Cơ hội mới cho cụm cảng Cái Mép - Thị Vải

Thứ Ba, 18/02/2025, 18:06 [GMT+7]
In bài này
.

Từ đầu tháng 2 đến nay, việc tái cấu trúc các liên minh hãng tàu toàn cầu đã mang đến cơ hội mới cho cụm cảng Cái Mép-Thị Vải (CM-TV). Các tuyến tàu mới liên tục cập bến, mở ra tiềm năng phát triển mạnh mẽ cho ngành cảng biển.

Với lợi thế cầu cảng dài 1.200m cảng Gemalink có thể cùng lúc đón 3 tàu trọng tải lớn.
Với lợi thế cầu cảng dài 1.200m cảng Gemalink có thể cùng lúc đón 3 tàu trọng tải lớn.

Hợp tác mở rộng và cơ hội mới

17/2 là một ngày đặc biệt khi CM-TV đón nhận 10 chuyến tàu container, trong đó riêng Gemalink 4 chuyến và CMIT tiếp nhận 4 chuyến/ngày. Đặc biệt, cảng Quốc tế Tân Cảng-Cái Mép (TCIT) đón chuyến tàu đầu tiên mang tên ONE EAGLE thuộc tuyến dịch vụ mới EC3 khai thác bởi liên minh Premier.

Việc liên minh Premier chọn TCIT là điểm đến cho tuyến dịch vụ EC3 khẳng định vai trò chiến lược của TCIT trong mạng lưới hàng hải quốc tế. Sự kiện này không chỉ mở ra cơ hội tăng cường thương mại toàn cầu mà còn tối ưu hóa chuỗi cung ứng và nâng cao hiệu quả logistics cho Việt Nam. Ông Shotaro Ikeda, Tổng Giám đốc ONE (Việt Nam), nhấn mạnh cam kết của ONE và các đối tác trong việc hợp tác chặt chẽ với TCIT, với mục tiêu cung cấp dịch vụ vận chuyển tối ưu và thúc đẩy thương mại giữa Việt Nam và các thị trường trọng điểm.

Trước đó, ngày 16/2, tàu mẹ Rome Express của Hapag-Lloyd, thuộc hợp tác Gemini đã cập cảng CMIT trên tuyến dịch vụ US4/TP16. Chuyến tàu này đã xếp dỡ hơn 2.500 TEU hàng hóa, mở đầu cho sự hợp tác giữa Maersk và Hapag-Lloyd trong liên minh Gemini. Liên minh này bao gồm hơn 340 tàu, với tổng sức tải lên đến 3,7 triệu TEU. CMIT được chọn làm cảng chính duy nhất tại miền Nam Việt Nam để tiếp nhận các tuyến tàu mẹ, nâng cao tầm quan trọng của cảng này trong chuỗi cung ứng quốc tế.

Sự gia nhập của liên minh Gemini vào CM-TV là bước tiến lớn trong việc xây dựng một hệ sinh thái cảng biển hiệu quả. Việc CMIT tiếp nhận hai tàu mẹ và một tàu gom hàng mỗi tuần cho thấy tiềm năng to lớn của cụm cảng này trong việc kết nối thị trường toàn cầu, đặc biệt là giữa Việt Nam và các quốc gia Bắc Mỹ, châu Âu và khu vực nội Á.

CM-TV trở thành điểm đến ưu tiên của các liên minh tàu nhờ vào những yếu tố chiến lược quan trọng. Vị trí địa lý của CM-TV gần các tuyến vận tải quốc tế lớn, giúp kết nối nhanh chóng Việt Nam với các thị trường trọng điểm như Bắc Mỹ, châu Âu và nội Á. Cảng sở hữu cơ sở hạ tầng hiện đại với năng lực giải phóng tàu nhanh, giúp tối ưu hóa hiệu quả vận hành và giảm thiểu chi phí cho các hãng tàu.

Như vậy, chỉ trong vòng hai tuần qua, CM-TV đã đón nhận một loạt cơ hội mới, khẳng định sự bứt phá mạnh mẽ trong kết nối thương mại toàn cầu. Những tàu lớn như NINGBO của ZIM, Maersk, Hapag Lloyd và đặc biệt tàu MSC AURORA thuộc tuyến dịch vụ Chinook lần đầu tiên cập cảng, mở rộng mối quan hệ hợp tác quốc tế.  

Thúc đẩy tuyến dịch vụ trực tiếp

Từ tháng 2/2025, MSC đã chính thức khai thác 7 chuyến dịch vụ trực tiếp tới CM-TV, chưa kể các tuyến hợp tác với đối tác trong ngành vận tải biển. Ông Phan Hoàng Vũ, Phó Tổng Giám đốc cảng SSIT cho biết, tới đây cảng sẽ tiếp nhận thêm 4 chuyến dịch vụ trực tiếp từ MSC, mở rộng cơ hội cho các cảng tại khu vực CM-TV. Đây là một tín hiệu tích cực về sự gia tăng kết nối và tầm quan trọng của CM-TV trong chuỗi cung ứng quốc tế.

Không chỉ MSC, các hãng tàu lớn khác như Cosco, OOCL và CMA cũng thuộc liên minh Ocean Alliance, đang gia tăng các tuyến dịch vụ thương mại Á-Âu và tuyến đi Mỹ, giúp tăng cường sự hiện diện của CM-TV trên bản đồ vận tải toàn cầu. Điều này càng củng cố vị trí chiến lược của CM-TV trong các tuyến vận tải quốc tế quan trọng.

Chất lượng dịch vụ vượt trội, khả năng tiếp nhận tàu mẹ lớn cùng với uy tín và cam kết liên tục đổi mới đã giúp CM-TV trở thành điểm đến tin cậy cho các hãng tàu quốc tế. Tính linh hoạt và sự chuyên nghiệp trong việc cung cấp dịch vụ cũng đóng góp vào việc thúc đẩy thương mại toàn cầu, đồng thời mở rộng kết nối quốc tế.

Trung tá Trương Tấn Lộc, Chủ tịch HĐTV Cảng TCIT khẳng định, việc các hãng tàu trong Liên minh Premier tiếp tục chọn TCIT sau tái cấu trúc là quyết định chiến lược quan trọng, giúp hiện thực hóa tầm nhìn và mục tiêu mới. TCIT không chỉ tối ưu hóa năng lực khai thác với trang thiết bị hiện đại mà còn cung cấp dịch vụ chất lượng, chi phí cạnh tranh, đồng thời kết nối chặt chẽ với hệ sinh thái logistics của Tân Cảng Sài Gòn. Vị trí chiến lược của TCIT và khả năng tiếp nhận hai tàu mẹ cùng lúc giúp duy trì độ ổn định và tần suất cao trong các tuyến dịch vụ quốc tế, góp phần phát triển bền vững ngành hàng hải và nền kinh tế quốc gia.

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

;
.