Thúc đẩy dòng chảy hàng hóa qua Cái Mép - Thị Vải

Thứ Tư, 31/07/2024, 18:48 [GMT+7]
In bài này
.

Đó là nội dung chính của buổi tọa đàm “Hải quan và DN đồng hành thúc đẩy dòng chảy hàng hóa xuất nhập khẩu qua cụm cảng Cái Mép- Thị Vải”. Tọa đàm do Tạp chí Hải quan phối hợp với Cục Hải quan tỉnh và Sở GT-VT tổ chức ngày 31/7.

Các đại biểu tham gia thảo luận tại tọa đàm.
Các đại biểu tham gia thảo luận tại tọa đàm.

Chưa phát huy hết hiệu quả

Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, từ những ngày đầu được quy hoạch đến nay, cụm cảng Cái Mép-Thị Vải (CM-TV) luôn được Trung ương định hướng vai trò là cửa ngõ giao thương, hội nhập quốc tế không chỉ của Việt Nam mà còn của khu vực Đông Nam Á. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế không những của vùng mà còn có nhiều tiềm năng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Tuy nhiên, việc phát triển cảng biển vẫn còn nhiều điểm nghẽn cần phải giải quyết như: hạ tầng giao thông kết nối, cải cách thủ tục hành chính, hải quan, kiểm tra chuyên ngành, hệ sinh thái dịch vụ logistics, cơ chế, chính sách đột phá...

Xếp dỡ hàng trên Tàu AAL Hamburg tại cảng TCCT.
Xếp dỡ hàng trên Tàu AAL Hamburg tại cảng TCCT.

Báo cáo từ Tổng Cục hải quan cho thấy, lượng container thông qua các bến cảng tại khu vực CM-TV rất lớn. Tuy nhiên, hơn 80% số lượng container được vận chuyển về các cảng đích tại TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương. Hàng quá cảnh chủ yếu bằng đường thủy đi Campuchia qua cửa khẩu ở An Giang, Đồng Tháp. Một số ít hàng quá cảnh được vận chuyển bằng đường bộ thông qua các cửa khẩu tại Tây Ninh.

Nguyên nhân do kết nối TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An... và Bà Rịa - Vũng Tàu quá lớn. Mặt khác, QL51 xuyên qua các khu đô thị, là tuyến có mật độ giao thông cao, giới hạn tốc độ nên việc ùn ứ, tắc nghẽn xảy ra thường xuyên, dẫn tới hệ lụy không đảm bảo năng lực vận tải hàng hóa, cản trở nguồn hàng đến cảng; mất nhiều thời gian khi đưa hàng ra, vào cảng. Những hạn chế trên dẫn tới việc phát triển của CM-TV chưa như kỳ vọng, chưa phát huy hết tiềm năng của cụm cảng nước sâu.

Công chức hải quan kiểm tra hàng container tại cảng Cái Mép.
Công chức hải quan kiểm tra hàng container tại cảng Cái Mép.

Theo chuyên gia kinh tế Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, một hạn chế nữa của CM-TV là có sự phân chia giữa các cảng, dẫn đến chiều dài cầu tàu ngắn và nhỏ, thường chỉ tiếp nhận được 1 tàu có tải trọng lớn, làm giảm hiệu quả hoạt động của cảng. Điều này đặt ra bài toán cần phải có chính sách liên kết, sáp nhập các bến cảng để đạt quy mô lớn hơn, phát huy hơn nữa lợi thế của cảng.

Đồng hành với DN để thu hút nguồn hàng

Từ góc độ quản lý hải quan, ông Đào Duy Tám, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan nhấn mạnh, để thúc đẩy dòng chảy hàng hóa xuất nhập khẩu qua cụm cảng CM-TV cần thiết phải thực hiện cải cách đồng bộ trên nhiều lĩnh vực gồm: quy hoạch phát triển cảng biển, giao thông vận tải, hiện đại hóa, số hóa, tự động hóa trong quản lý, vận hành khai thác cảng, phát triển dịch vụ hậu cần hàng hải, thủ tục hải quan, chính sách thuế, phí.

Theo đó, ngoài liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài chính còn có nhiều nội dung liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của nhiều bộ, ngành. Do đó, Bộ Tài chính đã dự thảo Tờ trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo hướng giao Bộ GT-VT chủ trì, nghiên cứu tổng thể về chính sách “cảng mở” và đề xuất cơ chế quản lý phù hợp.

Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng cần thành lập Trung tâm kiểm tra chuyên ngành tập trung tại khu vực cụm cảng CM-TV để tạo điều kiện thuận lợi, rút ngắn thời gian, chi phí và tăng hiệu quả hoạt động cho các DN xuất nhập khẩu qua cụm cảng này. Thực hiện việc đầu tư nhân lực, máy móc, trang thiết bị, cơ sở vật chất cần thiết phục vụ cho hoạt động kiểm tra chuyên ngành về kiểm dịch động vật, thực vật, an toàn thực phẩm, đo lường chất lượng… tại CM-TV.

Ông Nguyễn Hồng Phúc, Giám đốc kinh doanh cảng TCIT cho rằng, để thu hút hàng hóa về cảng, ngành hải quan cần xây dựng trạm soi chiếu container cố định. Đồng thời, cần nâng cao chất lượng kiểm tra chuyên ngành hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. 

Là cơ quan quản lý trực tiếp hàng hóa xuất nhập khẩu tại CM-TV, ông Nguyễn Thanh Sang, Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh cho biết, nhằm tạo thuận lợi việc vận chuyển hàng hóa qua lại giữa giữa các bến cảng container khu vực CM-TV, ngành hải quan và các bộ, ngành liên quan đang xây dựng Thông tư “Quy định về giám sát hải quan đối với hàng hóa vận chuyển chịu sự giám sát hải quan qua lại giữa các bến cảng trong cụm cảng container khu vực CM-TV”.

Khi Thông tư được ban hành sẽ hỗ trợ các DN giảm thời gian, chi phí nhưng vẫn đảm bảo công tác quản lý, giám sát hàng hóa của cơ quan hải quan, thúc đẩy việc luân chuyển hàng hóa, tạo điều kiện để cảng CM-TV trở thành khu cảng cửa ngõ, trung chuyển quốc tế. “Cục Hải quan tỉnh luôn cố gắng tránh thiệt hại cho DN về thời gian, không để hàng hóa phải chờ, tàu bè phải chờ”, ông Nguyễn Thanh Sang khẳng định.

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

;
.