Phát triển hàng hải xanh bền vững

Thứ Ba, 20/08/2024, 17:27 [GMT+7]
In bài này
.

Trong bối cảnh thế giới hướng tới phát triển các ngành công nghiệp xanh, ngành hàng hải cũng đối mặt với nhiệm vụ quan trọng về việc giảm phát thải khí nhà kính, giảm ô nhiễm môi trường.

Các DN trong cụm cảng Cái Mép-Thị Vải đã và đang đầu tư trang thiết bị, phát triển cảng thông minh, hướng tới mô hình cảng xanh. Trong ảnh: Cảng Gemalink.
Các DN trong cụm cảng Cái Mép-Thị Vải đã và đang đầu tư trang thiết bị, phát triển cảng thông minh, hướng tới mô hình cảng xanh. Trong ảnh: Cảng Gemalink.

Nhiệm vụ cấp thiết

Theo thống kê, ngành vận tải biển đang chiếm khoảng 3% tổng phát thải carbon toàn cầu, thải hơn 940 triệu tấn CO2 mỗi năm, đặc biệt, chiếm 15% tổng lượng phát thải sulfur và 11% lượng phát thải hạt nhựa. Vì vậy, phát triển cảng xanh, thúc đẩy chuyển đổi xanh, giảm phát thải khí nhà kính trên toàn cầu hiện nay không chỉ là xu hướng mà còn là nhu cầu cấp thiết.

Trong quá trình thực hiện các mục tiêu của Việt Nam cam kết tại Hội nghị COP 26, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GT-VT, Cục hàng hải Việt Nam, các DN kinh doanh trong lĩnh vực cảng biển, vận tải biển đang từng bước học hỏi, trang bị các kiến thức đưa ra lộ trình thực hiện chuyển đổi xanh phù hợp với mục tiêu chung.

Dự án trồng bù rừng ngập mặn Seed for Sea - Gieo mầm biển cả do Cảng Gemalink khởi xướng nhằm góp phần cung cấp giải pháp chống biến đổi khí hậu, phủ xanh đất trống, bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường sống cho người dân tại Trà Vinh.
Dự án trồng bù rừng ngập mặn Seed for Sea - Gieo mầm biển cả do Cảng Gemalink khởi xướng nhằm góp phần cung cấp giải pháp chống biến đổi khí hậu, phủ xanh đất trống, bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường sống cho người dân tại Trà Vinh.

Để hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050, DN hàng hải đang nỗ lực để tìm và phát triển các giải pháp công nghệ ứng dụng năng lượng xanh, kết cấu hạ tầng xanh, giúp giảm phát thải khí nhà kính.   

Theo ông Vũ Anh Tuấn, Phó trưởng Phòng Kỹ thuật Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn (SNP), là nhà khai thác cảng lớn nhất Việt Nam, bình quân mùa cao điểm mỗi ngày có khoảng 15 ngàn lượt xe tải container vào cảng Cát Lái cộng với hơn 1.000 trang thiết bị chuyên dụng hoạt động tại cảng 24/7 cho thấy lượng khí xả, khí độc hại phát thải vào môi trường của ngành khai thác cảng nói chung, SNP nói riêng là tương đối lớn.

Ý thức rõ điều đó, DN bắt tay vào triển khai 3 nhóm giải pháp giảm thiểu khí phát thải độc hại, giảm thiểu ô nhiễm môi trường gồm: đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số để tối ưu hóa quy trình thủ tục, nâng cao hiệu suất khai thác thiết bị; sử dụng các nguyên vật liệu tái chế, dùng một lần; phân loại, xử lý chất thải an toàn, từ sớm, từ xa và tiết kiệm năng lượng, chuyển đổi sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Các giải pháp đã góp phần giảm đáng kể tác động đối với môi trường và DN đạt 2 giải thưởng Cảng Xanh APEC cho cảng Cát Lái (2018) và cảng TCIT (2020).   

Đồng thời, DN khuyến khích khách hàng, hãng tàu dùng phương thức vận tải sà lan góp phần giảm khí phát thải; quảng bá vận tải xanh thông qua tọa đàm với hãng tàu, chuyên gia hiệp hội. Ưu tiên sử dụng phương tiện giao thông trong cảng bằng điện để giảm phát thải khí nhà kính, hiện đang đầu tư thử nghiệm 5 xe đầu kéo chạy điện; 2 xe bus chở khách chạy điện.   

Thách thức không nhỏ

Theo các chuyên gia, phát triển cảng xanh, vận tải biển xanh vừa là nhiệm vụ, vừa là thách thức không nhỏ với các DN lĩnh vực hàng hải, đòi hỏi thời gian, công sức và chi phí lớn.

Bà Trần Thị Tú Anh, Phó Trưởng phòng Khoa học - Công nghệ và Môi trường (Cục Hàng hải Việt Nam) cho rằng, việc chuyển đổi năng lượng xanh đang nổi lên là một vấn đề không hề dễ dàng có thể giải quyết đối với các DN vận tải biển Việt Nam và là bài toán kinh tế đắt đỏ. Tuy nhiên, các DN muốn tồn tại buộc phải thay đổi theo sự thay đổi của thế giới. 

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, chuyển đổi năng lượng xanh không thể chỉ phụ thuộc vào năng lực, nội lực của từng DN mà cần sự chung tay, hỗ trợ của nhiều cấp, ngành. Ông Vũ Anh Tuấn cho rằng, cần có sự hỗ trợ từ Chính phủ như xây dựng các quy định pháp lý và tiêu chuẩn rõ ràng về cảng xanh, bao gồm các yêu cầu về giảm thiểu khí thải, quản lý chất thải, sử dụng năng lượng tái tạo và bảo vệ môi trường.

Ngày 20/8, tại Cảng Quốc tế Cái Mép, Hiệp hội Cảng biển Việt Nam tổ chức hội thảo “Chuyển đổi xanh trong ngành hàng hải”. Hội thảo nhằm mục đích tạo diễn đàn trao đổi thông tin, kinh nghiệm, nâng cao nhận thức của khối cảng biển và chia sẻ các giải pháp hướng tới mục tiêu chuyển đổi xanh, giảm thiểu phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực hàng hải, một xu hướng tất yếu và cấp thiết trong bối cảnh toàn cầu hiện nay.
Các diễn giả đã chia sẻ những kinh nghiệm và chiến lược nhằm thực hiện các cam kết của Việt Nam tại COP26, hướng tới mục tiêu đạt được Net Zero vào năm 2050 cũng như lộ trình, kế hoạch và hành động của các bên liên quan trong ngành hàng hải và các tác động đến ngành cảng biển Việt Nam.

Áp dụng các chế tài mạnh đối với hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động của cảng. Cung cấp các gói hỗ trợ tài chính, vay vốn ưu đãi cho các cảng và DN để đầu tư vào cơ sở hạ tầng xanh và công nghệ thân thiện với môi trường. Áp dụng các chính sách miễn giảm thuế, thủ tục cho các dự án đầu tư vào phát triển cảng xanh, nhằm khuyến khích DN tham gia.

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thu Thảo, Trưởng Phòng Quan hệ công chúng Công ty CP Gemadept cũng cho rằng, DN cần có sự hỗ trợ về chính sách như đơn giản hóa các thủ tục, giảm bớt các loại phí, lệ phí; ưu đãi về thuế, nguồn vốn vay ưu đãi, các gói hỗ trợ tài chính để DN đầu tư chuyển đổi xanh. Hoàn thiện khung pháp lý khuyến khích đầu tư xanh, tạo môi trường kinh doanh ổn định. Điều chỉnh giá bốc xếp cảng biển vì hiện vẫn còn rất thấp so với khu vực và thế giới. Tăng cường đầu tư công trong lĩnh vực thủy nội địa (hiện chỉ chiếm gần 2%), nạo vét luồng lạch, nâng cao tĩnh không tàu.

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

;
.