Cần sớm tăng giá dịch vụ cảng biển

Thứ Năm, 20/04/2023, 19:31 [GMT+7]
In bài này
.

Với giá xếp dỡ container cảng biển theo Thông tư 54/2018 của Bộ GT-VT như hiện nay, các cảng biển thất thu khoảng 1 tỷ USD/năm. Đó là khẳng định của một số hiệp hội trong đơn kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất tăng giá dịch vụ cảng biển vào cuối tháng 3 vừa qua.

Giá xếp dỡ hàng hóa bằng sà lan tại CM-TV chỉ 6 USD/container 20 feet.
Giá xếp dỡ hàng hóa bằng sà lan tại CM-TV chỉ 6 USD/container 20 feet.

Đề xuất tăng tối thiểu 15-20%/năm

Trong đơn gửi Thủ tướng Chính phủ, 4 hiệp hội gồm: Hiệp hội Cảng biển Việt Nam; Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam; Hiệp hội Đại lý, Môi giới và Dịch vụ Hàng hải Việt Nam và Hiệp hội DN dịch vụ Logistics Việt Nam nêu rõ, giá dịch vụ cảng biển của Việt Nam thấp hơn nhiều so với khu vực khiến DN cảng biển thất thu, thiệt thòi cho cả nền kinh tế hàng hải của Việt Nam.

Đơn cử như tại Cái mép-Thị Vải (CM-TV), mức giá mà các DN cảng biển đang thu của các hãng tàu là 52 USD/container 20 feet (có hàng) và 77 USD/container 40 feet (có hàng), bằng 60% so với các cảng trong khu vực ASEAN, dù mức độ đầu tư cảng gần như tương đương.

Trong khi, hệ thống cảng biển rất cần nguồn tài chính lớn để tiếp tục tái đầu tư, xây dựng các cảng có quy mô lớn, hiện đại hơn để nâng cao năng suất khai thác và vị thế của Việt Nam trong chuỗi hàng hải toàn cầu, đồng thời thu hút được hàng hóa trung chuyển của khu vực.

Theo đó, các hiệp hội đề xuất mức tăng tối thiểu từ 15-20%/năm, lộ trình tối thiểu liên tục 3 năm, bắt đầu từ giữa năm 2023, ưu tiên trước cho khu vực các cảng nước sâu. Theo tính toán, với tốc độ điều chỉnh bình quân từ 15-20% mỗi năm, giá bốc dỡ tại CM-TV phải mất ít nhất 4-5 năm mới đạt được mức giá bình quân của khu vực.

Hiện mức giá DN cảng biển đang thu của các hãng tàu bằng 60% so với các cảng trong khu vực ASEAN. Trong ảnh: Tàu làm hàng tại cảng TCIT.
Hiện mức giá DN cảng biển đang thu của các hãng tàu bằng 60% so với các cảng trong khu vực ASEAN. Trong ảnh: Tàu làm hàng tại cảng TCIT.

Ông Phạm Quốc Long, Chủ tịch Hiệp hội Đại lý, Môi giới và Dịch vụ Hàng hải Việt Nam cho biết, mức tăng đề xuất dựa trên những tính toán cụ thể. Khi xây dựng cảng, nhiều cảng xác định mức giá xếp dỡ khoảng 75-80 USD/container 20 feet mới đủ chi phí. Hiện các cảng nước sâu nói chung và CM-TV nói riêng đều đang sử dụng mức giá trần, song vẫn thấp hơn thế giới.

Việc điều chỉnh giá cước bốc dỡ không ảnh hưởng tới giá cước vận chuyển cũng như hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam. Bởi về bản chất, giá bốc dỡ container cảng biển là thành tố nằm trong giá cước chung trọn gói mà hãng tàu nước ngoài chào cho các chủ hàng xuất nhập khẩuViệt Nam. Với tập quán mua CIF/Bán FOB hiện nay, các chủ hàng nước ngoài sẽ trả cho hãng tàu và hãng tàu sẽ trả tiền bốc dỡ cho cảng theo hợp đồng. Đồng thời, với việc mức giá xếp dỡ chỉ bằng 40-50% so với khu vực, các hiệp hội tính toán nếu với sản lượng container thông qua hệ thống cảng Việt Nam khoảng 25 triệu TEU/năm, Việt Nam thất thu khoảng 1 tỷ USD/năm.

Ông Phan Hoàng Vũ, Phó Tổng Giám đốc Cảng SSIT cho biết thêm: “Nếu điều chỉnh tăng 10% thì chỉ tăng thêm 2,5-5 USD/container, nên không ngại hãng tàu sẽ điều chỉnh giá cước vận chuyển. Bởi có thời điểm các hãng tàu tăng gấp10 lần giá cước vận tải container đi Mỹ, con số này so với việc tăng giá dịch vụ cảng biển không đáng kể. Hơn nữa, trong kinh doanh các bên cũng cần chia sẻ quyền lợi với nhau vì sự phát triển bền vững lâu dài, để làm sao có mức giá cạnh tranh và đáp ứng yêu cầu tái đầu tư”.

Điều chỉnh giá dịch vụ cảng biển là cấp thiết

Theo Cục Hàng hải Việt Nam, việc điều chỉnh giá dịch vụ xếp dỡ cảng biển là cấp thiết với đặc thù khu vực cảng nước sâu CM-TV. Đây là khu vực có hơn 90% sản lượng được vận chuyển bằng sà lan về TP. Hồ Chí Minh- Bình Dương - Đồng Nai. Thế nhưng, hiện giá bốc xếp sà lan/bãi rất thấp, chỉ 6 USD/container 20 feet.

Như vậy, với 2 lần bốc xếp, mức cước sẽ là 52 USD + 6 USD = 58 USD nên mỗi lần bốc dỡ, giá thực tế cảng thu được chỉ còn 29 USD/container 20 feet. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến một số cảng vẫn lỗ lũy kế sau hơn 10 năm hoạt động vì đơn giá bốc dỡ dưới giá thành.

Các cảng nước sâu nói chung và CM-TV nói riêng đều đang áp dụng mức giá trần, song vẫn thấp hơn thế giới. Trong ảnh: Tàu làm hàng tại cảng SSIT.
Các cảng nước sâu nói chung và CM-TV nói riêng đều đang áp dụng mức giá trần, song vẫn thấp hơn thế giới. Trong ảnh: Tàu làm hàng tại cảng SSIT.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Kỳ, Tổng Giám đốc Cảng CMIT cho hay, việc bốc xếp bằng sà lan ở CM-TV với cách thức giống như bốc xếp hàng hóa từ tàu mẹ. Hiện tại giá sà lan đang ở mức tối thiểu là 6 USD/container 20 feed. Do đó,  đã đến lúc Bộ GT-VT cần nâng mức giá sà lan mới bảo đảm cho cảng hoạt động hiệu quả hơn và tăng hấp dẫn đầu tư mới vào CM-TV. Nếu các cảng thu được mức giá phù hợp sẽ mang lại nguồn tài chính để DN tiếp tục tái đầu tư xây dựng cảng biển, góp phần đạt được mục tiêu theo quy hoạch.

Trước những kiến nghị trên, Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thắng đã đề nghị DN phối hợp với các đơn vị liên quan, đánh giá cụ thể những tác động của việc tăng giá, phí cảng biển đến CPI, các DN trong nước và nước ngoài. Đồng thời, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng giao Cục Hàng hải Việt Nam sớm thực hiện việc nghiên cứu sửa đổi Thông tư 54/2018.

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

;
.