NỘI DUNG LIÊN QUAN:
Với tâm nguyện trở thành công dân tốt của xã đảo Long Sơn, LSP không ngừng phát triển các chương trình,phát kiến mới nhằm đồng hành bền vững cùng cộng đồng bản địa.
Ông Piya Sinaroj, Trưởng phòng Pháp chế và Đối ngoại LSP tặng quà cho học sinh Trường THCS Bạch Đằng (xã Long Sơn). |
Từ hỗ trợ giáo dục, chăm sóc sức khỏe...
Theo lãnh đạo LSP, trong suốt quá trình đồng hành và hỗ trợ với người dân ở xã Long Sơn, LSP nhận thấy nhiều em HS - thế hệ tương lai ở đây còn bị hạn chế trong việc tiếp cận với giáo dục. Một trong những nguyên nhân đó là do khó khăn tài chính, dẫn đến nhiều em phải bỏ học. Để tiếp sức cho thế hệ tương lai, từ năm 2010, tức chỉ sau 2 năm triển khai xây dựng dự án, cứ vào đầu mỗi năm học, LSP tặng học bổng cho HS có hoàn cảnh khó khăn.
Trong buổi lễ khai giảng năm học mới diễn ra ngày 5/9 vừa qua, LSP phối hợp với UBND xã Long Sơn, Hội Khuyến học xã tặng 98 suất học bổng, tổng trị giá 98 triệu đồng, cho HS tại 5 trường học trên địa bàn xã. Ông Piya Sinaroj, Trưởng phòng Pháp chế và Đối ngoại LSP, chia sẻ: “Giáo dục là công cụ hiệu quả nhất có thể tạo ra sự thay đổi tích cực không chỉ cho chính HS mà còn cho sự phát triển của tỉnh Bà Ria-Vũng Tàu và đất nước trong tương lai". Sau gần 14 năm kể từ khi triển khai chương trình học bổng dành tặng cho HS - SV, đến nay, LSP đã hỗ trợ tài chính cho hơn 700 HS, với tổng trị giá khoảng 400 triệu đồng.
Bác sĩ Phòng khám Đa khoa Thiên Nam khám mắt cho người dân Long Sơn trong đợt LSP phối hợp khám bệnh miễn phí cho người dân nơi đây. |
Song song với việc tặng học bổng cho HS có hoàn cảnh khó khăn, kể từ năm 2019, LSP cũng triển khai chương trình học bổng "LSP Sharing Dream" trao học bổng bậc đại học cho SV đến từ xã Long Sơn, dựa trên chương trình học bổng “SCG Sharing Dream” của Công ty mẹ SCG. Đến nay, công ty đã trao tổng cộng 13 suất học bổng trị giá 766 triệu đồng. Ngoài ra, từ năm 2018, LSP tài trợ 1 tỷ đồng mỗi năm cho Hội Khuyến học tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tổng cộng đóng góp 6 tỷ đồng hỗ trợ giáo dục cho HS có hoàn cảnh khó khăn trên toàn tỉnh.
Hoạt động khám bệnh cho người dân là những người cao tuổi, phụ nữ trên xã đảo cũng được LSP thực hiện thường xuyên. Mỗi lần tổ chức khám bệnh, ngoài việc cấp phát thuốc miễn phí cho người dân, LSP phối hợp UBND xã Long Sơn, Phòng khám Đa khoa Thiên Nam (TP.Vũng Tàu) tư vấn, chăm sóc sức khỏe và các phương pháp điều trị cần thiết để thực hiện đúng cách.
Đến tạo việc làm
Trên xã đảo Long Sơn, nghề đan lục bình hình thành hơn 20 năm nay. Tuy nhiên, do tự phát nên người làm nghề chủ yếu quen biết rồi dạy cho nhau. Để nâng cao tay nghề và có đầu ra ổn định hơn, LSP đã hỗ trợ chi chí đào tạo nghề cũng như kết nối quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.
Tranh thủ những khoảng nắng gián đoạn trước khi bão số 6 (bão Trà Mi) gây mưa trên đất liền, chị Trương Thị Thuận (ngụ tổ 1, thôn 1, xã Long Sơn) phơi 40 giỏ lục bình vừa mới đan xong. Chị cho hay, đơn hàng này phải giao gấp, nhưng sợi lục bình còn ẩm, sợ vài hôm nữa sẽ mốc, chị phải tranh thủ hong nắng thêm để khi thu gom thành phẩm về giao cho khách hàng, tổ trưởng đỡ phải tốn công phơi.
Trong ngày thứ Bảy tới đây (2/11), LSP sẽ tổ chức chương trình chăm sóc sức khỏe cộng đồng lần thứ 10 tại UBND xã Long Sơn. Tiếp nối thành công từ những năm trước, chương trình lần này LSP phối hợp với UBND xã Long Sơn, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân và Công ty CP Cảng Quốc tế Long Sơn kiểm tra và chăm sóc sức khỏe cho hơn 400 cư dân tại xã Long Sơn, với tổng số tiền 800 triệu đồng.
|
Cách đây 4 năm, chị Thuận được LSP tài trợ toàn bộ chi phí học nghề đan lục bình. Sau đó, chị gia nhập Tổ phụ nữ đan lát lục bình do Hội LHPN xã Long Sơn thành lập. Sản phẩm làm theo đơn đặt hàng với giá trung bình 50 ngàn đồng/sản phẩm hoàn chỉnh. Từ ngày được học nghề, chị vừa có thêm công việc những lúc nhàn rỗi nhưng vẫn chu toàn bổn phận nội trợ. “Mỗi tháng, tôi kiếm thêm từ 2-3 triệu đồng phụ kinh tế gia đình. Thi thoảng, các chị em trong tổ còn tụ họp giao lưu, chia sẻ buồn vui trong cuộc sống. Tôi thấy may mắn khi làm quen với nghề đan lục bình”, chị Thuận bày tỏ.
Chị Nguyễn Thị Hồng Lan, Tổ trưởng Tổ phụ nữ đan lục bình cho hay, việc LSP tài trợ học nghề bài bản giúp chị em nâng cao tay nghề. LSP cũng là kênh kết nối quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, giúp chị em theo nghề có việc làm đều đặn và cơ hội thu nhập cao hơn.
Chị Trương Thị Thuận phơi nắng giỏ lục bình thành phẩm để tăng độ bền sử dụng. |
Ngoài ra, để người dân ổn định cuộc sống, LSP đã xây dựng khu tái định cư ở thôn 1, xã Long Sơn; nhận con em của người dân vào làm việc. Tùy vào khả năng, trình độ để sắp xếp công việc phù hợp như: chuyên viên văn phòng, bán hàng trong căn tin, cắt tỉa cây xanh, bảo vệ…
Chị Đoàn Y Bình (ngụ thôn 5, xã Long Sơn), tốt nghiệp ngành thương mại Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh chia sẻ, ban đầu chị làm việc ở bộ phận trách nhiệm cộng đồng cho Samsung - 1 trong 2 nhà thầu chính thi công Tổ hợp hóa dầu Long Sơn. Qua quá trình tiếp xúc, chị thấy chủ đầu tư rất quan tâm phát triển toàn diện cộng đồng bản địa. Chị cũng muốn trở về quê hương cống hiến lâu dài nên thi tuyển vào LSP và trúng tuyển.
Tháng 7/2022, chị Bình chính thức trở thành chuyên viên Phòng công tác xã hội phụ trách mảng sinh kế. “Đến nay, tôi làm việc tại LSP được hơn hai năm. Lãnh đạo công ty rất lắng nghe, cho nhân viên cảm giác tự chủ, chịu trách nhiệm và hỗ trợ hết sức với những ý tưởng, dự án chăm lo cho cộng đồng từ nhân viên bản địa. Tôi rất hài lòng với môi trường làm việc tại LSP”, chị Bình chia sẻ.
Bài, ảnh: HÀ ĐĂNG
(Còn nữa)