Khách hàng đến giao dịch tại Quỹ tiết kiệm số 2 (52 Nguyễn An Ninh, phường 7, TP. Vũng Tàu) thuộc Chi nhánh Ngân hàng Công thương tỉnh BR-VT. Ảnh: Mai Thảo |
Kết thúc năm 2004, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu lại tiếp tục thực hiện thắng lợi vượt mức các chỉ tiêu kinh tế-xã hội trên địa bàn. Kết quả này là sự đồng tâm hiệp lực của Đảng bộ, chính quyền, các thành phần kinh tế và nhân dân trong tỉnh. Trong đó, các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng ngày càng khẳng định vai trò trung gian tài chính, cung ứng kịp thời nguồn vốn đầu tư, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế địa phương.
Trong năm 2004, hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng (gọi chung là TCTD) trên địa bàn tỉnh đã thực hiện việc huy động vốn bằng chiến lược mở rộng mạng lưới hoạt động, dịch vụ huy động vốn tại nhà, áp dụng linh hoạt lãi suất và phương thức tiếp thị qua chương trình tiết kiệm dự thưởng, cải cách và mở rộng các dịch vụ thanh toán qua ngân hàng, xây dựng phong cách giao dịch lịch sự trong quan hệ với khách hàng... Tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt 8.200 tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2003. Trong đó, tiền gửi tiết kiệm 2.150 tỷ đồng, tiền gửi tổ chức kinh tế 5.850 tỷ đồng và huy động kỳ phiếu, trái phiếu 200 tỷ đồng.
Thực hiện chiến lược công nghiệp hóa-hiện đại hóa công nghệ ngân hàng, trong năm, các TCTD tiếp tục đầu tư trang thiết bị hiện đại phục vụ cho hoạt động thanh toán. Đến cuối năm, toàn tỉnh có 10 máy rút tiền tự động (ATM) phục vụ khách hàng 24/24 giờ, trong đó Chi nhánh Ngân hàng Ngoại thương 8 máy, Chi nhánh Ngân hàng Công thương 2 máy. Dẫn đầu về doanh số thanh toán quốc tế là Chi nhánh Ngân hàng Ngoại thương với nghiệp vụ thanh toán thẻ tín dụng Master card, Visa card, Amex card, JCB card đạt 8,9 tỷ đồng; thanh toán thẻ quốc tế của các ngân hàng khác phát hành 2,6 triệu USD; thanh toán xuất nhập khẩu 1,5 triệu USD.
NHỮNG DỰ ÁN TRỌNG ĐIỂM CỦA TỈNH ĐƯỢC CÁC NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI ĐẦU TƯ VỐN - Dự án "Kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Phú Mỹ 1" và dự án "Đầu tư xây dựng Quốc lộ 51C" (120 tỷ đồng). |
Tổng dư nợ cho vay trên địa bàn đến cuối năm là 5.663 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2003. Trong đó, dư nợ cho vay doanh nghiệp Nhà nước 1.500 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 26,49% tổng dư nợ; dư nợ cho vay khu vực kinh tế tập thể và kinh tế tư nhân chiếm tỷ trọng đến 73,51% với số dư nợ 4.163 tỷ đồng. Với tỷ trọng cho vay như vậy, đây là tín hiệu đáng mừng trong việc cung ứng vốn của các TCTD, không phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế, biểu hiện sự phát triển của khu vực kinh tế ngoài quốc doanh. Mặt khác, việc cho vay của các TCTD phần lớn đầu tư vào những ngành kinh tế mũi nhọn. Nguồn vốn tín dụng trung và dài hạn được tập trung cho các dự án sản xuất công nghiệp như Nhà máy gạch tuynen Long Hương, Trạm bê tông tươi Long Hương, Cảng đạm và căn cứ dịch vụ tổng hợp Phú Mỹ, Nhà máy Condensate, Nhà máy LPG...
Hai Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) liên xã Xuyên Mộc và liên phường TP. Vũng Tàu được Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh củng cố lại, đi vào hoạt động với mô hình và phương thức huy động vốn và cho vay hiệu quả hơn. Số lượng thành viên của hai QTDND liên xã Xuyên Mộc và QTDND liên phường TP.Vũng Tàu năm 2004 tăng lên 3.452 thành viên. Trong năm, hai quỹ đã cho vay gần 1.500 lượt thành viên, mức dư nợ cuối năm 34 tỷ đồng, qua đó góp phần hỗ trợ, tạo điều kiện cho hộ gia đình thành viên tổ chức sản xuất, kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa quy mô nhỏ (đây là khu vực thị trường tín dụng ít được các ngân hàng thương mại quan tâm), hạn chế việc cho vay nặng lãi ở địa bàn nông thôn.
Từ những kết quả hoạt động tín dụng trong năm 2004 nêu trên, cho thấy các TCTD trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát huy vai trò là nhịp cầu trung gian tài chính, làm cho nguồn vốn xã hội vận động có hiệu quả, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương, góp phần phục vụ đắc lực cho tiến trình công nghiệp hóa-hiện đại hóa của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Bài, ảnh: Nhựt Thanh