Hãng tàu tăng tuyến đến Việt Nam, Cái Mép-Thị Vải có bắt kịp cơ hội?

Thứ Hai, 09/09/2024, 17:36 [GMT+7]
In bài này
.

Chỉ trong vòng 2 năm đã có thêm 17 tuyến vận tải quốc tế vào Cái Mép-Thị Vải (CM-TV). Vậy CM-TV cần làm gì để tận dụng cơ hội từ dòng lưu chuyển hàng hóa ngày càng tăng?

 Tàu ZIM FALCON cập cảng CMIT vào ngày 17/7, là tuyến dịch vụ có thời gian vận chuyển nhanh nhất từ Việt Nam đến Mỹ.
Tàu ZIM FALCON cập cảng CMIT vào ngày 17/7, là tuyến dịch vụ có thời gian vận chuyển nhanh nhất từ Việt Nam đến Mỹ.

Hàng đi Mỹ chỉ còn 18 ngày

Ngày 17/7 vừa qua, Cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT) đón tàu ZIM FALCON, chuyến tàu đầu tiên trên tuyến ZEX, tuyến dịch vụ thương mại điện tử tốc hành của hãng tàu ZIM đi bờ Tây nước Mỹ.

Với tuyến dịch vụ này, thời gian vận chuyển từ CM-TV đến Los Angeles chỉ 18 ngày, là tuyến dịch vụ có thời gian vận chuyển nhanh nhất từ Việt Nam đến Mỹ. Trước đây, hàng từ Việt Nam đi Mỹ từ 30 - 45 ngày tùy vào cảng đến. Theo đó, các nhà xuất khẩu của Việt Nam sẽ được hưởng lợi dịch vụ có thời gian vận chuyển nhanh, vượt trội và đáng tin cậy.

Từ năm 2022 đến nay, các liên minh hãng tàu đã đưa thêm 17 tuyến dịch vụ mới vào CM-TV, nâng tổng số chuyến tàu khu vực này lên 51 tuyến/tuần. Trong đó có 37 tuyến quốc tế gồm 13 tuyến nội Á, 19 tuyến đi châu Mỹ, 4 tuyến đi châu Âu, 1 tuyến Âu-Mỹ và 14 tuyến nội địa. Đây được xem là bước phát triển nhảy vọt, chưa từng xảy ra trong suốt 14 năm khai thác của CM-TV.

Bà Trương Kiều Anh, Giám đốc Kinh doanh của hãng tàu MSC cho biết, CM-TV nằm trên tuyến hàng hải quốc tế, giúp hãng tàu dễ dàng kết nối các tuyến vận tải từ châu Á sang châu Âu và Bắc Mỹ. Vị trí này giúp rút ngắn thời gian vận chuyển và giảm chi phí logistics. “Ngoài ra, khả năng tiếp nhận tàu siêu trọng và tiềm năng phát triển hạ tầng cảng là lý do để Cái Mép trở thành lựa chọn lý tưởng cho các hoạt động làm hàng và trung chuyển quốc tế của MSC”, bà Trương Kiều Anh chia sẻ thêm.

Xếp dỡ hàng hóa tại cảng Gemalink.
Xếp dỡ hàng hóa tại cảng Gemalink.

Tính toán từ các hãng tàu cho thấy, vị trí CM-TV so với các cảng lớn trong khu vực Đông Nam Á được thống kê chiều dài hành trình như sau: Khoảng cách từ cảng Laem Chabang (Thái Lan) đến Singapore là 850 hải lý và đến CM-TV chỉ 600 hải lý. Từ cảng Pnompenh (Campuchia) đến Singapore 764 hải lý và đến CM-TV chỉ 218 hải lý. Từ cảng Manila (Philippines) đến Singapore mất 1.604 hải lý nhưng đến CM-TV chỉ 880 hải lý và từ CM-TV đến Singapore là 620 hải lý.

Ông Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty CP tư vấn thiết kế cảng  kỹ thuật biển cho rằng, việc rút ngắn hải trình sẽ tiết kiệm cho hãng tàu 1/4 chi phí nhiên liệu, tương đương 14 triệu USD/năm nếu sử dụng CM-TV để trung chuyển thay cho cảng Singapore.

Ngoài ra, chi phí bốc xếp hàng xuất nhập khẩu tại CM-TV chỉ tương đương 51-52% với container thường và 61-64% với container rỗng. Đối với hàng trung chuyển tỷ lệ này lần lượt là 38-40% và 25-26%.

Nâng cao chất lượng dịch vụ

Việc các hãng tàu mở rộng tuyến vận chuyển không chỉ giúp CM-TV tăng cường kết nối với thị trường quốc tế, mà còn tạo cơ hội thu hút đầu tư vào hạ tầng cảng biển và logistics. Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội, cũng xuất hiện những thách thức về hạ tầng và dịch vụ hậu cần. 

Theo các hãng tàu, một trong những vấn đề mà cụm cảng CM-TV đang đối mặt là sự hạn chế của hệ thống kết nối giao thông và dịch vụ logistics. Mặc dù cảng có khả năng tiếp nhận tàu lớn, nhưng hệ thống giao thông đường bộ và đường sắt kết nối với các KCN vẫn chưa hoàn chỉnh. Đặc biệt, tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu đóng vai trò quan trọng trong phát triển giao thông vận tải khu vực Đông Nam Bộ nhằm hoàn thiện hệ thống giao thông liên vùng, kết nối các phương thức vận tải phục vụ nhu cầu thu gom, giải tỏa hàng hóa cho CM-TV. Tuy nhiên, dự án này vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu và lập kế hoạch.

Xe vận chuyển hàng container tại cảng TCIT.
Xe vận chuyển hàng container tại cảng TCIT.

Thượng tá  Bùi Văn Quỳ, Chủ tịch Hiệp hội Cảng biển Đông Nam Á cho rằng, để tối ưu hóa hiệu quả vận chuyển, cần có sự đầu tư mạnh mẽ vào các tuyến đường kết nối từ cảng đến các khu vực trọng điểm, đồng thời xây dựng hệ thống logistics hiện đại, bao gồm kho bãi và dịch vụ hậu cần chất lượng cao.

Về hạ tầng mềm, nhiều ý kiến cũng cho rằng quy trình xử lý thủ tục hải quan và các giấy tờ liên quan tại CM-TV vẫn còn phức tạp và mất nhiều thời gian hơn so với một số cảng khác trong khu vực Đông Nam Á. Do đó, để phát huy hết tiềm năng của CM-TV, cần có sự đồng bộ về hạ tầng giao thông và cải cách thủ tục hành chính, giúp giảm thời gian và chi phí cho các DN xuất nhập khẩu, hãng tàu.

Theo nhận định của ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục Hàng hải, CM-TV cần tiếp tục mở rộng hợp tác với các hãng tàu quốc tế, tạo ra những chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư vào hạ tầng cảng biển và dịch vụ logistics. Bên cạnh đó, việc xây dựng các khu vực logistics xung quanh cảng sẽ giúp tối ưu hóa chuỗi cung ứng, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của CM-TV trên bản đồ vận tải biển toàn cầu.

Đặc biệt, việc xây dựng và hoàn thiện khu vực trung tâm logistics Cái Mép Hạ, kết hợp với các KCN và hệ thống kho bãi hiện đại sẽ giúp CM-TV trở thành một “điểm dừng chân” lý tưởng cho các hãng tàu, DN quốc tế trong việc vận chuyển, lưu trữ và phân phối hàng hóa.

Ông  Nguyễn Thắng Lợi, Trưởng Ban nghiên cứu tư vấn, Viện Chiến lược và phát triển Logistics Việt Nam cho rằng, Bà Rịa-Vũng Tàu cần xúc tiến các hội nghị, diễn đàn kinh tế quốc tế để quảng bá hình ảnh và tiềm năng phát triển của CM-TV, tạo cơ hội cho các nhà đầu tư tiếp cận thông tin về cảng, từ đó đưa ra quyết định đầu tư.

“CM-TV đang đứng trước cơ hội vàng để bứt phá, trở thành trung tâm logistics lớn của khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, cơ hội luôn đi cùng thách thức. Điều quan trọng là sự sẵn sàng về hạ tầng và dịch vụ để có thể “bắt kịp” và tối ưu hóa lợi thế từ làn sóng tăng trưởng của các tuyến tàu ngoại”, ông  Nguyễn Thắng Lợi nhấn mạnh. 

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

;
.