Cụm cảng Cái Mép-Thị Vải: Tăng trưởng ấn tượng, vượt mục tiêu

Thứ Tư, 23/10/2024, 17:15 [GMT+7]
In bài này
.

9 tháng năm 2024, cụm cảng Cái Mép-Thị Vải (CM-TV) tiếp tục ghi nhận những tín hiệu khả quan với đà tăng trưởng hai con số.

Ngày 16/9, cảng TCTT đã hoàn thành kế hoạch năm trước 105 ngày. Trong ảnh: Tàu trọng tải lớn làm hàng tại cảng TCTT.
Ngày 16/9, cảng TCTT đã hoàn thành kế hoạch năm trước 105 ngày. Trong ảnh: Tàu trọng tải lớn làm hàng tại cảng TCTT.

Nhiều DN về đích sớm

Ngày 16/9, cảng Tân Cảng-Cái Mép Thị Vải (TCTT) đón TEU thứ 760 ngàn thông qua cảng trên tàu OOCL BERLIN. Với sự kiện này, TCTT đã hoàn thành kế hoạch năm trước 105 ngày.

9 tháng năm 2024, sản lượng hàng hóa thông qua cảng Gemalink đạt hơn 1,3 triệu TEU, tăng 30% so với năm 2023 (1 triệu TEU) và đạt hơn 90% kế hoạch năm. Các cảng khác như TCIT, CMIT, SSIT… cũng đạt những kết quả ấn tượng với mức tăng trên 10%. Báo cáo từ Hiệp hội Cảng biển Việt Nam cho thấy, 9 tháng năm 2024 sản lượng hàng container thông qua cụm cảng CM-TV đạt hơn 4,7 triệu TEU, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2023.

Có nhiều yếu tố góp phần vào sự tăng trưởng ấn tượng của CM-TV. Trước hết, vị trí địa lý thuận lợi của cảng là một lợi thế lớn, điều này giúp cảng thu hút được nhiều tuyến vận tải quốc tế. Bên cạnh đó, sự đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng cũng là một yếu tố quan trọng. Trong những năm qua, các DN cảng không ngừng đầu tư nâng cấp, mở rộng cảng, giúp cải thiện năng lực tiếp nhận và xử lý hàng hóa. Hệ thống kho bãi, trang thiết bị bốc dỡ hàng hóa hiện đại đã giúp nâng cao hiệu quả hoạt động, rút ngắn thời gian giao hàng và giảm chi phí vận chuyển.

Một yếu tố khác không thể không nhắc đến là sự chuyển dịch của chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhiều DN đã chọn Việt Nam làm điểm đến cho sản xuất và xuất khẩu, đặc biệt là sau đại dịch COVID-19. Việc này đã kéo theo nhu cầu vận chuyển hàng hóa qua cảng tăng cao.

Ngoài ra, theo ông Phan Hoàng Vũ, Phó Tổng Giám đốc cảng SSIT, một yếu tố quan trọng tác động đến cảng biển là từ đầu năm 2024 luồng hàng hải CM-TV hoàn thành nạo vét đến -15,5m đã thu hút nhiều tàu trọng tải lớn đến 24 ngàn TEU, mớn nước lên đến 16m vào cập cảng.

Xếp dỡ hàng container tại cảng Gemalink.
Xếp dỡ hàng container tại cảng Gemalink.

Cần tạo cơ chế thuận lợi hơn cho DN

Dù đạt được những kết quả khả quan, cụm cảng CM-TV cũng đang phải đối mặt với một số thách thức để có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực, trong bối cảnh các cảng tại Thái Lan, Singapore và Trung Quốc đều đang đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng và công nghệ nhằm thu hút lượng hàng hóa lớn hơn.  

Theo ông Cao Hồng Phong, Phó Tổng Giám đốc cảng Gemalink, với xu thế cảng xanh, mới đây, các hãng tàu thông tin sẽ đưa tàu chạy bằng nhiên liệu methanol cập tại Bà Rịa-Vũng Tàu vào quý II, III/2025.

Các nước châu Âu và Mỹ đã điều chỉnh giá cước bốc xếp để đáp ứng nhu cầu cảng xanh, tiếp nhận tàu chạy methanol. “Do đó, Cục Hàng hải Việt Nam cần có hướng dẫn với các cảng nước sâu ở khu vực CM-TV về thủ tục, quy trình, cách thức điều tàu để chuẩn bị cho việc tiếp nhận tàu chạy methanol, trọng tải lớn (từ 24-25 ngàn TEU) vào khu vực CM-TV”, ông Phong đề xuất.

Ông Phan Hoàng Vũ, Phó Tổng Giám đốc cảng SSIT cũng đề nghị Bộ GT-VT và Cục Hàng hải Việt Nam tạo cơ chế thuận lợi hơn cho các DN cảng ở CM-TV được tiếp nhận tàu có trọng tải chênh lệch không đáng kể (giảm tải) so với công bố. Lý do là các tàu hiện nay được thiết kế đa dạng, không cố định trọng tải. Việc này sẽ tạo điều kiện để cụm cảng CM-TV là điểm đến của các hãng tàu, tận dụng hiệu quả độ sâu luồng hàng hải -15,5m và luồng quay trở rộng 700m của các bến cảng liền kề nhau, bao gồm Gemalink, SSIT, TCTT, CMIT...

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

 
;
.