Phát huy vị trí địa lý thuận lợi có nhiều cảng biển nước sâu, nhiệm kỳ 2015- 2020, tỉnh tiếp tục đầu tư hệ thống giao thông, hạ tầng kết nối, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ cho sự phát triển của hệ thống cảng biển.
Xếp dỡ hàng container tại Cảng Quốc tế Tân Cảng - Cái Mép. Ảnh: THANH NGA |
BỨT PHÁ CẢNG BIỂN
Sau hơn 20 tháng khởi công xây dựng, giữa tháng 1 vừa qua, cảng Gemalink (TX. Phú Mỹ) đã chính thức đi vào hoạt động. Ngay trong ngày đầu tiên đi vào hoạt động, Gemalink đã đón chuyến tàu thương mại đầu tiên của hãng tàu CMA-CGM cập cảng. Đây là một trong những tàu container lớn nhất thế giới thuộc hãng tàu CMA-CGM của Pháp. Tàu chạy trên tuyến JAX nối liền bờ Đông và bờ Tây nước Mỹ với Việt Nam. Trong chuyến này, tàu làm hàng tại cảng Germalink hơn 8.200 TEU.
Gemalink do 2 tập đoàn lớn trong lĩnh vực hàng hải và khai thác cảng là Gemadept (75%) và CMA-CGM (25%) góp vốn đầu tư với tổng mức đầu tư 520 triệu USD. Gemalink là một trong 21 cảng nước sâu lớn trên thế giới có thể tiếp nhận tàu container lớn nhất thế giới hiện nay.
Như vậy, trong tổng thể 69 dự án cảng được quy hoạch trên địa tỉnh, đến nay đã có 49 dự án cảng đi vào hoạt động với công suất khoảng 142 triệu tấn/năm. Trong đó, Gemalink được xem là “siêu cảng” có tổng diện tích 72ha, tọa lạc tại khu vực hạ lưu sông Cái Mép thuộc Cụm cảng số 5 theo quy hoạch của Chính phủ. Đây là vị trí đắc địa nhất bởi cụm cảng này nằm ngay cửa sông Cái Mép với mớn nước sâu nhất, rất thuận tiện cho việc quay trở tàu.
Phát huy lợi thế của cụm cảng nước sâu, những năm qua, hoạt động của hệ thống cảng ngày càng được nâng lên, tổng công suất khai thác của hệ thống cảng năm 2020 đạt 75 triệu tấn/năm; công suất khai thác cảng tăng từ 40% năm 2015 lên 53% năm 2020, trong đó hàng container bằng tàu biển đạt bình quân 2,93 triệu TEU/năm, tăng 23%/năm. Hệ thống cảng biển có sự chuyển biến mạnh mẽ, dịch vụ hậu cần cảng được quan tâm đầu tư và đạt kết quả tích cực.
Cụm cảng CM-TV hoạt động ngày càng hiệu quả, thuộc nhóm cảng có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới, với mức tăng trên 22%/năm, cao thứ sáu trên thế giới và cao nhất khu vực Đông Nam Á. Ông Lê Quang Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cảng biển Việt Nam cho biết, CM-TV hiện có 30 chuyến tàu mẹ cập cảng hàng tuần. Hàng hóa đi bờ Đông và bờ Tây nước Mỹ chưa bao giờ thuận lợi như vậy. Ngoài ra, cả 3 liên minh hãng tàu lớn là Ocean Alliance, THE Alliance, 2M Alliance đều có tuyến dịch vụ qua CM-TV, giúp rút ngắn thời gian đi bờ Đông và bờ Tây nước Mỹ từ 3-5 ngày (chỉ còn 17 ngày). Ông Lê Quang Minh khẳng định, với sản lượng đạt 4,42 triệu TEUs trong năm 2020, hàng container tại khu vực cảng CM-TV chiếm 35% lượng container XNK cả nước. Điều đó cho thấy CM-TV không chỉ quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mà là của cả nước.
Từ đầu năm 2020 đến nay, dù hoạt động hàng hải chịu nhiều ảnh hưởng của dịch COVID-19, tuy nhiên cụm Cái Mép - Thị Vải lại liên tục đón nhận nhiều tin vui, nhiều kỷ lục mới được xác lập như: xếp dỡ thành công các thiết bị siêu trường, siêu trọng; đạt năng suất xếp dỡ hàng container cao nhất Việt Nam nói riêng và các nước trong khu vực nói chung.
Tàu CMA CGM trọng tải khoảng 180 ngàn tấn cập cảng Germalink. Ảnh: TRÀ NGÂN |
TIẾP TỤC ĐẦU TƯ CHO CẢNG BIỂN
Cảng biển được xác định là 1 trong 4 trụ cột kinh tế của tỉnh. Do đó, trong thời gian qua, tỉnh đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông kết nối, tạo thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa. Trong đó, những dự án quan trọng được tỉnh đánh giá là mắt xích để kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với hệ thống cảng nước sâu Cái Mép-Thị Vải, đang được gấp rút hoàn thành các bước thủ tục đầu tư để sớm triển khai, như: cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu; Dự án cầu Phước An.
Vào thời điểm này, trên các tuyến đường trọng điểm kết nối vào cảng như: công trình thi công đường 991B, đường Phước Hòa-Cái Mép, đường Long Sơn-Cái Mép.. chủ đầu tư các công trình đang nỗ lực chạy đua nước rút để kịp tiến độ.
Dự án đường 991B được khởi công vào tháng 5/2018 có chiều dài 9,7km, tổng mức đầu tư 3.951 tỷ đồng. Điểm đầu giao với đường Hội Bài-Tóc Tiên, điểm cuối giao với đường liên cảng Cái Mép-Thị Vải. Đây là trục giao thông vận tải quan trọng nhằm vận chuyển hàng hóa của cụm cảng biển Cái Mép-Thị Vải, các KCN hai bên tuyến. Hiện nay, nhà thầu đang triển khai thi công đồng loạt các hạng mục như: cầu vượt QL51, cầu Rạch Tre, Rạch Ông và cầu Mỏ Nhát và phần đường, giá trị giải ngân đến nay đạt khoảng 470 tỷ đồng. Dự kiến công trình sẽ hoàn thành vào năm 2024.
Nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh ưu tiên dành 20.000 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng kết nối giao thông liên cảng, liên vùng. Trong thời gian này, tỉnh cũng dành 2.000ha để quy hoạch không gian phát triển hệ thống logistics, trung tâm kiểm hóa hiện đại, chọn nhà đầu tư có đủ năng lực, kinh nghiệm để phát triển hệ thống hậu cần cảng; phát triển hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải thành cửa ngõ xuất nhập khẩu hàng hóa phục vụ vùng kinh tế trọng điểm phía Nam...
Trong Báo cáo Chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020- 2025 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xác định tập trung thực hiện đồng bộ 7 nhóm giải pháp phát triển cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng trên cơ sở Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU.
Trong đó tiếp tục tập trung đầu tư hạ tầng giao thông kết nối đa phương thức, kết nối liên vùng và khu vực, hình thành hệ sinh thái logistics để cụm cảng Cái Mép - Thị Vải thực sự trở thành cảng trung chuyển hàng hóa quốc tế; nghiên cứu triển khai, thu hút đầu tư cảng tàu khách quốc tế chuyên biệt tạo động lực mới cho phát triển du lịch. Tiếp tục cải cách các thủ tục, tạo thuận lợi cho hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng; duy tu, nạo vét, bảo đảm an ninh, an toàn trên các tuyến luồng hàng hải và tại các bến cảng. Tập trung triển khai các dự án: Đường 991B, cầu Phước An, đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường Long Sơn - Cái Mép, Phước Hòa-Cái Mép, đường sau cảng Mỹ Xuân - Thị Vải; xúc tiến các thủ tục để khởi động xây dựng đường sắt kết nối cảng, Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ, Trung tâm kiểm tra chuyên ngành tập trung; thúc đẩy phát triển các dự án cảng thủy nội địa.
PHAN HÀ