có nơi đạt năng suất từ 5 – 7 tấn/ha/vụ. Nghề nuôi thủy đặc sản nước mặn, lợ, nuôi lồng bè đang phát triển mạnh ở trên sông Chà Và với tổng diện tích 15 ha mặt nước. Nghề nuôi cá nước ngọt cũng có bước đột phá với mô hình nuôi cá bè trên hồ thủy lợi, mở ra cho nông dân hướng làm ăn mới. Phát huy lợi thế về sinh thái ven biển, Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn giữ thế mạnh về sản xuất giống thủy sản. Hiện, trên địa bàn có một trại sản xuất giống cá nước lợ và 172 trại sản xuất tôm giống cung ứng cho thị trường trong, ngoài tỉnh từ 1,5 tỷ con tôm post.
Năm 2004 có thể được coi là năm hoàn thiện về quy trình và chất lượng chế biến hải sản. Toàn tỉnh có 189 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng thủy sản, xuất khẩu được 50.500 tấn, kim ngạch ước đạt 130 triệu USD. Với 6 doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn EU, thủy sản Bà Rịa - Vũng Tàu đã bắt đầu có vị thế trên thị trường châu Âu, châu Mỹ. Bên cạnh các mặt hàng chủ lực là chả cá surimi, mực, ghẹ đông lạnh, cá fillet các loại…, gần đây một số doanh nghiệp xây dựng thương hiệu của mình gắn với các sản phẩm ăn liền có giá trị xuất khẩu cao như: sản phẩm mô phỏng sau surimi của Công ty Thủy sản - Xuất nhập khẩu Côn Đảo, hàng khô ăn liền của Công ty Chế biến thủy sản Baseafood, hàng tươi ăn liền của Công ty Cổ phần Hải Việt… Các doanh nghiệp sảûn xuất hàng thủy sản trong tỉnh đã quan tâm hơn việc xây dựng thương hiệu và tìm hiểu thị trường nước ngoài. Đa số các doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp đều xây dựng trang web trên mạng, đồng thời tự trang bị những kiến thức cần thiết để có bản lĩnh đương đầu với sức ép cạnh tranh trên thị trường.
VỮNG TIN HƯỚNG TỚI TƯƠNG LAI
Những thành quả đạt được trong năm qua là kết quả của sự nỗ lực lớn nhưng chưa phải đã đạt đến đỉnh điểm của sự phát triển. Dựa trên những dấu hiệu khả quan, ngành thủy sản tiếp tục đưa ra mục tiêu nâng kim ngạch xuất khẩu thủy sản lên 142 triệu USD vào năm 2005. Mục tiêu dẫu không xa, nhưng cũng sẽ là ảo tưởng nếu như không có định hướng phát triển đồng bộ. Vì vậy, ngay từ giữa năm 2004, ngành thủy sản đã rà soát lại những mặt làm được và chưa được, đồng thời tiến hành điều chỉnh lại quy hoạch phát triển toàn ngành. Trong đó, quy hoạch lại cơ cấu ngành và đẩy mạnh phát triển sản xuất theo hướng công nghiệp được coi là hai nhiệm vụ trọng tâm. Trong lĩnh vực khai thác hải sản, việc rà soát sắp xếp lao động và phân bổ lại chỉ tiêu cho từng huyện, thị được thực hiện trước. Để đạt mục tiêu 200.000 tấn hải sản, ngoài việc tiếp tục hoàn thiện đội tàu đánh bắt xa bờ, trong thời gian tới ngành tiến hành phân bổ lại ngành nghề khai thác, đẩy mạnh khai thác ngư trường quốc tế và các vùng lân cận Indonexia và Malaixia.
Theo chỉ đạo của Bộ Thủy sản, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ phát triển nghề nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghiệp và nuôi sinh thái kết hợp cùng ngành du lịch khai thác triệt để tiềm năng kinh tế biển. Hai mục tiêu đầu tư lớn trước mắt sẽ là khai thác diện tích mặt nước ven sông, ven biển phát triển công nghệ nuôi tôm sú và nuôi cá lồng bè vừa bảo đảm chất lượng hàng hóa, vừa bảo vệ môi trường sinh thái bền vững.
Hoạt động chế biến và tiêu thụ thủy sản được coi là kinh tế mũi nhọn của ngành. Năm 2005, nhiệm vụ trọng tâm là chuyển hướng sang chế biến tinh, ưu tiên đầu tư cho chế biến đông lạnh và thực phẩm ăn liền theo công nghệ tiên tiến. Thực hiện tiêu chuẩn hóa chặt chẽ nhằm nâng cao chất lượng và uy tín sản phẩm, từng bước xây dựng và củng cố thương hiệu hàng thủy sản Bà Rịa - Vũng Tàu. Đa dạng hóa nguồn hàng và tạo sự phát triển tương đồng giữa sản xuất nguyên liệu và chế biến nhằm khai thác triệt để nguồn nguyên liệu sẵn có. Tổ chức lại các chợ cá, bến cá, tìm đầu ra ổn định là những việc cần làm nhằm nâng cao giá trị và hạn chế tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh… Bên cạnh đó, các hoạt động dịch vụ như: đóng sửa tàu thuyền, cung ứng nhiên liệu, trang thiết bị phục vụ đánh bắt, nuôi trồng và chế biến cũng được cân đối hợp lý nhằm tạo sự hậu thuẫn vững vàng cho các lĩnh vực cùng phát triển.
Bài, ảnh: Huỳnh Liên