* CMIT đón chuyến tàu đầu tiên kết nối trực tiếp với bờ Tây Hoa Kỳ.
Cảng Quốc tế Tân Cảng - Cái Mép (TCIT) vừa đón tàu NINGBO, chuyến tàu đầu tiên trong tuyến dịch vụ ZSL/PELICAN do các hãng tàu ZIM và MSC khai thác.
![]() |
Xếp dỡ hàng container trên tàu tàu NINGBO. |
Sự kiện đánh dấu một bước phát triển quan trọng trong mối quan hệ hợp tác giữa TCIT và các hãng tàu hàng đầu thế giới, mở ra cơ hội mới trong việc kết nối thương mại quốc tế.
Phát biểu tại buổi lễ vào sáng 8/2, Đại tá Bùi Văn Quỳ, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn đánh giá cao việc ZIM và MSC lựa chọn TCIT làm đối tác cho tuyến dịch vụ này. Ông nhấn mạnh, sự hợp tác chặt chẽ giữa TCT TCSG và các hãng tàu lớn không chỉ mở ra cơ hội thành công chung mà còn tạo nền tảng vững chắc cho một năm 2025 đầy triển vọng và bứt phá.
Tổng Giám đốc TCIT, ông Kim JongEup cho rằng, sự kiện này là minh chứng rõ rệt cho năng lực khai thác và dịch vụ chuyên nghiệp của TCIT, đồng thời thể hiện cam kết mạnh mẽ về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và cung cấp giải pháp vượt trội, luôn lấy khách hàng làm trung tâm.
Các đại diện lãnh đạo SNP, hãng tàu ZIM, MSC và các cơ quan chức năng phát lệnh chào mừng chuyến tàu đầu tiên của tuyến ZSL/PELICAN cập cảng TCIT.
Đại diện lãnh đạo Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn, hãng tàu ZIM và các cơ quan chức năng phát lệnh chào mừng chuyến tàu đầu tiên của tuyến ZSL/PELICAN cập cảng TCIT.
Từ phía ZIM, ông Fernando De La Rosa, Tổng Giám đốc ZIM Việt Nam khẳng định đây là một cột mốc quan trọng trong hành trình phát triển của ZIM tại Việt Nam. Ông tin rằng tuyến dịch vụ ZSL/PELICAN sẽ thúc đẩy mạnh mẽ thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, đồng thời mang lại những giá trị thiết thực cho khách hàng.
Tuyến ZSL/PELICAN kết nối hàng hóa Việt Nam với các cảng vùng Vịnh Hoa Kỳ, với hải trình bao gồm các cảng như TCIT, Xiamen, Yantian, Pusan, Lazaro Cardenas, Houston, Mobile, Tampa, Miami, và Suez Canal. Tàu NINGBO, thuộc hãng ZIM, có trọng tải 108.574 tấn, chiều dài 334 mét và sức chở 8.440 TEU, là một phần của đội tàu gồm 12 tàu mẹ khai thác bởi MSC và ZIM, với sức chứa từ 8.000 đến 12.000 TEU.
* Tàu mẹ Maersk Antares vừa cập cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT) hoàn tất xếp dỡ an toàn và nhanh chóng gần 11.000 TEU hàng hóa và container rỗng. Đây là tàu đầu tiên thuộc Hợp tác Gemini, khai thác trên tuyến dịch vụ TP6/WC1, đạt năng suất bến ấn tượng 172container/giờ.
Hợp tác Gemini giữa Maersk và Hapag-Lloyd chính thức có hiệu lực từ ngày 1/2/2025, với mục tiêu đạt trên 90% độ tin cậy lịch trình khi toàn bộ mạng lưới đi vào hoạt động. Điều này đòi hỏi các cảng phải đảm bảo tốc độ làm hàng nhanh chóng, giúp tàu vào và rời cảng đúng tiến độ.
CMIT, với 14 năm kinh nghiệm vận hành, tiếp tục là lựa chọn đáng tin cậy của Maersk và Hapag-Lloyd. Cảng này sẽ là điểm dừng của 2 tuyến tàu mẹ và 1 tuyến tàu gom hàng mỗi tuần thuộc Hợp tác Gemini. Các yếu tố then chốt như năng suất xếp dỡ cao, ổn định và khai thác an toàn là lý do giúp CMIT duy trì sự tin tưởng của các đối tác.
Với sự hỗ trợ của các cổ đông APM Terminals, VIMC và Cảng Sài Gòn, vừa qua, cảng CMIT đã đầu tư và tiếp nhận thêm cẩu bờ thứ 7 nhằm nâng cao năng lực khai thác, nâng cao năng suất xếp dỡ và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các khách hàng tốt hơn. Hiện CMIT đang tiếp nhận 8 tuyến dịch vụ hàng tuần kết nối Việt Nam với các thị trường trọng điểm như châu Mỹ, châu Âu, Địa Trung Hải, Trung Đông và nội Á.
![]() |
Tàu MSC AURORA cập cảng SSIT. |
* Cảng Sài Gòn - SSA (SSIT) đón tàu MSC AURORA/UK507A lần đầu tiên cập cảng. Đây là tàu thuộc tuyến dịch vụ Chinook, kết nối Việt Nam và Tây Bắc Thái Bình Dương, do Hãng tàu MSC khai thác.
Tàu MSC AURORA có trọng tải 143.521 GT, dài 366m và rộng 48,39m. Tuyến dịch vụ Chinook, hậu liên minh 2M, kết nối các cảng chủ yếu giữa Việt Nam, Trung Quốc và Hoa Kỳ, giúp rút ngắn thời gian vận chuyển, đặc biệt là giữa các cảng tại Bờ Tây Bắc Mỹ và các cảng ở Việt Nam, Trung Quốc.
Lịch trình của tàu bao gồm: SSIT - Hải Phòng - Yantian - Thượng Hải - Thanh Đảo - Busan – Seattle - Vancouver - Prince Rupert - SSIT. Việc tàu MSC AURORA lần đầu cập cảng SSIT đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc nâng cao năng lực vận tải biển của MSC và đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa ngày càng lớn giữa Việt Nam và thị trường Hoa Kỳ.
Tin, ảnh: TRÀ NGÂN