KINH TẾ BIỂN LÀ ĐỘNG LỰC PHÁT TRIỂN

Kỳ 2: Đưa cảng biển, logistics thành ngành kinh tế mũi nhọn

Thứ Năm, 30/03/2023, 19:54 [GMT+7]
In bài này
.

TIN BÀI LIÊN QUAN:

Trong quá trình phát triển, Bà Rịa-Vũng Tàu luôn chủ động khai thác thế mạnh trụ cột, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương và định hướng phát triển của cả nước. Đặc biệt, định hướng làm giàu từ cảng biển và logistics, có thể thay thế lợi ích từ khai thác dầu khí đang từng bước trở thành sự thật.

Bí thư Tỉnh ủy Phạm Viết Thanh trao đổi với đơn vị tư vấn về thực trạng khu vực Cái Mép Hạ qua quan sát hình ảnh truyền từ flycam trong chuyến khảo sát với Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Xuân Sang tháng 2/2022.
Bí thư Tỉnh ủy Phạm Viết Thanh trao đổi với đơn vị tư vấn về thực trạng khu vực Cái Mép Hạ qua quan sát hình ảnh truyền từ flycam trong chuyến khảo sát với Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Xuân Sang tháng 2/2022.

“XƯƠNG SỐNG” TRONG PHÁT TRIỂN KINH TẾ

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IV (nhiệm kỳ 2005-2010) nêu rõ: “Xây dựng, phát triển tỉnh trở thành tỉnh mạnh về công nghiệp, mạnh về kinh tế biển, với hệ thống thương cảng quốc gia và quốc tế vào đầu thời kỳ 2015-2020; là một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch, hải sản của khu vực và cả nước”. Qua thời gian, kinh tế cảng biển đã được hoàn thiện thể chế phát triển, từng bước trở thành trụ cột kinh tế của địa phương. Đồng thời, là mũi nhọn đủ sức và đủ tầm tạo đột phá thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ cho Bà Rịa-Vũng Tàu nói riêng và toàn vùng kinh tế trọng điểm nói chung trong giai đoạn tới.

ÔNG PHẠM VIẾT THANH, ỦY VIÊN TRUNG ƯƠNG ĐẢNG, BÍ THƯ TỈNH ỦY, CHỦ TỊCH HĐND TỈNH

Tạo ra lợi thế so sánh vượt trội của
Việt Nam với các nước

Việc hình thành Khu thương mại tự do Cái Mép Hạ gắn với hành lang công nghiệp - đô thị Đông Tây (dài gần 300km) từ Mộc Bài xuống Cái Mép Hạ phía Nam đất nước sẽ tạo ra lợi thế so sánh vượt trội của Việt Nam với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á nói riêng và thế giới nói chung trong giai đoạn phát triển mới của đất nước chúng ta.

Để sớm hình thành khu thương mại tự do Cái Mép Hạ,  Bà Rịa-Vũng Tàu tiếp tục xây dựng chiến lược thu hút các nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính, năng lực quản lý đến khu thương mại tự do, tập trung vào các ngành kinh tế trụ cột của tỉnh như: công nghiệp công nghệ cao, cảng biển - logistics, du lịch - thương mại, các lĩnh vực công nghệ - tài chính, kinh tế số.

Năm 1993, cảng Baria Serece - cảng nước sâu đầu tiên tại Việt Nam và cũng là cảng đầu tiên được xây dựng tại cụm cảng Cái Mép-Thị Vải (CM-TV). Tiếp đó, nhận thấy rõ những ưu điểm vượt trội trên, các tập đoàn hàng hải, hãng tàu lớn của thế giới và nhà đầu tư trong nước lần lượt đầu tư các cảng container dọc tuyến luồng CM-TV như: SP-PSA, SITV, TCCT, TCIT, CMIT, SSIT và TCTT.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 69 bến cảng được quy hoạch, đến nay đã đưa vào khai thác 48 dự án với công suất 141,5 triệu tấn/năm. Riêng khu vực CM-TV có 35 bến cảng, hiện đã đưa vào khai thác 22 bến cảng (19 dự án chính thức, 3 dự án tạm khai thác), với công suất 117,8 triệu tấn/năm, trong đó bao gồm 7 cảng container với công suất 6,8 triệu TEU/năm.

Tổng sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển tỉnh giai đoạn 2017-2020 đạt 279 triệu tấn, bình quân đạt 69,8 triệu tấn/năm, tăng bình quân 7%/năm. Tổng doanh thu dịch vụ cảng đạt khoảng 15.605 tỷ đồng, tăng bình quân 9%/năm. Các hoạt động liên quan đến cảng biển đóng góp cho ngân sách nhà nước giai đoạn này khoảng 73.800 tỷ đồng từ thu thuế xuất nhập khẩu. 

Đến nay, khu vực CM-TV tiếp nhận 32 chuyến tàu container quốc tế hàng tuần. Trong đó 2 chuyến đi châu Âu, 19 chuyến đi châu Mỹ với tải trọng trung bình trên 150.000DWT và 11 tuyến Nội Á với tải trọng trung bình trên 20.000DWT. CM-TV cũng là cụm cảng có số lượng tuyến dịch vụ tàu mẹ đi Mỹ và châu Âu nhiều nhất khu vực Đông Nam Á và châu Á, chỉ sau Malaysia và Singapore.

Hệ thống cảng container CM-TV được đầu tư với quy mô lớn và hiện đại bậc nhất Việt Nam, có khả năng tiếp nhận những tàu container lớn nhất thế giới và là cụm cảng duy nhất ở Việt Nam có những chuyến tàu đi thẳng đến châu Mỹ, châu Âu. Theo dự kiến, đến năm 2025 các hoạt động liên quan đến cảng biển sẽ đóng góp khoảng 100.000 tỷ đồng cho ngân sách tỉnh.

Theo ông Nguyễn Xuân Kỳ, Tổng Giám đốc CMIT, khu vực cảng nước sâu Cái Mép tiềm năng trở thành một khu vực cảng trung chuyển của khu vực và thế giới. Việc khai thác các thế hệ tàu siêu lớn đang là xu hướng tất yếu của các hãng tàu. Vừa qua, Bộ GT-VT đã triển khai dự án đầu tư nâng cấp luồng hàng hải vào cụm cảng có độ sâu đến -15,5m. Với độ sâu này, cụm cảng có khả năng tiếp nhận mọi tàu mẹ trên thế giới.

Hiện khu vực CM-TV tiếp nhận 32 chuyến tàu container quốc tế hằng tuần.  Trong ảnh: Tàu trọng tải lớn làm hàng tại Cảng CMIT.
Hiện khu vực CM-TV tiếp nhận 32 chuyến tàu container quốc tế hằng tuần. Trong ảnh: Tàu trọng tải lớn làm hàng tại Cảng CMIT.

 HƯỚNG TỚI MỤC TIÊU CẢNG TRUNG CHUYỂN QUỐC TẾ

Đánh giá về sự phát triển của cảng biển, ông Trần Thượng Chí, Giám đốc Sở GT-VT cho biết thêm, thời gian qua, dịch vụ hậu cần cảng liên tục được quan tâm đầu tư và đạt kết quả tích cực. Toàn tỉnh hiện có 20 dự án kho bãi logistics đi vào hoạt động với tổng diện tích khoảng 224ha; ngoài ra còn có 10 dự án đang triển khai xây dựng với tổng diện tích khoảng 42ha. Song song đó, nhiều dự án giao thông quan trọng đang được gấp rút hoàn thành, điển hình: đường 991B, đường Phước Hòa-Cái Mép; đường Long Sơn-Cái Mép. Ngoài ra, tỉnh đang gấp rút hoàn thành các bước thủ tục đầu tư để sớm triển khai nhiều dự án khác như cao tốc Biên Hoà-Vũng Tàu, cầu Phước An…

Phối cảnh dự án Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ.
Phối cảnh dự án Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ.

Đánh giá từ các chuyên gia cho rằng, triển vọng phát triển của cụm cảng nước sâu CM-TV vẫn còn dư địa rất lớn, nhất là ở khu vực Cái Mép Hạ, nơi tiếp giáp vịnh Gành Rái, thậm chí có thể đón những tàu lớn nhất thế giới 250 ngàn tấn. Trong thời gian tới hoàn toàn có thể quy hoạch, tạo ra các tuyến bến dài tại đây để có thể tiếp nhận nhiều tàu mẹ, qua đó tăng cường thêm khả năng thực hiện nhiệm vụ trung chuyển quốc tế. Để CM-TV vươn ra biển lớn, trở thành cảng trung chuyển của thế giới, hiện tỉnh đang kiến nghị thúc đẩy hình thành Trung tâm thương mại tự do Cái Mép hạ.

Theo ông Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty CP Tư vấn thiết kế cảng - Kỹ thuật biển (Portcoast), Khu thương mại tự do Cái Mép Hạ bao gồm cả khu bến cảng Cái Mép Hạ hạ lưu sẽ tạo thành một dự án hạ tầng đầu mối logistics - cảng biển hoàn chỉnh, có chức năng của một trung tâm logistics tầm cỡ khu vực. Dự án tích hợp đầy đủ các chức năng của một trung tâm logistics hiện đại, ứng dụng mạnh mẽ thương mại điện tử (5PL), bao gồm: Các dịch vụ tiếp nhận, lưu chứa, trung chuyển, xử lý và phân phối hàng hóa. Các dịch vụ tạo giá trị gia tăng cao trong chuỗi cung ứng như lắp ráp, đóng gói, bao bì, dán nhãn, sửa chữa, tân trang; Các dịch vụ quản lý đơn hàng, thủ tục, chứng từ, môi giới hải quan, đại lý vận tải, tư vấn pháp lý, hợp đồng vận chuyển, cung ứng nhân lực, tài chính…

Ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết thêm, việc hình thành trung tâm logistics, khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ sẽ giúp hình thành trung tâm dịch vụ hàng hải xứng tầm khu vực, nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế hàng hải của quốc gia. Đồng thời, hỗ trợ phát triển các KCN, khu chế xuất, tạo điều kiện cho phát triển đô thị nhằm đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa; tạo động lực phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nói riêng, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung.

(Còn nữa)

NHÓM PV KINH TẾ

Theo Kế hoạch về phát triển cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu định hướng đến năm 2025, giai đoạn 2021-2025, phấn đấu tổng sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển tỉnh đạt khoảng 375 triệu tấn, bình quân khoảng 75 triệu tấn/năm; tổng doanh thu dịch vụ cảng giai đoạn 2021-2025 đạt khoảng 20.000 tỷ đồng; thúc đẩy các hoạt động liên quan đến cảng biển đóng góp cho ngân sách nhà nước khoảng 100.000 tỷ đồng; tổng doanh thu dịch vụ kho bãi, hỗ trợ vận tải, dịch vụ hậu cần cảng khác giai đoạn 2021-2025 đạt khoảng 35.000 tỷ đồng.

 

 

;
.