Chiều 16/9, ông Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp nghe Sở NN-PTNT báo cáo đề xuất hướng giải quyết đối với tàu dịch vụ hậu cần đóng mới theo Nghị định số 67 đang gặp khó khăn, vướng mắc.
Theo báo cáo của Sở NN-PTNT, thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ, tỉnh đã phê duyệt đóng mới, đưa vào hoạt động 9 tàu dịch hậu cần thủy sản vỏ thép, với tổng kinh phí là 324 tỷ đồng, trong đó, ngư dân vay các ngân hàng thương mại để đầu tư đóng mới 298 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện nay các tàu dịch vụ hậu cần thủy sản đóng mới theo Nghị định 67 của tỉnh đang phải nằm bờ, ngừng hoạt động do vướng các quy định của Luật Thủy sản năm 2017, Nghị định 26/2019 của Chính phủ về thi hành một số điều Luật Thủy sản năm 2017 và Thông tư số 47/2015 của Bộ Công thương về điều kiện cấp giấy phép kinh doanh xăng dầu trên biển.
Trước thực trạng trên, ngày 19/6/2020 UBND tỉnh đã có Văn bản số 6252/UBND-VP và Văn bản số 6253/UBND-VP kiến nghị Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT tháo gỡ vướng mắc về hoạt động kinh xăng dầu đối với tàu dịch vụ hậu cần thủy sản đóng mới theo Nghị định 67. Tuy nhiên, phía Bộ Công thương và Bộ NN-PTNT cho rằng, việc cấp giấy phép hoạt động kinh xăng dầu cho các tàu dịch vụ hậu cần nghề cá của tỉnh vẫn phải tuân thủ theo các quy định pháp luật; trong khi đó, việc cấp giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu phải đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, Nghị định số 08/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Ngoài ra, cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên mặt nước còn phải phù hợp với vùng nước hoạt động do Bộ GT-VT quy định. Do các Bộ chưa có sự thống nhất để giải quyết các khó khăn, vướng mắc trên, tại cuộc họp ông Lê Tuấn Quốc giao Sở NN-PTNT phối hợp với Sở Công thương chủ trì tổng hợp các ý kiến của các sở, ngành và ngư dân, DN tham mưu UBND tỉnh có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ để có hướng giải quyết những vướng mắc này đối với tàu dịch vụ hậu cần đóng mới theo Nghị định số 67.
ĐÔNG HIẾU