Nhu cầu vận chuyển tăng đột biến có thể đẩy giá cước vận tải biển tăng mạnh, gây áp lực chi phí và ảnh hưởng lợi nhuận.
![]() |
Giá cước vận tải biển đang có dấu hiệu tăng trở lại, gây khó khăn cho DN xuất khẩu. |
Giá cước tăng do thiếu container
Thị trường đang bước vào mùa cao điểm vận chuyển kéo dài từ tháng 5 đến tháng 8 khiến nhu cầu vận tải tăng đột biến. Ông Đặng Phúc Nguyên Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, nhiều DN đã bắt đầu gấp rút xuất hàng. Tình trạng thiếu vỏ container, thiếu chỗ trên tàu hoàn toàn có thể xảy ra trong thời gian ngắn tới.
Thông tin từ các DN cũng cho biết, giá cước đang có dấu hiệu tăng trở lại. Tuyến châu Á - Bờ Tây Mỹ hiện ở mức 5.078 USD/container 40 feet, tăng 3% so với đầu năm. Tuyến châu Á - Bờ Đông là 6.718 USD/container, tăng 1%. Trong khi đó, tuyến châu Á - Địa Trung Hải giữ ổn định ở mức 5.069 USD/container.
Chỉ số vận tải container toàn cầu WCI vào cuối tháng 3/2025 từng chạm đáy ở mức 2.207 USD/container, giảm gần một nửa so với đầu năm nhưng đến nay đã tăng trở lại do nhu cầu tăng nhanh.
Đại diện Công ty TNHH Hồng Nga Sài Gòn cho biết, với hơn 40 container/tháng xuất từ cảng Cái Mép-Thị Vải và giá cước bình quân 4.500 USD/container, chi phí vận chuyển hàng tháng của công ty sẽ trên 4,5 tỷ đồng. Nếu không đặt chỗ sớm, DN còn phải mua lại chỗ vận chuyển từ thị trường thứ cấp. Lúc đó giá cước có thể bị đội lên rất cao ảnh hưởng nhiều đến lợi nhuận.
Theo các chuyên gia ngành vận tải cảng biển, giá cước có thể tiếp tục tăng do hai yếu tố là nhu cầu cao bất thường và thiếu container rỗng. Việc Mỹ tăng thuế mạnh với Trung Quốc khiến hàng xuất từ Trung Quốc bị chững lại, container rỗng tồn tại các cảng, không được luân chuyển kịp thời. Hãng tàu buộc phải điều chuyển container từ khu vực khác, dẫn đến tăng chi phí.
Doanh nghiệp cần chủ động ứng phó
Theo dự báo từ công ty tư vấn ngành vận tải biển Drewry World Container Index (WCI), giá cước vận tải biển trong quý IV/2025 có khả năng hạ nhiệt nếu kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại và nhu cầu nhập khẩu giảm. Tuy nhiên, thị trường vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro, trong đó đáng chú ý là sự tái cấu trúc của các liên minh hàng hải. Cụ thể, việc kết thúc liên minh 2M giữa Maersk và MSC, cùng với sự hình thành Gemini Cooperation giữa Maersk và Hapag-Lloyd được dự báo sẽ tạo ra thế cạnh tranh mới, ảnh hưởng trực tiếp đến cấu trúc và mức giá cước vận tải toàn cầu.
Trong bối cảnh đó, các chuyên gia khuyến nghị DN cần chủ động xây dựng chiến lược ứng phó như theo dõi sát diễn biến chính sách thương mại và thị trường vận tải biển quốc tế để kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất, xuất khẩu. DN nên chủ động đặt chỗ sớm, ưu tiên sử dụng các tuyến có lịch trình ổn định, xem xét ký hợp đồng vận chuyển dài hạn với các hãng tàu lớn nhằm ổn định chi phí trong giai đoạn biến động. Đồng thời, việc tăng cường hợp tác với các đơn vị logistics chuyên nghiệp để đảm bảo nguồn container, hạn chế rủi ro giao hàng chậm hoặc thiếu hụt phương tiện là điều cần thiết.
Dù giá cước vận tải biển đang có xu hướng tăng trở lại, nếu có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và chiến lược thích ứng phù hợp, DN hoàn toàn có thể tận dụng cơ hội trong 90 ngày tạm hoãn thuế để bứt phá xuất khẩu trong năm 2025.
Bài, ảnh: TRÀ NGÂN