Cảng biển, một trong những lĩnh vực cần thu hút nguồn vốn tư nhân. (Trong ảnh: Bốc dỡ xi măng trên tàu neo đậu tại thương cảng Vũng Tàu). Ảnh: Mai Thảo |
Hầu hết các đại biểu quốc tế tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam tổ chức sáng 29-11 tại Hà Nội đều khẳng định dù sớm hay muộn, Việt Nam cũng sẽ phải đi theo con đường chung của các nước trên thế giới là huy động nguồn vốn tư nhân cho đầu tư vào các công trình cơ sở hạ tầng vì khu vực tư nhân là động cơ tăng trưởng cho bất kỳ quốc gia nào, nhất là các quốc gia đang chuyển đổi như Việt Nam.
Theo một điều tra của Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, chi tiêu cho các công trình hạ tầng trên toàn quốc rất lớn so với nguồn lực hiện có. Chẳng hạn trong lĩnh vực điện, mỗi năm cần đầu tư hơn 2 tỷ USD mới theo kịp mức tăng trưởng nhu cầu về điện. Về cấp nước, chỉ riêng Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh trong kế hoạch phát triển đến 2010 đã cần trên 2 tỷ USD. Mức cấp nước sinh hoạt hiện chỉ đạt 45% và muốn nâng lên mức 85% vào năm 2010 thì cần 600 triệu USD/năm, tức là gấp 4 lần mức đầu tư hàng năm hiện nay.
Theo các chuyên gia quốc tế, yêu cầu đầu tư cho cơ sở hạ tầng để theo kịp tốc độ tăng trưởng đã vượt quá khả năng nguồn lực của Chính phủ. Việc sử dụng vốn vay thay ngân sách trong tương lai cũng sẽ giảm, nhất là vốn ODA do các khoản vay ưu đãi luôn đi kèm các điều kiện thương mại. Do đó, thu hút đầu tư từ nguồn vốn tư nhân có thỏa thuận sở hữu và chia sẻ lợi nhuận sẽ có tác động quan trọng đối với việc cấp vốn cho sơ sở hạ tầng. Gánh nặng ngân sách sẽ giảm và Chính phủ tiết kiệm được kinh phí cho các chương trình xã hội thiết yếu khác.
Một trong những lĩnh vực được nhiều nhà quan sát quốc tế đánh giá cao và khá "màu mỡ" là viễn thông đã có nhiều biến chuyển đáng ghi nhận. Đây là ngành rất "nhạy cảm" và việc Việt Nam mở cửa cho nước ngoài tham gia dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh là một bước tiến đầu tiên so với nhiều nước trong khu vực. Theo dự tính (trong Quyết định 158 của Thủ tướng ngày 11/10/2001), nguồn vốn cần đầu tư cho ngành viễn thông tới năm 2010 khoảng 4-6 tỷ USD, trong đó 60% là nguồn vốn trong nước. Mật độ thuê bao điện thoại hiện mới chỉ đạt 10máy/100 dân trong khi các nước lân cận đã đạt 30 máy/100 dân phản ánh tiềm năng to lớn trong tương lai.
Theo ông Mai Liêm Trực, Bộ Bưu chính Viễn thông đang có chủ trương cổ phần hóa một số công ty thông tin di động như Mobifone, Vinafone và định hướng chung của ngành là xóa bỏ độc quyền doanh nghiệp và xây dựng thị trường cạnh tranh. Hiện tại hình thức đầu tư của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này mới chỉ dừng lại ở hợp đồng hợp tác kinh doanh nhưng đã thu hút hơn 1 tỷ USD. Sắp tới, Bộ cũng rất khuyến khích doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực phần cứng, phần mềm, sản phẩm điện tử...
Một trong những vướng mắc lớn đối với các dự án đầu tư vào kết cấu hạ tầng là vấn đề giá. Các công trình cơ sở hạ tầng ngoài việc là một dự án kinh tế còn có ý nghĩa xã hội và liên quan rất lớn đến đời sống nhân dân. Trao đổi với báo chí, Phó Thủ tướng Vũ Khoan cũng nhận định khu vực tư nhân chậm tham gia cũng có nguyên nhân. "Xây dựng kết cấu hạ tầng cần vốn rất lớn, thu hồi vốn chậm nên các dự án phải được tính toán chặt chẽ. Ví dụ giá điện của Việt Nam không thực sự phản ảnh chi phí. Nhưng để bảo đảm đời sống của nhân dân, ổn định xã hội nên vẫn giữ giá thấp. Nếu tư nhân đầu tư hay đầu tư nước ngoài cũng phải bán với giá thấp như vậy thì họ không thể chấp nhận được. Nếu áp dụng một giá bình quân thị trường thì toàn bộ xã hội phải chấp nhận một mức giá cao. Đây là điều khó chấp nhận, nhất là tình hình lương chúng ta còn thấp. Sửa một nghị định thì không khó nhưng phải tính đến tác động xã hội, phải nghiên cứu đồng bộ", Phó Thủ tướng nói.
Tại diễn đàn, đại diện Nhóm sản xuất và phân phối (M&D) đã đưa ra khuyến nghị một số lĩnh vực kết cấu hạ tầng cần thu hút nguồn vốn tư nhân như điện, cảng biển, viễn thông, xăng dầu, khí đốt. Đây là những lĩnh vực khu vực tư nhân đã chứng tỏ được khả năng xây dựng các công trình hạ tầng tốt. Trong năm 2003, 2 dự án điện tư nhân quan trọng được đầu tư là dự án nhà máy điện Phú Mỹ 3 và dự án Phú Mỹ 2-2 (xây dựng hai nhà máy điện chạy bằng khí đốt công suất 720MW). Theo các chuyên gia, các dự án này có thể coi là hình mẫu và chứng tỏ các tiêu chuẩn quốc tế trong việc đầu tư vào hạ tầng của khu vực tư nhân hoàn toàn phù hợp. |
Ngoài vấn đề giá, theo ý kiến của nhiều nhà đầu tư, tính nhất quán và công bằng trong vấn đề pháp lý cho khu vực tư nhân đầu tư vào lĩnh vực bưu chính viễn thông nói riêng và các lĩnh vực hạ tầng khác vẫn còn nhiều hạn chế. Đây là vấn đề cần giải quyết ngay. Chẳng hạn Pháp lệnh Bưu chính - Viễn thông ban hành đã lâu nhưng vẫn thiếu các văn bản hướng dẫn cụ thể các lĩnh vực cho phép tư nhân đầu tư. Các thủ tục phiền hà và trở ngại về đất đai cũng có thể ngăn nguồn vốn của tư nhân đến với các dự án hạ tầng đô thị...
"Từ trước đến nay Chính phủ Việt Nam vẫn khuyến khích đầu tư tư nhân vào cơ sở hạ tầng nhưng chỉ là thông qua những tuyên bố chứ chưa có một thể chế pháp lý làm cơ sở cho các tuyên bố này. Điều này chỉ làm cho các nhà đầu tư bối rối không rõ đầu tư vào cơ sở hạ tầng có thực sự được khuyến khích hay không và nếu có thì khuyến khích những lĩnh vực nào, cấm những lĩnh vực nào", một đại diện Nhóm sản xuất và phân phối (M&D) của Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam cho biết.
Phó Thủ tướng Vũ Khoan cũng thẳng thắn nhận định nguồn lực của khu vực tư nhân hiện vẫn chưa được khai thác tốt. Sắp tới Chính phủ sẽ thành lập một nhóm chuyên đề để bàn riêng về vấn đề huy động vốn của khu vực này trong đầu tư cơ sở hạ tầng. Các vấn đề trọng tâm cần được xác định là đánh giá tổng thể nhu cầu, quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng của Việt Nam thời gian tới. Vấn đề pháp lý cũng hết sức quan trọng và cần rà soát. Hiện tại những quy định điều chỉnh hoạt động của khu vực tư nhân trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng nằm rải rác trong rất nhiều văn bản khác nhau. Theo Phó Thủ tướng, đã đến lúc cần rà soát lại và chỉnh sửa quy định về hình thức đầu tư BOT (xây dựng-vận hành-chuyển giao).
Nguyễn Hoàng