CHỐNG ĐÁNH BẮT HẢI SẢN BẤT HỢP PHÁP

Hành động quyết liệt và cứng rắn hơn

Thứ Sáu, 20/11/2020, 18:45 [GMT+7]
In bài này
.

Đây là thông điệp được đưa ra trong buổi làm việc giữa Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến dẫn đầu với UBND tỉnh liên quan đến nội dung chống khai thác hải sản bất hợp pháp, diễn ra ngày 20/11.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến và ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến và ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.

TÌNH TRẠNG KHAI THÁC HẢI SẢN TRÁI PHÉP

Báo cáo với Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT về triển khai các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác hải sản bất hợp pháp (IUU), ông Lê Tòng Văn, Chi cục trưởng, Chi cục Thủy sản tỉnh (Sở NN-PTNT) cho biết, toàn tỉnh có 5.815 tàu cá đang khai thác, chủ yếu bằng nghề lưới kéo, vây, rê, câu, chụp; 12 cảng cá phục vụ khai thác thủy sản, trong đó 3 cảng có đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác. Thời gian qua, thực hiện các khuyến nghị của EC, Sở NN-PTNT đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, tập huấn về Luật Thủy sản, các văn bản hướng dẫn và công tác chống khai thác bất hợp pháp cho cán bộ quản lý thủy sản các địa phương, BQL cảng cá, cơ sở đóng sửa tàu thuyền, DN thủy sản và bà con ngư dân, nhất là các địa bàn trọng điểm thường xuyên có tàu cá, ngư dân vi phạm. Phối hợp với lực lượng biên phòng kiểm tra, kiểm soát tại các đồn, trạm, tổ chức cho các chủ tàu cá, thuyền trưởng ký cam kết không đưa tàu cá, ngư dân sang vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản.

Ngoài ra, thực hiện khuyến nghị của EC, việc kiểm soát tàu cá ra vào cảng, truy xuất nguồn gốc thủy sản qua cảng cũng được BR-VT quyết liệt triển khai. Mọi tàu thuyền ra vào các cảng cá, BQL cảng và lực lượng chức năng đều hướng dẫn ngư dân thực hiện ghi nhật ký hành trình, nhật ký khai thác để thực hiện đối chiếu với thiết bị giám sát hành trình. Qua đó, xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác được có vi phạm hay không. “Qua đó, nhận thức trong cộng đồng ngư dân, DN về công tác chống khai thác trái phép được nâng cao; công tác giám sát tàu cá hoạt động trên biển, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác từng bước được cải thiện; việc xử lý các hành vi khai thác hải sản bất hợp pháp ngày càng quyết liệt hơn”, ông Lê Tòng Văn thông tin thêm.

NHIỀU HẠN CHẾ CẦN KHẮC PHỤC

Ngư dân huyện Xuyên Mộc chuẩn bị cho một chuyến biển.
Ngư dân huyện Xuyên Mộc chuẩn bị cho một chuyến biển.

Đến thời điểm này, những khuyến cáo của EC về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đã được các cơ quan chức năng, cộng đồng ngư dân trong tỉnh thực hiện quyết liệt và đạt kết quả tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn cần được giải quyết để tháo gỡ “thẻ vàng” của EC.

Cụ thể, trên địa bàn tỉnh vẫn còn 453 tàu cá chưa thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Nguyên nhân là do một số tàu hành nghề lưới vây cá cơm, nghề lưới dù có chiều dài trên 15m nhưng là nghề đánh bắt truyền thống, chỉ hoạt động vùng lộng, ven bờ, thời gian đánh bắt trong ngày nên đa số chủ tàu còn trông chờ vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Trong khi đó, việc truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác chưa bảo đảm yêu cầu; việc đầu tư kinh phí, bố trí nguồn lực, trang thiết bị cho hạ tầng nghề cá để chống khai thác trái phép còn hạn chế.

Nếu không khắc phục để được gỡ bỏ thẻ vàng, thì nguy cơ bị EC áp dụng thẻ đỏ là rất cao và dẫn đến việc xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sẽ rất khó khăn.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến

Tại buổi làm việc, bà Phan Thị Huệ, Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế - Thanh tra (Tổng cục Thủy sản) cho rằng, BR-VT dù đã thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của Chính phủ về IUU, nhưng vẫn cần quyết liệt, cứng rắn hơn nữa trong công tác xử lý đối với các tàu vi phạm vùng đánh bắt hay tự ý tắt thiết bị giám sát hành trình theo quy định. Đồng thời, tỉnh cần bố trí thêm lực lượng nghiệp vụ, bổ sung thêm nhân lực và tài chính để bảo đảm thực hiện tốt văn bản chỉ đạo của Chính phủ về IUU.

Còn ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, hiện nay việc cấp giấy phép hoạt động đánh bắt trên địa bàn BR-VT mới chỉ đạt hơn 50% so với tổng số tàu, việc đăng kiểm cũng chỉ mới đạt khoảng 60%. Do đó, BR-VT cần sớm khắc phục hạn chế này bởi theo quy định của EC, việc tàu chưa được cấp giấy phép hoạt động vùng khơi nếu vi phạm sẽ bị xử phạt rất nặng, ở mức 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng. Ngoài ra, việc tàu cá ra khơi chưa được đăng kiểm sẽ có nguy cơ cao gây mất an toàn cho cả tàu lẫn ngư dân. Trường hợp này cũng sẽ không được bảo hiểm chi trả nếu xảy ra tai nạn với tàu thuyền chưa đăng kiểm ra khơi. Do đó, để tránh thiệt hại, địa phương cần tăng cường tuyên truyền đến ngư dân hiểu về vấn đề này. Ngành nông nghiệp cần rà soát chặt chẽ những tàu nào chưa thực hiện, vận động, hướng dẫn bà con ngư dân hoàn thành đầy đủ thủ tục đăng ký, đăng kiểm.

Đến tháng 10/2020, đã có 2.457 tàu cá đã được lắp thiết bị giám sát hành trình, còn 453 tàu chưa hoàn thành lắp đặt; 3.049/5.537 tàu cá được cấp giấy phép khai thác, đạt 50,07%; 4.696 tàu cá được đánh dấu tàu cá theo quy định với các nhóm tàu từ 6m đến trên 15m. Bên cạnh đó, việc kiểm soát tàu cá ra vào cảng, kiểm soát sản lượng thủy sản qua cảng, truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác, ghi nộp nhật ký khai thác, báo cáo khai thác cũng được kiểm soát chặt chẽ. Cụ thể, từ năm 2019 đến nay, đã tiến hành kiểm tra, kiểm soát, đăng ký, kiểm chứng 129.628 lượt tàu cá/860.450 lượt thuyền viên ra, vào hoạt động trên biển.

Việc kiểm soát chất lượng sản phẩm thủy sản cũng được EC đòi hỏi cao, do đó nguồn hàng xuất khẩu cũng phải chứng minh được nguồn gốc là không thuộc tàu đánh bắt vi phạm. Ông Nguyễn Đình Thụ, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản Nam Bộ cho rằng, nếu không xử lý triệt để các tàu cá vi phạm sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng, yêu cầu của sản phẩm xuất khẩu. Thực tế đã cho thấy, thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng đã dẫn tới việc kiểm soát nguồn thủy sản đầu vào chưa nghiêm, khiến cho nhiều lô hàng khi xuất khẩu đã bị từ chối do trộn lẫn giữa nguồn hàng được kiểm duyệt và hàng vi phạm.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU, KIM HỒNG

;
.