Chặn xe quá tải ra vào cảng biển

Thứ Năm, 16/11/2023, 17:47 [GMT+7]
In bài này
.

Việc kiểm soát tải trọng phương tiện tại cảng biển trên địa bàn tỉnh luôn được các DN thực hiện nghiêm, nhờ đó đã hạn chế tình trạng xe chở hàng vượt quá tải trọng cho phép khi tham gia giao thông.   

Các cảng đều bố trí các trạm cân ở sát cổng để kiểm soát tải trọng, xe nào quá tải trọng đều yêu cầu hạ tải mới được ra, vào cảng.
Các cảng đều bố trí các trạm cân ở sát cổng để kiểm soát tải trọng, xe nào quá tải trọng đều yêu cầu hạ tải mới được ra, vào cảng.

 Kiểm soát chặt ngay tại nguồn

Ông Nguyễn Văn Khánh, tài xế xe container chuyên vận chuyển hàng tại Cảng Gemalink cho biết, theo quy trình xe container khi vào cảng phải làm thủ tục kiểm tra giấy tờ ở cổng. Nhân viên giao nhận kiểm tra thông số trọng tải của xe, đối chiếu với dữ liệu hàng hóa, hệ thống phần mềm của cảng sẽ tự động đối chiếu các thông tin từ thông số của xe, mã hàng xe lấy, khối lượng của mã hàng có tương ứng với khối lượng hàng mà xe được chở hay không. Khi dữ liệu đối chiếu cho thấy các thông số đều đúng xe mới được phép vào cảng.

“Trước khi nhận hàng, tài xế đã biết trước số lượng, khối lượng hàng hóa phù hợp trọng tải xe chở hay không. Nếu bảo đảm tải trọng và xe được vận chuyển mới được phép vào cảng lấy hoặc hạ hàng”, ông Khánh chia sẻ.

Nhân viên giám sát cổng cảng tại Cảng TCIT kiểm soát thông tin về tải trọng cho phép của xe trên phần mềm máy tính.
Nhân viên giám sát cổng cảng tại Cảng TCIT kiểm soát thông tin về tải trọng cho phép của xe trên phần mềm máy tính.

Ông Phan Hoàng Vũ, Phó Tổng Giám đốc Cảng Sài Gòn - SSA (SSIT) cho hay, việc kiểm soát tải trọng phương tiện tại cảng biển được yêu cầu rất cao. Bởi, tải trọng hàng hóa liên quan tới yếu tố an toàn hàng hải và khai thác cảng. Theo quy định, khách hàng cũng phải chịu trách nhiệm về khối lượng hàng hóa nên thường phải khai báo đúng. “Tại Cụm cảng Cái Mép-Thị Vải, đa số hàng xuất đi các tuyến châu Âu, châu Mỹ với các mặt hàng  giày dép, hàng gỗ, quần áo. Đây Là những mặt hàng có tải trọng khá nhẹ và là hàng thành phẩm. Còn với các mặt hàng nhập khẩu về tới cảng, đa số cũng đáp ứng đúng tải trọng cho phép để bảo đảm an toàn. Chưa kể, cũng có lượng lớn chủ yếu là container rỗng. Do đó, việc có vi phạm tải trọng  hàng hóa tại khu vực cảng nước sâu thời gian gần đây ít xảy ra”, ông Vũ thông tin thêm.   

Các DN khai thác cảng biển đã đầu tư hệ thống kiểm soát tải trọng bằng hệ thống thẻ, sử dụng công nghệ thông tin để kiểm soát. Công tác kiểm soát tải trọng tại cảng biển đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu, số lượng các vi phạm đã giảm rất nhiều, hoạt động kiểm soát được duy trì liên tục và ngày càng được siết chặt hơn.

 Nâng cao hiệu quả kiểm soát

Đánh giá từ các DN cảng cho thấy, song song với việc các cảng kiểm soát chặt chẽ từ nguồn, DN vận chuyển hiểu tầm quan trọng của việc kiểm soát tải trọng hàng hóa nên thực hiện đúng yêu cầu. Các chủ hàng cũng không muốn hàng hóa chậm trễ nên chỉ ký hợp đồng với những DN vận tải uy tín, thực hiện tốt các quy định. Ngoài siết chặt các quy trình kiểm soát tải trọng xe, các cảng niêm yết, thông báo cho khách hàng, DN nắm thông tin để chấp hành. Ngoài ra, còn gắn thông báo, tuyên truyền về việc kiểm soát tải trọng tại cổng để các tài xế hiểu và thực hiện nghiêm túc.

Năm 2022, Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu phối hợp với Đoàn kiểm tra liên ngành do Sở GT-VT chủ trì, phát hiện, xử phạt 77,5 triệu đồng đối với 8 phương tiện chở hàng vượt quá tải trọng cho phép tham gia giao thông. Riêng 10 tháng năm 2023, do được kiểm soát từ vòng ngoài nên đến nay, lực lượng chức năng chưa phát hiện trường hợp xe quá tải nào ra vào cảng.

Tuy nhiên, theo ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, trong quá trình tiến hành kiểm tra, kiểm soát tải trọng xe tại các cảng biển gặp nhiều khó khăn. Do địa bàn quản lý rộng, số lượng phương tiện ra vào cảng biển nhiều, nhân lực làm kiểm tra, kiểm soát tải trọng tại các cảng vụ hàng hải còn hạn chế, hầu hết là kiêm nhiệm, cho nên rất khó kiểm soát 100% phương tiện ra vào cảng.

Ngoài ra, các trang thiết bị hỗ trợ để phục vụ kiểm soát tải trọng hiện chưa có, chủ yếu phải dựa vào hóa đơn, chứng từ xuất hàng của DN để kiểm tra đối chiếu với lượng hàng hóa chuyên chở cho phép tham gia giao thông trên giấy chứng nhận của cơ quan đăng kiểm.

Trước những khó khăn đó, thời gian tới, Cục Hàng hải Việt Nam tiếp tục tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện đường bộ tại các cảng biển. Đồng thời, tiến hành kiểm tra đột xuất đối với các cảng, bến có dấu hiệu vi phạm quy định về xếp hàng hóa lên xe ô tô và xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền khi phát hiện vi phạm. Cùng đó, Cục Hàng hải Việt Nam đề xuất tăng cường áp dụng các ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát tải trọng ngay tại các đầu nguồn hàng và sẽ xử nghiêm các đơn vị vi phạm.  

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

;
.