Cảng biển làm gì trước dự báo khó khăn?

Thứ Ba, 09/01/2024, 16:42 [GMT+7]
In bài này
.

Với tình hình kinh tế, chính trị thế giới vẫn đang có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, các chuyên gia dự báo ngành cảng biển sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong năm 2024.

Năm 2024, cảng SSIT dự kiến sẽ mở rộng cầu bến, đầu tư thêm cẩu bờ chạy bằng điện và nâng cấp kết cấu cầu cảng để đón tàu lớn.
Năm 2024, cảng SSIT dự kiến sẽ mở rộng cầu bến, đầu tư thêm cẩu bờ chạy bằng điện và nâng cấp kết cấu cầu cảng để đón tàu lớn.

Đối diện nhiều khó khăn

Đánh giá từ Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, năm 2024 cảng biển trong nước tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ các cuộc xung đột chính trị lớn trên thế giới, cũng như nhu cầu sụt giảm của thị trường quốc tế. Do đó, lượng hàng hóa thông qua cảng biển sẽ khó đạt như kỳ vọng. Minh chứng là các hãng tàu đã có động thái cắt giảm một số tuyến như các thành viên của liên minh hãng tàu THE Alliance gồm Hapag-Lloyd, Ocean Network Express, Yang Ming Marine Transport và HMM, sẽ tạm dừng các tuyến EC4 và FE5 hoạt động từ châu Á đến Bờ Đông Hoa Kỳ và Bắc Âu. Ngoài ra, Hapag-Lloyd đã thông báo hủy 12 chuyến tàu Á-Âu.   

Ông Phan Hoàng Vũ, Phó Tổng Giám đốc cảng SSIT cho biết, sự tăng trưởng của cảng biển ít nhất cũng phải sang nửa cuối năm 2024. Hiện tại, các hãng tàu của Việt Nam và thế giới vẫn cẩn trọng trong việc nhận định về tình hình của hai quý đầu năm.  

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Gemadept (chủ đầu tư cảng Gemalink), ngành cảng biển còn nhiều thách thức, như áp lực lạm phát, tỷ giá, lãi suất và xung đột địa chính trị. Tuy nhiên, những yếu tố tích cực như xu hướng upsize tàu (nâng kích cỡ tàu), chuyển đổi số - chuyển đổi xanh sẽ giúp các cảng đáp ứng tiêu chuẩn về công nghệ và môi trường chiếm ưu thế.

Ông Trần Khánh Hoàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cảng biển Việt Nam cũng cho biết, một trong những điểm sáng trong năm 2024 là Bộ GT-VT vừa ban hành Thông tư 39/2023 về biểu khung giá dịch vụ hoa tiêu, dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ lai dắt tại cảng biển Việt Nam. Trong đó, mức giá dịch vụ bốc dỡ container cảng biển đã có sự điều chỉnh theo hướng tăng. Cụ thể, mức giá sàn dịch vụ xếp dỡ container tăng 10%; giá sàn xếp dỡ sà lan tăng 30%. Đây là mong mỏi từ lâu của các DN và DN cần tận dụng các điểm sáng để mở hướng đi.  

Tận dụng cơ hội

Tuy nhiên, để tận dụng cơ hội này, các DN cảng biển vẫn phải tích cực hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đầu tư chiều sâu để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. 

Ông Nguyễn Hồng Phúc, Giám đốc kinh doanh Cảng Quốc tế Tân Cảng-Cái Mép (TCIT) cho biết, TCIT tiếp tục chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin nhằm gia tăng tiện ích và nâng cao chất lượng dịch vụ cho khách hàng sử dụng dịch vụ tại cảng. Đồng thời, TCIT đang nghiên cứu và đưa vào ứng dụng hệ thống tự động hóa cho xe giao nhận tại cảng (Auto-gate), tăng cường tối ưu quy trình sản xuất và áp dụng chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu quả khai thác như bổ sung các dịch vụ đăng ký kiểm hóa, thay đổi cảng chuyển tải/thay đổi tàu xuất, vào sổ tàu online… trên e-Port. TCIT cũng sẽ đẩy mạnh cải tiến quy trình giao nhận container theo định hướng lấy khách hàng làm trung tâm, dịch vụ giao nhận một cửa (ONE STOP SERVICE) - tiết kiệm thời gian làm thủ tục giao nhận tại cảng, tạo thuận lợi cho khách hàng.

Tương tự, cảng SSIT dự kiến sẽ mở rộng cầu bến, đầu tư thêm cẩu bờ chạy bằng điện. Ngoài ra, cảng sẽ nghiên cứu nâng cấp kết cấu cầu cảng nhằm đón tàu có trọng tải lớn nhất hiện nay (hơn 230.000 DWT). Cảng  Gemalink tiếp tục đầu tư cải thiện, nâng cấp cơ sở hạ tầng cảng với nhiều thiết bị hiện đại. Với năng suất tốt và đang duy trì ổn định, các quy trình khai thác an toàn kèm theo chất lượng dịch vụ tốt, cảng Gemalink nói riêng và CM-TV nói chung đang tiếp tục thu hút sự quan tâm của các hãng tàu quốc tế để đa dạng hóa dịch vụ và đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu nội địa lẫn quốc tế.

Từ góc độ của nhà quản lý, ông Trần Thượng Chí, Giám đốc Sở GT-VT cho biết, để phát triển cảng biển, tỉnh tiếp tục nghiên cứu trình Chính phủ đề xuất cảng mở, khu thương mại tự do; thúc đẩy thành lập Trung tâm kiểm tra chuyên ngành tập trung khu vực CM-TV theo hình thức xã hội hóa do Công ty CP Logistics quốc tế Cái Mép là nhà đầu tư. Đồng thời tiếp tục tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh kiến nghị và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ GT-VT, Cục Hàng hải Việt Nam xem xét giảm phí và lệ phí hàng hải đối với các phương tiện ra vào khu vực cảng CM-TV.

“Sở sẽ tổ chức các buổi gặp gỡ doanh nhân, DN đầu tư; tăng cường hỗ trợ các DN đang hoạt động, kêu gọi DN xuất nhập khẩu đầu tư vào các KCN để tạo nguồn hàng tại chỗ, gia tăng lượng hàng xuất nhập khẩu qua hệ thống cảng”, ông Trần Thượng Chí thông tin thêm.

 Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

;
.