THIẾU ĐỒNG BỘ VỀ TẢI TRỌNG CẦU – ĐƯỜNG: LỰC CẢN ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG VẬN CHUYỂN HÀNG HÓA

Thứ Hai, 04/10/2004, 08:40 [GMT+7]
In bài này
.
Cầu Suối Cát 2 trên quốc lộ 55- biển báo tải trọng cầu chỉ có 8 tấn. Ảnh: Đinh Công Tiến

Theo thống kê, tổng cộng trên tất cả các tuyến quốc lộ đi qua địa bàn và các tuyến đường tỉnh quản lý có 40 cây cầu, trong đó có tới 19 cầu không có biển báo tải trọng, số có biển báo tải trọng thì tải trọng lại quá nhỏ, chưa đồng bộ với tải trọng đường. Tình trạng này đã và đang là một lực cản đối với hoạt động vận chuyển hàng hóa.

Có lẽ, ít có 1 địa phương nào trên cả nước lại có một hệ thống giao thông hoàn chỉnh, khang trang như ở BR-VT. Từ vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đến các xã đảo xa xôi, đường sá liên tục được mở mang xây mới…. Có được một mạng lưới giao thông tương đối hoàn chỉnh như hiện nay, trong hơn 20 năm qua, BR-VT đã nỗ lực rất lớn trong công tác đầu tư xây dựng.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng việc đầu tư xây dựng đường và cầu còn thiếu đồng bộ, ngay cả những tuyến đường được đầu tư xây mới sau này như: Trục đường ngang Mỹ Xuân-Ngãi Giao-Xuân Sơn-Hòa Bình; Quốc lộ 56; tỉnh lộ 44, 52; hương lộ 10….. Mục tiêu phát triển giao thông đường bộ là để đáp ứng nhu cầu đi lại và nâng cao tốc độ lưu thông hàng hoá, song do tải trọng cầu đường không đồng bộ nên vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu này, ngược lại còn gây không ít khó khăn cho lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông khi làm nhiệm vụ. Đáng nói là những tuyến đường này đều là những huyết mạch giao thông nối liền các vùng kinh tế, các địa phương với nhau. Nhất là những tuyến quốc lộ, loại đường được xem là dành cho tất cả những loại phương tiện có tải trọng lớn lưu thông.

Theo thống kê sơ bộ của Phòng Cảnh sát giao thông tỉnh, trên tất cả các tuyến quốc lộ đi qua địa bàn và các tuyến đường tỉnh quản lý, có 40 cây cầu, trong đó có tới 19 cầu không có biển báo tải trọng. Cụ thể, trên quốc lộ 55 có tới 14 cầu trong tình trạng không được ghi tải trọng và tải trọng quá nhỏ, không phù hợp với tải trọng chung của đường; trong đó 7 cây cầu gồm: cầu Cống Nhẫn 1, Cống Nhẫn 2, cầu Trọng, cầu Dầu, Suối Cát 1, Suối Cát 2, cầu Suối Đá và cầu Suối Kinh có ghi tải trọng thì tất cả chỉ là 8 tấn. Còn trên quốc lộ 51, một tuyến đường có lưu lượng phương tiện lưu thông rất lớn, chỉ riêng đoạn qua địa bàn tỉnh BR-VT, trong số 7 cầu trên tuyến thì có 3 cầu không được ghi tải trọng cầu, 4 cầu có tải trọng không phù hợp với đường. Trong đó có cầu Rạch Bà tải trọng chỉ tới 13 tấn là quá nhỏ, không phù hợp với tải trọng thực của những đoàn xe tới hơn 30 tấn vẫn thường xuyên lưu thông. Trên các tuyến đường tỉnh lộ 328, 329, Mỹ Xuân-Ngãi Giao-Hòa Bình; Hương lộ 10, tỉnh lộ 44, 52….. cũng không ít cầu ở trong tình trạng đã nêu. Được biết, các cầu trên các tuyến đường này hầu hết được thiết kế theo mức từ 8 đến 13 tấn, hoàn toàn chưa đồng bộ với tải trọng đường.

Nhiều tài xế xe tải nặng điều khiển phương tiện lưu thông trên quốc lộ 55 cho biết, qua những cây cầu có tải trọng nhỏ chỉ tới 8 tấn, xe tải trọng 20 tấn của họ không được phép đi qua, nhưng vì đó là tuyến đường gần nhất nên vẫn phải vi phạm qui định. Trường hợp tài xế Trần Ngọc Sơn, điều khiển xe tải có tải trọng 35 tấn, biển số kiểm soát 86X-1111, lưu thông từ Bình Thuận về Bà Rịa, qua tất cả các cầu trên quốc lộ 55 với tải trọng cho phép là 8 tấn bị công an xử phạt là 1 ví dụ.

Xét về hiệu quả kinh tế thì rõ ràng người kinh doanh phải tính toán chọn cung đường nào ngắn nhất, giảm tối đa chi phí vận chuyển để đi chứ không ai lại đi đường dài hơn, tốn nhiên liệu hơn. Còn các bác tài cũng không ai muốn "nằm đường" nhiều hơn, thế nhưng cầu, đường thì lại chưa đồng bộ để thoả mãn nhu cầu này. Và việc xe vượt quá tải trọng cầu đến hàng chục tấn qua lại trên cầu vẫn diễn ra như cơm bữa, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tuổi thọ của cầu. Thực tế, đã có hiện tượng nứt lún đầu cầu như cầu Thị Vải trên tuyến quốc lộ 51, hiện tượng lở, vỡ, bong tróc mặt cầu như cầu Cống Nhẫn 1 trên quốc lộ 55, và không biết lúc nào trong số những cây cầu hàng ngày phải cõng quá sức kia sẽ bị … "sụp".

Những cây cầu có biển báo tải trọng cầu còn hỗ trợ cho công tác kiểm tra kiểm soát của lực lượng chức năng, tức là còn có cơ sở để người làm nhiệm vụ xử lý vi phạm, còn những cây cầu không có biển báo tải trọng thì lực lượng chức năng hoàn toàn bó tay. Công tác kiểm soát, gìn giữ tuổi thọ cho cầu của các cơ quan chức năng vì thế luôn bị động, khó khăn.

Hà My

;
.