Ngay những ngày đầu năm mới, cụm cảng CM-TV đã liên tục đón nhiều chuyến tàu mẹ có trọng tải lớn.
Những ngày đầu xuân mới 2021, Cảng TCIT luôn tấp nập tàu cập cảng làm hàng. |
ĐÓN THÀNH CÔNG NHIỀU CHUYẾN TÀU LỚN
Cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT) từ 12/2 (mùng Một Tết) đến nay đã đón thành công 5 chuyến tàu mẹ. Trong đó, có tàu Maersk Essex của liên minh 2M (gồm 2 hãng tàu lớn nhất thế giới là Maersk Line và MSC) đã cập cảng để xếp dỡ 12.386 TEUs hàng hóa xuất nhập khẩu trung chuyển tại Việt Nam đi bờ Đông và bờ Tây nước Mỹ. Cảng phải huy động tối đa nhân lực và phương tiện, thiết bị khẩn trương bốc xếp hàng hóa để tàu rời cảng đúng hành trình.
Cảng quốc tế Tân Cảng - Cái Mép (TCIT) cũng đã đón thành công 5 chuyến tàu ngay từ những ngày đầu năm mới. Ông Nguyễn Hồng Phúc, Giám đốc Kinh doanh Cảng TCIT cho biết, nhờ việc kiểm soát tốt dịch bệnh của Chính phủ nên xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Mỹ đang trên đà tăng trưởng mạnh (Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với sản lượng hàng xuất đi Mỹ trong năm 2020 tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm ngoái). Song song đó, cụm cảng CM-TV là cảng nước sâu có điều kiện tự nhiên tốt nhất trong khu vực Châu Á, có thể đón tàu hơn 20 ngàn TEUs. Đây là xu thế vận tải cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu của những năm tiếp theo. “Với những lợi thế sẵn có, bước sáng năm 2021, chúng tôi tin tưởng rằng CM-TV vẫn là một trong những điểm đến hàng đầu được các hãng tàu trên thế giới lựa chọn. Đó là những dấu hiệu tích cực có thể coi là tiền đề cơ bản và có sức thuyết phục nhất trong việc phát triển cảng cửa ngõ quốc tế CM-TV thành cảng trung chuyển container quốc tế”, ông Phúc chia sẻ.
Ngoài 2 cảng trên, các cảng Germalink, Tân Cảng - Cái Mép Thị Vải (TCTT), Quốc tế Cảng Sài Gòn - SSA (SSIT)… mỗi cảng cũng đón từ 2-3 chuyến tàu đầu “xông đất”.
Cuối tháng 1/2021, Cảng Germalink đã chính thức mở cảng đón tàu. |
TIẾP TỤC BỨT PHÁ
Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, từ đầu năm đến nay, ngành hàng hải đón nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ khi sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển tăng trưởng 17% so với cùng kỳ năm 2020 (đạt hơn 62 triệu tấn). Trong đó, hàng hóa container tăng tới 27% (đạt hơn 2,2 triệu Teus) so với cùng kỳ năm trước. Những khu vực cảng biển có sự tăng trưởng mạnh nhất là: Cụm CM-TV, tăng 29%; TP. Hồ Chí Minh, tăng 27% và Hải Phòng, tăng 26%. Để có được kết quả trên, ngoài những yếu tố khách quan thì còn do cơ sở hạ tầng cảng biển ngày càng được hoàn thiện đồng bộ, hiện đại.
Ngoài 3 cảng nước sâu hiện hữu, cuối tháng 1/2021 vừa qua, “siêu cảng” Gemalink đã chính thức đi vào hoạt động. Đây là cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam có khả năng tiếp nhận đồng thời 3 tàu mẹ ra vào làm hàng. Điều này đã bổ sung kịp thời hạ tầng cầu cảng container phục vụ nhu cầu thông qua hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam và khu vực đang tăng trưởng nhanh trong những năm vừa qua. Đồng thời, đây là cảng nước sâu duy nhất tại khu vực có bến chuyên dụng cho tàu feeder/sà lan kết nối với TP. Hồ Chí Minh, các cảng vùng đồng bằng sông Cửu Long và các cảng của các nước trong khu vực như: Thái Lan, Campuchia…. Theo thiết kế, cảng Gemalink có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải lớn nhất thế giới hiện nay lên đến 220 ngàn DWT.
Để tạo đà cho cảng biển phát triển mạnh mẽ, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh triển khai hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông kết nối liên vùng nhằm giảm thời gian vận chuyển hàng hóa và giảm áp lực về lưu lượng lưu thông trên các tuyến đường huyết mạch vào các thời gian cao điểm. Đồng thời, kiến nghị Bộ Tài chính, Bộ GT-VT miễn giảm lệ phí hàng hải cho tàu thuyền nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện khuyến khích các hãng tàu khi triển khai thêm các tuyến dịch vụ tại khu vực CM-TV.
(Ông Trần Thượng Chí, Giám đốc Sở GT-VT)
|
Theo ông Nguyễn Xuân Kỳ, Tổng Giám đốc cảng CMIT, với sự bùng nổ trong nhu cầu vận tải hàng hóa toàn cầu, mới đây hãng tàu MSC đã đặt hàng đóng mới thêm các siêu tàu với sức chở 23.000 TEUs, nâng cao đáng kể tổng công suất của toàn đội tàu để đáp ứng nhu cầu thị trường. Việc khai thác các siêu tàu có kích cỡ lớn đang trở thành xu thế của hầu hết các hãng tàu trên toàn thế giới, đòi hỏi các cảng biển phải có khả năng tiếp nhận và xử lý hiệu quả các tàu với kích cỡ lớn để bảo đảm tàu ra vào đúng hành trình. Năm 2021 và những năm tiếp theo, CMIT nói riêng và CM-TV nói chung sẽ tiếp tục là một trong những cảng chính trong hải trình của các tuyến dịch vụ PEARL/TP6 của liên minh 2M kết nối giữa Việt Nam với bờ Tây nước Mỹ. Điều này, chứng minh năng lực của hệ thống cảng biển Việt Nam và sự gia tăng vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bài, ảnh: TRÀ NGÂN