XUẤT KHẨU: NHƯ PHIÊN CHỢ CHIỀU
· Khó đạt kế hoạch kim ngạch xuất khẩu 108,68 triệu USD đã đề ra.
![]() |
Tàu nước ngoài đang "ăn" hàng hải sản chế biến xuất khẩu qua thương cảng Vũng Tàu. Ảnh: Mai Thảo |
Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tỉnh (không tính dầu khí) chỉ bằng 1/2 so với mức tăng trung bình của cả nước. Doanh nghiệp Nhà nước giảm tới 30% kim ngạch xuất khẩu, không thực hiện được các hợp đồng lớn và chưa có chiến lược đầu tư dài hơi,.. Đó là "bức tranh ảm đạm" trong hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong 5 tháng đầu năm 2004.
Trong 5 tháng đầu năm 2004, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh của tỉnh phần lớn đều giảm, trừ 2 mặt hàng hạt tiêu (tăng 31,4%) và điều (251%) nhưng kim ngạch của mặt hàng này nhỏ. Hải sản, mặt hàng chiến lược trong hoạt động xuất khẩu của tỉnh kim ngạch xuất khẩu chỉ tăng 3,81%. Các mặt hàng chiến lược khác như giày các loại, may mặc, cao su và cà phê, kim ngạch xuất khẩu đều giảm mạnh. Cụ thể giày các loại giảm hơn 19% (đạt 11,26 triệu USD), cao su giảm 6%, cà phê giảm 47,27%… Tổng kim ngạch xuất khẩu (không tính dầu khí) trong 5 tháng đạt 68,92 triệu USD, tăng trên 4% so với cùng kỳ năm 2003. Đây là mức tăng thấp nhất trong vòng 3 năm qua, kể từ năm 2001 đến nay.
Nguyên nhân tác động chủ yếu là do kim ngạch xuất khẩu của các DNNN xuất khẩu giảm (gần 30%), cho nên dù các thành phần kinh tế như doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có kim ngạch xuất khẩu tăng cao (tăng 37,6%), doanh nghiệp ngoài quốc doanh tăng gần 24%, chúng cũng không bù đắp được mức sụt giảm về kim ngạch của các doanh nghiệp Nhà nước. Trong lĩnh vực xuất khẩu thuỷ sản, hầu hết các DNNN gặp khó khăn trong thu mua nguyên liệu chế biến bởi gặp nhiều rắc rối trong thủ tục lập chứng từ. Phần lớn các doanh nghiệp này không thu mua trực tiếp được từ ngư dân mà phải qua nậu vựa, và người thắng trong "cuộc đua" thu mua nguyên liệu luôn là các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Mặt khác, bộ máy quản lý DNNN không linh hoạt, sản xuất chủ yếu là gia công hoặc sơ chế nên giá trị xuất khẩu không cao. Sự sụt giảm này tập trung vào một số doanh nghiệp như Công ty Thủy sản xuất nhập khẩu Côn Đảo (Coimex) giảm trên 56%, Công ty Chế biến xuất nhập khẩu Thủy sản (Baseafood) giảm gần 13%… Giày xuất khẩu các loại tập trung ở 2 doanh nghiệp Tramatsuco và Công ty Dịch vụ Hậu cần Thủy sản nhưng cả 2 đơn vị này đều có kim ngạch giảm gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo dự báo của Bộ Thương mại, hoạt động xuất khẩu Việt Nam trong thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn. Từ nay đến cuối năm, các doanh nghiệp xuất khẩu còn phải thực hiện kim ngạch theo kế hoạch là 129,76 triệu USD; bình quân mỗi tháng 18,5 triệu USD, so với những gì đã làm được ở 5 tháng đầu năm thì đây là một chỉ tiêu rất cao. Theo dự đoán, kim ngạch xuất khẩu năm nay sẽ khó thực hiện được theo kế hoạch 108,68 triệu USD mà ngành thương mại đã đưa ra.
Quang Đạt