THƯƠNG CẢNG VŨNG TÀU - MAI NÀY NHỘN NHỊP TÀU VÀO TÀU RA
![]() |
Tàu nước ngoài đang "ăn" hàng hải sản chế biến xuất khẩu qua Thương cảng Vũng Tàu. Ảnh: Mai Thảo |
Ngày 28-4, Công ty Cổ phần Thương cảng Vũng Tàu đã làm lễ ra mắt Hội đồng quản trị và tuyên bố chính thức đi vào hoạt động. Đây là một tin vui đối với các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh. Bởi từ lâu, các doanh nghiệp này gặp nhiều khó khăn, tốn kém cho việc xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cảng ở TP.Hồ Chí Minh. Nay Công ty Cổ phần Thương cảng Vũng Tàu đi vào hoạt động với nhiều loại hình dịch vụ cảng và vận tải đường thủy, sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp giảm bớt chi phí xuất nhập khẩu hàng hóa của mình.
Thương cảng Vũng Tàu nằm bên bờ Sông Dinh, thuộc khu vực phường 11-TP.Vũng Tàu. Từ năm 1997 đến 2001, thương cảng này hoạt động dưới sự quản lý của Công ty XNK Dịch vụ dầu khí (Vieco-PS), một doanh nghiệp thuộc tỉnh BR-VT. Do Công ty Vieco-PS sản xuất kinh doanh kém hiệu quả, UBND tỉnh quyết định giải thể công ty này. Kể từ cuối năm 2001, thương cảng Vũng Tàu gần như ngưng hoạt động bởi không có bộ máy quản lý điều hành. Đến tháng 6-2003, Công ty Cổ phần Thương cảng Vũng Tàu (CPTCVT) được thành lập và tiếp nhận thương cảng, trên cơ sở mua lại tài sản trị giá 36 tỷ đồng của Công ty Vieco-PS.
Công ty CPTCVT có gần 200 lao động làm việc tại 4 đơn vị sản xuất trực thuộc gồm Thương cảng, Xí nghiệp Dịch vụ, Xí nghiệp Kinh doanh-Vận tải dầu khí và Xí nghiệp Bia-Nước giải khát. Hoạt động sản xuất kinh doanh và dịch vụ của công ty rất đa dạng, nhưng chủ yếu vẫn là khai thác lợi thế cảng biển hiện hữu. Nếu so với các cảng thương mại khác tại TP.Hồ Chí Minh, thì thương cảng Vũng Tàu nhỏ hơn, nhưng so với nhiều địa phương khác thì thương cảng này có vị trí thuận lợi và tiềm năng khai thác rất lớn. Cơ sở vật chất kỹ thuật của thương cảng hiện có: Tổng chiều dài cầu cảng 250m, mớn nước -7m, có khả năng tiếp nhận tàu 5.000GTR cập cảng; bãi chứa container rộng 10.000m2, kho hàng có diện tích 7.735m2, kho ngoại quan 5.358m2, bãi kho ngoại quan 9.728m2.
Bằng những tài sản, cơ sở vật chất mua lại của Công ty Vieco-PS, trong 6 tháng cuối năm 2003, Công ty CPTCVT đã tổ chức sản xuất kinh doanh giai đoạn thử nghiệm, đạt hiệu quả khả quan, doanh thu 9,809 tỷ đồng, nộp ngân sách 1,387 triệu đồng, lợi nhuận 500 triệu đồng, người lao động có thu nhập bình quân 1.050.000 đồng/người/tháng. Nhưng điều quan trọng là chỉ trong thời gian ngắn, Công ty CPTCVT đã xây dựng lại mạng lưới khách hàng cũ, phát triển thêm khách hàng mới, mở rộng hợp tác làm ăn với nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Ông Lê Văn Kháng, Chủ tịch HĐQT Công ty CPTCVT cho biết: Hiện nay, công ty đang tiến hành mở tuyến vận chuyển container bằng đường biển từ Vũng Tàu đi TP. Hồ Chí Minh và ngược lại, đáp ứng nhu cầu lưu chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp với lượng thời gian vận chuyển rút ngắn hơn so với đường bộ, biểu giá cước và phí dịch vụ hợp lý. Công ty đang đầu tư xây dựng xưởng sửa chữa cơ khí ngay trong khu vực cảng, thực hiện sửa chữa tàu biển cho các doanh nghiệp vận tải biển. Với hình thức đầu tư cuốn chiếu "sử dụng đến đâu-đầu tư đến đó", cơ sở vật chất khác của cảng cũng sẽ được công ty đầu tư nâng cấp, sửa chữa, lắp đặt thêm các thiết bị chuyên dùng theo yêu cầu hoạt động kỹ thuật của một cảng thương mại. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tiếp thị, thu hút khách hàng bằng chất lượng dịch vụ, giá thành rẻ, bảo đảm chữ tín…
Với phương thức quản lý mới, linh hoạt của một doanh nghiệp cổ phần, tin rằng Công ty CPTCVT sẽ tạo nên bước đột phá trong hoạt động kinh doanh dịch vụ cảng biển trên địa bàn tỉnh. Thương cảng Vũng Tàu sẽ ngày càng thu hút nhiều tàu chở hàng xuất nhập khẩu ra vào nhộn nhịp, khơi tăng nguồn thu ngân sách của tỉnh, đồng thời tạo thêm công ăn việc làm cho lao động địa phương thông qua các loại hình kinh doanh-dịch vụ khác.
Nhựt Thanh