Cảng Cái Mép-Thị Vải: Bước ngoặt để tái cấu trúc, vươn lên mạnh mẽ

Thứ Sáu, 04/04/2025, 17:23 [GMT+7]
In bài này
.

Trước sức ép cạnh tranh ngày càng gia tăng từ các cảng lớn trong khu vực và sự xuất hiện của siêu cảng Cần Giờ, cảng Cái Mép-Thị Vải (CM-TV) đứng trước bước ngoặt lớn. Đây không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để tái cấu trúc, vươn lên mạnh mẽ.

Tàu làm hàng tại cảng Gemalink, một trong những cảng chiến lược khu vực Cái Mép-Thị Vải, đóng vai trò quan trọng trong nâng cao năng lực vận chuyển và kết nối, đồng thời hỗ trợ sự phát triển của cảng Cần Giờ.
Tàu làm hàng tại cảng Gemalink, một trong những cảng chiến lược khu vực Cái Mép-Thị Vải, đóng vai trò quan trọng trong nâng cao năng lực vận chuyển và kết nối, đồng thời hỗ trợ sự phát triển của cảng Cần Giờ.

Nhiều sức ép cạnh tranh

Trong 2 tháng đầu năm 2025, CM-TV chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ của các tuyến dịch vụ mới, khi các liên minh hãng tàu toàn cầu mở thêm 8 tuyến tại khu vực này. Liên minh Premier, tái cấu trúc từ THE Alliance, đã bắt đầu vận hành với đội tàu hơn 300 chiếc và 24 tuyến dịch vụ hướng đến các thị trường Á - Âu, Mỹ và Địa Trung Hải. Bên cạnh đó, cảng Quốc tế Tân Cảng-Cái Mép (TCIT) đón chuyến tàu đầu tiên của tuyến ZSL/Pelican do ZIM và MSC khai thác, giúp nâng cao khả năng kết nối và tối ưu hóa cạnh tranh cho xuất khẩu Việt Nam. 

Tuy nhiên, khi so sánh với các cảng lớn trong khu vực như Busan (Hàn Quốc) và Thượng Hải (Trung Quốc), CM-TV vẫn chưa đạt đến quy mô và hiệu quả tương tự. Busan có 7 cảng khai thác tổng chiều dài bến 8,25km, trung bình mỗi cảng dài 1,17km, mớn nước -16m, đạt sản lượng 22 triệu TEU/năm. Cảng Thượng Hải với 3 khu, có tổng chiều dài 13km và sản lượng đạt 47 triệu TEU, trong đó trung chuyển quốc tế chiếm 14%. Trong khi đó, CM-TV có 6 dự án cảng container do 6 đơn vị khai thác riêng lẻ, với tổng chiều dài bến 6,7km, trung bình 698m/cảng, mớn nước -15,5m, sản lượng chỉ đạt khoảng 7 triệu TEU, trong đó hàng trung chuyển quốc tế chiếm khoảng 5%.

Ông Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty CP tư vấn thiết kế cảng kỹ thuật biển cho rằng, điểm khác biệt lớn giữa CM-TV và các cảng trong khu vực là mô hình đầu tư và quản lý. Ở Hàn Quốc và Trung Quốc, kết cấu hạ tầng cảng biển chủ yếu do Nhà nước đầu tư và quản lý, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển đồng bộ và hiệu quả.

Cảng Quốc tế Tân Cảng - Cái Mép (TCTT) tiếp nhận tàu COSCO England, hoạt động xếp dỡ container diễn ra nhộn nhịp, khẳng định vai trò quan trọng trong chuỗi logistics khu vực.
Cảng Quốc tế Tân Cảng - Cái Mép (TCTT) tiếp nhận tàu COSCO England, hoạt động xếp dỡ container diễn ra nhộn nhịp, khẳng định vai trò quan trọng trong chuỗi logistics khu vực.

Trong khi đó, tại CM-TV, hầu hết các cảng container được đầu tư và khai thác bởi các nhà đầu tư tư nhân, dẫn đến sự thiếu đồng bộ trong quản lý và khai thác. Mặc dù các cảng tại CM-TV đã có sự phát triển đáng kể, nhưng vấn đề quản lý thiếu một cơ quan điều hành chung khiến việc thu hút hàng hóa trung chuyển quốc tế vẫn còn hạn chế.

Cần Giờ và Cái Mép-Thị Vải bổ trợ cho nhau

Dự án siêu cảng Cần Giờ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 16/1/2025 sẽ xây dựng trên diện tích 571ha, dài hơn 7km, có khả năng tiếp nhận tàu container 250.000 DWT (24.000 TEU) với vốn đầu tư trên 50 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, dự án cũng gây lo ngại về cạnh tranh với CM-TV.  

Về vấn đề này, ông Lý Quang Thái, thành viên HĐQT cảng Sài Gòn khẳng định, Cần Giờ và CM-TV không phải là đối thủ cạnh tranh mà là các đối tác bổ trợ. Cả hai sẽ cùng tạo ra một hệ thống cảng mạnh mẽ cho khu vực Đông Nam Bộ và Việt Nam, giúp nâng cao khả năng cạnh tranh toàn cầu. Ông Thái cũng cho rằng sự phát triển của một cảng này không làm suy giảm mà còn thúc đẩy sự phát triển chung của khu vực.

Cảng Cần Giờ sẽ chủ yếu tập trung vào hàng trung chuyển quốc tế, chiếm 70-80% khối lượng hàng hóa, trong khi CM-TV chuyên xử lý hàng xuất khẩu. Do đó, khả năng xảy ra xung đột hay cạnh tranh giữa hai cảng là rất hạn chế.

Bãi chứa container cảng TCIT.
Bãi chứa container cảng TCIT.

Các chuyên gia cũng nhận định rằng chưa có hãng tàu nào đề xuất đầu tư cảng trung chuyển tại CM-TV. Cảng Cần Giờ do MSC đề xuất, chủ yếu phục vụ hàng trung chuyển quốc tế và trở thành một "hub port" (trung tâm trung chuyển) cho các tàu mẹ, giúp nâng cao vị thế của cảng biển Việt Nam trên bản đồ logistics toàn cầu. Hệ thống cảng giữa CM-TV và Cần Giờ sẽ không xung đột mà hỗ trợ bổ sung cho nhau, tạo ra một hệ thống cảng biển mạnh mẽ cho vùng Đông Nam Bộ và quốc gia.

Cảng Cần Giờ cũng sẽ mở ra cơ hội để cảng biển Bà Rịa-Vũng Tàu tăng cường kết nối và hợp tác giữa các cảng trong khu vực. Các cảng trung chuyển quốc tế hàng đầu thế giới thường hoạt động trong hệ thống cảng xung quanh, và thay vì cạnh tranh, họ đã hợp tác chặt chẽ để chia sẻ nguồn hàng và phát triển cùng nhau. Khi cảng Cần Giờ đi vào hoạt động sẽ có thêm các tuyến trung chuyển tại CM-TV, góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của cảng biển khu vực này.

Cải thiện cơ sở hạ tầng và dịch vụ

CM-TV đã trở thành lựa chọn quan trọng của nhiều hãng tàu lớn. Tuy nhiên, để giữ chân các hãng tàu và tối ưu hóa lợi ích từ sự phát triển của khu vực cảng biển này, ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải và đường thủy Việt Nam cho rằng, các DN cảng biển cần tiếp tục duy trì và cải thiện các yếu tố cơ sở hạ tầng và dịch vụ. Cụ thể, các cảng tại CM-TV cần tiếp tục đẩy mạnh việc nâng cấp trang thiết bị xếp dỡ và kho bãi để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các tàu siêu trọng. Việc áp dụng công nghệ mới vào các quy trình vận hành không chỉ giúp tiết kiệm thời gian mà còn giảm thiểu chi phí logistics, từ đó tăng tính cạnh tranh của cảng.

Từ góc độ của DN, Đại tá Bùi Văn Quỳ, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn (chủ đầu tư cảng TCIT) cho rằng, cải cách thủ tục hải quan là một yếu tố cần thiết để tạo thuận lợi cho các hãng tàu khi thực hiện giao dịch và thông quan hàng hóa. Việc giảm thiểu thủ tục hành chính và thời gian chờ đợi sẽ giúp nâng cao hiệu quả làm hàng, giảm bớt gánh nặng cho các DN logistics và thu hút thêm các tuyến dịch vụ mới. Đặc biệt, khi các hãng tàu lựa chọn CM-TV, việc tạo ra một môi trường thông thoáng, giảm thiểu sự phức tạp trong các thủ tục là điều vô cùng quan trọng để đảm bảo sự phát triển bền vững.

Ngoài ra, các DN cần tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ hậu cần để đáp ứng yêu cầu cao từ các chuỗi cung ứng toàn cầu. Các dịch vụ vận chuyển và kho bãi phải đồng bộ và liên kết chặt chẽ với các hoạt động tại cảng để tối ưu hóa chuỗi cung ứng và đảm bảo sự lưu thông hàng hóa nhanh chóng, hiệu quả.

Đồng thời, duy trì và phát triển các mối quan hệ đối tác chiến lược với các hãng tàu lớn, cũng như lắng nghe và đáp ứng nhu cầu thay đổi của thị trường, sẽ giúp CM-TV tiếp tục duy trì vị thế của mình trong mạng lưới vận chuyển quốc tế.

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

;
.