“Tính đến hết tháng 8/2023, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã có 7.085 sáng kiến được cập nhật thành công trên hệ thống, tổng giá trị làm lợi hơn 9.000 tỷ đồng”. Đó là thông tin được Công đoàn Dầu khí Việt Nam đưa ra tại hội nghị tổng kết chương trình “1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19”, diễn ra vào cuối tuần qua tại TP. Vũng Tàu. Đây là chương trình do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam phát động, đặt ra mục tiêu trong năm 2022 và 2023.
PVGAS là một trong những đơn vị dẫn đầu và hoàn thành sớm chương trình “1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19”. Trong ảnh: Người lao động PV GAS trên công trường GPP Dinh Cố. |
Sáng kiến, một phần không thể thiếu trong phong trào thi đua lao động giỏi
Báo cáo tổng kết đánh giá kết quả thực hiện tại hội nghị, ông Nguyễn Mạnh Kha - Phó Chủ tịch CĐ DKVN nhấn mạnh, 1 triệu sáng kiến là chương trình thi đua trọng tâm có ý nghĩa quan trọng, phát huy vai trò Công đoàn, người lao động đồng hành cùng Tập đoàn nỗ lực vượt khó, dưới sự tác động ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 và các yếu tố khách quan khác. Ngay sau khi Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam phát động, đầu năm 2022 CĐ DKVN đã ban hành công văn chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị triển khai thực hiện.
Thông qua Chương trình, lãnh đạo các cơ quan - đơn vị đều hiểu việc nghiên cứu viết đề tài sáng kiến là phong trào có sức lan tỏa lớn. Đây cũng là một phần không thể thiếu trong phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo. Phong trào đã khơi dậy mạnh mẽ tinh thần thi đua yêu nước, tính năng động, sáng tạo, vượt khó để hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh. Mỗi sáng kiến là một câu chuyện không chỉ có giá trị làm lợi cao mà sâu xa hơn ở những người lao động bình thường hay lao động trí óc đều có những sáng kiến mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực. Những sáng kiến ấy đều xuất phát từ quá trình lao động thực tiễn, từ đôi tay, trí óc và lòng đam mê công việc của những cán bộ, đoàn viên, người lao động. Trong quá trình triển khai nhiều cách làm hay được áp dụng vào sản xuất mang lại hiệu quả cao.
Từ phong trào này, nhiều công nhân trực tiếp sản xuất đã vươn lên đã trở thành những cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý, đốc công, trưởng ca xuất sắc; trở thành các quản đốc phân xưởng, giám đốc, các lãnh đạo quản lý tại đơn vị.
Với tinh thần chủ động, CĐ DKVN đã đăng ký phấn đấu 5.400 sáng kiến. Tính đến hết tháng 8/2023, toàn Tập đoàn có 1.062 người đăng ký tham gia với 7.085/5.400 sáng kiến được cập nhật thành công trên hệ thống của chương trình, vượt 31% vượt chỉ tiêu được giao với tổng giá trị làm lợi theo số liệu báo cáo trên hệ thống hơn 9.000 tỷ đồng. Đã có 33/33 các công đoàn trực thuộc tham gia đăng ký sáng kiến trên hệ thống và 18/33 công đoàn trực thuộc hoàn thành và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu đề ra.
Và làm lợi hàng trăm tỷ đồng cho đơn vị
Theo CĐ DKVN, một trong những đơn vị có nhiều sáng kiến chất lượng cao, mang lại giá trị làm lợi lớn là Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro. Trong 9 tháng 2023, Vietsovpetro có 62 giải pháp được đăng ký, trong đó số lượng giải pháp được công nhận sáng kiến là 38.
Có những sáng kiến chất lượng cao, mang lại giá trị làm lợi. Chẳng hạn như sáng kiến “Sử dụng một phần bệ đỡ tháp khoan di động có sẵn trên giàn MSP-3 để lắp cho giàn MSP-10 nhằm tiết giảm chi phí chế tạo khối kết cấu bệ đỡ cho tổ hợp khoan di động” đã làm lợi 623 ngàn USD cho giàn MSP - 10. Theo Vietsovpetro, hiện nay còn một số giàn chưa có khối kết cấu bệ đỡ, sáng kiến này cũng sẽ giúp tiết giảm chi phí khi thực hiện cho các giàn khác.
Bên cạnh đó, nhiều đơn vị đã thể hiện tinh thần thi đua, sôi nổi, thực hiện các biện pháp quyết liệt, lên kế hoạch cụ thể để đạt kết quả cao nhất. Các đơn vị luôn dẫn đầu và hoàn thành sớm, đạt kết quả cao như: Công đoàn BSR, VPI, PVCFC, PVFCCo, PVGAS..
Cụ thể, sáng kiến “Nghiên cứu, lựa chọn giải pháp và phát triển, ứng dụng công nghệ nâng cao hệ số thu hồi dầu cho đối tượng trầm tích lục nguyên của các mỏ dầu tại bể Cửu Long, thềm lục địa Việt Nam”, của Nhóm tác giả Nguyễn Minh Quý, có giá trị làm lợi 72 tỷ đồng/năm của Viện Dầu khí Việt Nam (VPI).
Hay như sáng kiến “Tối ưu nguồn khí bypass V-101A khi tiếp nhận nguồn khí NCS2 để gia tăng hiệu quả sản xuất của GPP Dinh Cố của nhóm tác giả Nhóm tác giả Ngô Văn Quốc, có giá trị làm lợi 292 tỉ đồng của Tổng Công ty Khí Việt Nam (PVGAS).
Theo chia sẻ về sáng kiến “Tối ưu nguồn khí bypass V-101A, nhóm tác giả cho biết, năm 1999, Nhà máy Xử lý Khí Dinh Cố (GPP Dinh Cố) được khánh thành và đi vào vận hành chính thức để tiếp nhận và chế biến khí Cửu Long với công suất tối đa 5,3 triệu Sm3/ngày. Đến năm 2020, GPP Dinh Cố tiếp nhận thêm đường ống khí NCS2, nâng tổng lượng khí tại Dinh Cố lên tới 10,6 triệu Sm3/ngày, vượt công suất chế biến của nhà máy. Lượng khí vượt quá công suất này sẽ không được chế biến trong nhà máy mà cấp trực tiếp cho khách hàng qua cụm thiết bị bypass skid V-101A. Điều này dẫn tới không thể thu hồi được tối đa hàm lượng LPG, condensate có giá trị cao trong nguồn khí Cửu Long. Trước thực trạng này, nhóm tác giả đã đề xuất giải pháp cải hoán điểm đấu nối đường ống khí NCS2 vào GPP Dinh Cố để cấp trực tiếp chỉ 1 nguồn khí NCS2 qua cụm van bypass skid V-101A. Sáng kiến này đã tận dụng được nguồn LPG, làm lợi cho công ty từ khi đưa vào ứng dụng cho tới nay.
Bài, ảnh: PHAN HÀ