Ngoài cấp luồng xanh cho hoạt động vận tải đường bộ, Bộ GT-VT cũng đã cấp luồng xanh để vận chuyển hàng hóa thiết yếu bằng đường thủy. Nếu khơi thông tuyến đường thủy thì hàng hóa để phục vụ cho người dân vùng dịch các tỉnh, thành phía Nam sẽ được bảo đảm.
Bộ GT-VT ủng hộ chủ trương tận dụng luồng, cảng, bến, phương tiện đường thủy nội địa để vận chuyển hàng hóa thiết yếu cho người dân các tỉnh, thành phố đang giãn cách. |
BỘ GT-VT ỦNG HỘ
Bộ GT-VT vừa có văn bản số 7031/BGTVT-VT do Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thể ký ngày 19/7/2021 gửi UBND các tỉnh, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, Sóc Trăng, Kiên Giang; các Cục Hàng hải Việt Nam, Đường thủy nội địa Việt Nam, Đăng kiểm Việt Nam liên quan việc sử dụng tàu cao tốc để vận chuyển hàng hóa thiết yếu, nông sản tại các tỉnh, thành phố phía Nam trong thời gian giãn cách xã hội.
Bộ GT-VT cho biết, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, dịch vụ vận chuyển hành khách giảm mạnh nhưng nhu cầu vận chuyển hàng hóa lại tăng cao, đặc biệt là vận chuyển hàng hóa thiết yếu phục vụ dân sinh. “Việc tận dụng tuyến luồng, cảng, bến, phương tiện đường thủy nội địa hiện có để sử dụng vận chuyển hàng hóa thiết yếu sẽ góp phần bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống cho nhân dân trên địa bàn các tỉnh, thành phố đang giãn cách xã hội. Do đó, Bộ GT-VT ủng hộ chủ trương sử dụng phương tiện thủy nội địa cao tốc để vận chuyển hàng hóa thiết yếu, nông sản cho TP. Hồ Chí Minh và các địa bàn khác khi có nhu cầu”, Bộ GT-VT thông tin.
Bộ GT-VT cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố nghiên cứu, quyết định tổ chức việc vận chuyển hàng hóa thiết yếu, nông sản nêu trên để bảo đảm phù hợp thẩm quyền và tình hình thực tế tại địa phương. “UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở GT-VT chủ trì tổng hợp nhu cầu việc sử dụng phương tiện thủy nội địa cao tốc thuộc địa bàn quản lý và phối hợp với Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam để triển khai các nhiệm vụ cần thiết theo thẩm quyền, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp để thực hiện việc sử dụng tàu thuyền, phương tiện thủy nội địa cao tốc vận chuyển hàng hóa thiết yếu, nông sản cho TP. Hồ Chí Minh và các địa bàn khác khi có nhu cầu, bảo đảm an toàn giao thông và phòng chống dịch bệnh COVID-19”, Bộ GT-VT đề xuất.
DN VẬN TẢI SẴN SÀNG NẾU ĐỊA PHƯƠNG CÓ NHU CẦU
Ông Trần Song Hải, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Greenlines DP cho biết, nếu được UBND tỉnh và Sở GT-VT chấp thuận, đơn vị sẵn sàng đưa vào hoạt động các tàu cao tốc của đơn vị đang hoạt động để vận chuyển hàng thiết yếu. “Di chuyển bằng đường thủy chỉ có 1 điểm đầu và 1 điểm đến, tất cả công tác an toàn phòng dịch được đảm bảo cao nhất. Hiện nay, đơn vị đang vận chuyển hàng từ miền Tây về TP. Hồ Chí Minh, chúng tôi có thể bắt đầu các chuyến tàu chở hàng thiết yếu, cứu trợ mở rộng ra các tỉnh thành khác. Hi vọng là chúng tôi sẽ chia sẻ được một phần nhu cầu về rau củ quả cho các vùng có dịch và giúp đồng bào phía Nam có thể tiêu thụ được sản phẩm sản xuất”.
“Hiện Công ty TNHH Greenlines DP đã được cấp phép hoạt động vận chuyển hàng hóa đường thủy, khi mở tuyến chở hàng hóa thiết yếu chạy tuyến TP. Hồ Chí Minh – BR-VT. Nếu BR-VT có nhu cầu chở hàng hóa thiết yếu phục vụ phòng chống dịch COVID-19 đơn vị sẽ vận chuyển miễn phí. Riêng các cá nhân, DN có nhu cầu vận chuyển hàng để phục vụ nhu cầu sản xuất, chi phí vận chuyển do công ty thoả thuận với tổ chức, cá nhân cần vận chuyển hàng hoá, với chi phí phù hợp (bảo đảm bình ổn giá)”, ông Trần Song Hải cho biết thêm.
Ông Nguyễn Đỗ Hải Thuận, Phó Giám đốc Sở GT-VT cho biết, Sở GT-VT sẽ tổng hợp nhu cầu việc sử dụng phương tiện thủy nội địa cao tốc thuộc địa bàn quản lý và phối hợp với Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam triển khai các nhiệm vụ cần thiết theo thẩm quyền, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp để thực hiện việc sử dụng tàu thuyền, phương tiện thủy nội địa cao tốc vận chuyển hàng hóa thiết yếu, nông sản cho địa phương khi có nhu cầu, bảo đảm an toàn giao thông và phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Tổng công ty Hàng hải Việt Nam sẽ vận chuyển miễn phí vật tư, nhu yếu phẩm hỗ trợ các tỉnh, thành phía Nam phòng dịch Covid-19
Tin từ Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) cho biết, hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ, VIMC bắt đầu triển khai cung cấp dịch vụ vận chuyển miễn phí đối với tất cả hàng hóa phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19. Cụ thể, các hàng hóa VIMC sẽ hỗ trợ là vật tư, nhu yếu phẩm, thực phẩm của các địa phương, tổ chức và doanh nghiệp quyên góp, ủng hộ với các tỉnh, thành phía Nam đang chịu tác động bởi dịch bệnh, thực hiện giãn cách xã hội. Hàng hóa, trang thiết bị, vật tư sẽ được thu gom, đóng gói (container) tại các cảng biển của VIMC (Cảng Hải Phòng, Quy Nhơn, Nghệ An, Đà Nẵng, Cam Ranh). Sau đó được vận chuyển bằng tàu biển và hệ thống xe vận tải của Tổng công ty đến địa điểm nhận hàng tại Cảng Tân Thuận (TP. Hồ Chí Minh).
Các địa phương, tổ chức và doanh nghiệp có nhu cầu vận chuyển có thể liên hệ trực tiếp với VIMC qua số điện thoại: 02499950289.
|
Trước đó, Sở GT-VT TP.HCM có văn bản gửi Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Sở GT-VT và Sở Công Thương một số tỉnh miền Tây Nam bộ về triển khai phương án vận chuyển hàng hóa thiết yếu bằng tàu cao tốc đường thủy (“luồng xanh” đường thủy) trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Chính phủ... Lộ trình di chuyển là đi từ cảng, bến thủy nội địa thuộc các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre và Vĩnh Long theo sông Tiền → kênh Chợ Gạo → sông Vàm Cỏ (hoặc theo hướng kênh Nước Mặn → sông Cần Giuộc) → sông Soài Rạp → sông Nhà Bè → sông Sài Gòn → bến Bạch Đằng (TP.HCM) và ngược lại. Công ty TNHH Công Nghệ Xanh DP được chọn là đơn vị vận chuyển, theo đó Công ty đã sử dụng 5 tàu cao tốc để vận chuyển hàng hóa, với sức chở trung bình khoảng 20 tấn hàng hóa/chuyến. Trong suốt quá trình di chuyển của phương tiện từ các cảng, bến thủy nội địa của các tỉnh đi thẳng về bến Bạch Đằng. Theo đại diện Công ty công nghệ xanh DP, tàu cao tốc (đã tháo ghế ngồi hành khách) có thể vận chuyển 100 tấn hàng hóa mỗi ngày từ các tỉnh miền Tây về TP.HCM. Thời gian vận chuyển mất khoảng 1,5 giờ đồng hồ. Các nhân viên, lái tàu đã được test COVID-19 và cũng đã tiêm vaccine, tàu được vệ sinh khử khuẩn, bỏ ghế ngồi... để sẵn sàng chở hàng.
Bài, ảnh: SA HUỲNH