DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC: THỪA LƯỢNG, THIẾU CHẤT

Thứ Hai, 06/12/2004, 08:18 [GMT+7]
In bài này
.
Chế biến hải sản xuất khẩu tại Công ty xuất nhập khẩu Côn Đảo, một doanh nghiệp Nhà nước làm ăn có hiệu quả. Ảnh: T.P

Một trong những giải pháp để nâng cao tốc độ cũng như chất lượng tăng trưởng kinh tế năm 2005 chính là việc đẩy mạnh quá trình cải cách doanh nghiệp Nhà nước (DNNN). Theo thống kê, hiện cả nước có khoảng hơn 4.000 DNNN, với tổng số vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vào khoảng 181 ngàn tỷ đồng. Nếu xét trên khía cạnh vai trò và vị trí của khối doanh nghiệp này trong nền kinh tế là rất quan trọng. Theo Bộ Tài chính, mặc dù khối DNNN chỉ chiếm 8% về số lượng, nhưng lại giải quyết đến 48% số lao động và chiếm 62% nguồn vốn trên tổng số các doanh nghiệp trên cả nước. Bình quân 1 DNNN có 422 lao động. Riêng mức độ trang bị tài sản cố định và vốn bình quân 1 lao động ở khối doanh nghiệp này đạt hơn 135 triệu đồng, cao gấp 3 lần khối doanh nghiệp dân doanh, chiếm hơn 1/2 tổng nộp ngân sách Nhà nước.

Số lượng đông đảo là vậy, nhưng thực tế khối DNNN vẫn chưa thực sự mạnh so với tiềm năng cũng như ưu ái mà Nhà nước đã dành cho trong suốt thời gian qua, chưa tương xứng với vai trò là "xương sống của nền kinh tế". Thậm chí không ít doanh nghiệp, tỷ suất lợi nhuận trên vốn còn thấp; thấp hơn cả mức cho vay của ngân hàng. Nếu như, tổng số vốn của khối DNNN đạt 181 ngàn tỷ đồng, nhưng số nợ phải thu đã lên tới hơn 100 nghìn tỷ đồng (trong khi đến hết năm 2003 số nợ phải thu đang ở mức 96.775 tỷ đồng) và số nợ phải trả khoảng 200 nghìn tỷ đồng (số nợ từ các khoản vay ngân hàng và các tổ chức tín dụng chiếm hơn 75%; nếu như so với đến hết thời điểm 2003 con số này là 207.789 tỷ). Như vậy, nếu tính tổng số nợ phải thu và phải trả của khối DNNN này lên tới khoảng 300 ngàn tỷ đồng.

Rõ ràng, nếu nhìn về "lượng", khối DNNN vẫn đóng vai trò chủ đạo trong việc thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng, về tạo công ăn việc làm cho người lao động... nhưng xét về "chất"- hiệu quả làm ăn - thì vẫn còn quá yếu kém. Thực tế, trong nền kinh tế thị trường vấn đề về số lượng không quan trọng bằng vấn đề chất lượng. Hiệu quả hay không hiệu quả thể hiện ở mặt chất lượng. Vì thế, xét về những ưu điểm như tổng nguồn vốn lớn, đóng góp nhiều vào ngân sách Nhà nước... so với số tiền 300 ngàn tỷ đồng nợ phải thu, phải trả mà khối doanh nghiệp này gây ra quả không thể chấp nhận được.

Hàng năm nước ta đang cần một khoản tiền khổng lồ để đầu tư cho phát triển kinh tế-xã hội (các chương trình xoá đói, giảm nghèo; y tế; giáo dục, lương chi cho CBCNV Nhà nước...) ngân sách không đủ nên đang phải đi vay nước ngoài (tính ra bình quân một người dân phải trả nợ từ 3-4 USD/năm/người)... thì không có lý do gì tiền của Nhà nước bỏ ra cho các doanh nghiệp làm ăn lại bị thua lỗ đến chừng ấy! Ước tính, nếu số tiền khoảng 300 nghìn tỷ đồng từ số nợ phải thu, phải trả của khối DNNN thời gian qua được đầu tư cho các chương trình an sinh và phúc lợi xã hội, chắc chắn chúng ta đã thực hiện xong chiến lược xoá đói, giảm nghèo (theo tiêu chuẩn quốc tế) và điều kiện sống của đại bộ phận tầng lớp nhân dân cũng được cải thiện.

Nền kinh tế nước ta đang vận hành theo cơ chế thị trường định hướng XHCN; trong đó, cùng với các thành phần kinh tế khác, DNNN vẫn là thành phần kinh tế chủ đạo đóng vai trò "xương sống" của nền kinh tế. Vì vậy, để thúc đẩy kinh tế phát triển, đưa DNNN xứng đáng với vai trò là đầu tàu của cả nền kinh tế, đã đến lúc chúng ta phải làm ngay cuộc "đại phẫu thuật" đối với khối doanh nghiệp này theo hướng ít nhưng "tinh", còn hơn nhiều mà "yếu". Có làm một cuộc đại "phẫu thuật", mới hy vọng phát triển mạnh hơn trong thời gian tới. Còn không, số nợ phải thu, phải trả sẽ còn cao hơn nữa !

Đăng Hà

;
.