Tận dụng lợi thế, thu hút nhà đầu tư châu Âu

Thứ Ba, 20/12/2022, 20:49 [GMT+7]
In bài này
.

Nhằm thu hút các nhà đầu tư từ châu Âu, song song với việc đẩy mạnh đầu tư xây dựng hạ tầng, tỉnh còn tăng cường cải cách thủ tục hành chính (TTHC), tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, hỗ trợ DN triển khai dự án.

Cảng Gemalink là liên doanh giữa tập đoàn Gemadept Việt Nam và đối tác hàng đầu thế giới CMA Terminals của Pháp.
Cảng Gemalink là liên doanh giữa tập đoàn Gemadept Việt Nam và đối tác hàng đầu thế giới CMA Terminals của Pháp.

Tại buổi làm việc với UBND tỉnh tháng 9/2022, ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết, xu hướng đầu tư của các DN châu Âu vào Việt Nam rất đa dạng, tập trung vào sản xuất chế biến, chế tạo. Trong đó, Bà Rịa-Vũng Tàu nhiều năm qua là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

“Tỉnh cũng là địa phương đi đầu trong công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, nhất là trong hợp tác với nhiều đối tác quan trọng tại khu vực châu Âu”, ông Nguyễn Hải Minh nói.

Theo đánh giá từ các DN châu Âu, cụm cảng nước sâu Cái Mép-Thị Vải (CM-TV) có số lượng tuyến dịch vụ tàu mẹ đi Mỹ và châu Âu nhiều nhất khu vực Đông Nam Á và châu Á với  3 tuyến/tuần, chỉ sau Malaysia và Singapore. Đây là một trong những lợi thế thu hút nhà đầu tư đến từ châu Âu.

Bà Nguyễn Thị Thảo Nhi, Tổng Giám đốc Công ty CP Thanh Bình Phú Mỹ, chủ đầu tư KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 cho biết, nhiều tập đoàn lớn chọn đầu tư tại Bà Rịa-Vũng Tàu vì tại CM-TV có những chuyến tàu đi trực tiếp đến châu Âu và châu Mỹ với thời gian nhanh nhất, tạo thuận lợi cho xuất, nhập khẩu hàng hóa. Mặt khác, tỉnh còn có hệ thống đường dẫn khí gas và cảng chuyên dùng phục vụ hàng lỏng và có thể nhập hàng với số lượng lớn. Ngoài ra, 70% sản lượng nguyên vật liệu thép trong các ngành công nghiệp cơ bản đều ở đây.

Mới đây, tại hội thảo “Vai trò của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu: Chuỗi cung ứng thượng nguồn của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam” được tổ chức vào tháng 11/2022, ông Adam Koulaksezian, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp tại Việt Nam (CCIFV) cho biết, CCIFV có gần 300 thành viên, bao gồm các công ty đã thành lập tại Việt Nam, một số đã có mặt tại Bà Rịa-Vũng Tàu, khu vực hấp dẫn với nhiều tiềm năng, đặc biệt là những cơ hội thúc đẩy đầu tư mà cụm cảng CM-TV mang lại. 

Báo cáo từ Sở KH-ĐT cho biết, toàn tỉnh có 70 dự án có vốn đầu tư đến từ 10 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc khối Liên minh châu Âu với tổng vốn đầu tư khoảng 3,23 tỷ USD. Các lĩnh vực đầu tư chủ yếu là sản xuất công nghiệp, sản xuất khí, sản xuất thép, sản xuất hóa chất, du lịch và thương mại dịch vụ. 

Theo ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, các hiệp định thương mại tự do đang mở ra những cơ hội lớn cho Việt Nam, trong đó có Bà Rịa-Vũng Tàu nhằm thu hút vốn FDI từ châu Âu. Để tận dụng lợi thế này, tỉnh sẽ triển khai các biện pháp đồng bộ nhằm tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, tạo lực hấp dẫn những dự án đầu tư lớn, có chất lượng. Đồng thời, tỉnh sẽ huy động nguồn lực xã hội, phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là thúc đẩy triển khai dự án hạ tầng giao thông kết nối liên vùng và các dự án trọng điểm. 

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

;
.