Hệ thống đường ống dẫn khí là một trong những công trình góp phần xây dựng và phát triển nền kinh tế của đất nước. Do đó, khi có bất kỳ một sự cố nào gây gián đoạn việc cung cấp khí đều có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh năng lượng, an ninh lương thực của quốc gia.
Bộ đội Biên phòng tỉnh tuyên truyền Nghị định 67 của CP về xử phạt trong lĩnh vực dầu khí. |
NHIỀU VỤ VIỆC VI PHẠM
Tình trạng vi phạm hành lang an toàn đường ống dẫn khí dưới biển xảy ra ngày càng phức tạp. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết, từ đầu tháng 6 đến nay, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phối hợp với Đường ống Nam Côn Sơn (NCSP) tuần tra bảo vệ an ninh, an toàn đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới biển. Qua đó, các lực lượng chức năng đã lập biên bản 19 vụ vi phạm với 34 tàu neo đậu trong hành lang an toàn đường ống dẫn khí biển. Các lực lượng chức năng đã nhắc nhở người điều khiển phương tiện ra khỏi phạm vi 2 hải lý tính từ tâm đường ống khí.
Điển hình là tháng 7 vừa qua, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phát hiện và xử phạt hành chính tàu Green ACE neo đậu trong hành lang ống dẫn khí. Trước đó, tháng 9/2019 các lực lượng chức năng cũng đã xử phạt ông Nguyễn Văn Ước (phường Rạch Dừa, TP.Vũng Tàu) đã thả neo trái phép trong hành lang an toàn đường ống dẫn khí với số tiền 175 triệu đồng.
Báo cáo từ Công ty NCSP cho biết, từ năm 2017 đến nay, qua hải đồ đã phát hiện 170 vụ vi phạm hành lang an toàn đường ống dẫn khí trên biển. Ngoài ra, qua các lần tuần tra đơn vị đã phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời 56 vụ. Những vụ việc xảy ra đa phần do các chủ phương tiện, người dân từ nơi khác đến, chưa được biết đến các quy định an toàn hành lang tuyến ống. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp do kiểm soát an toàn chưa được chặt chẽ, hoặc người điều khiển phương tiện cố tình vi phạm, không tuân thủ các biển báo cấm của công trình khí.
TĂNG CƯỜNG TUYÊN TRUYỀN
Tại Hội nghị “Tuyên truyền an ninh, an toàn đường ống dẫn khí biển” do Ban Chỉ huy Biên phòng Cửa khẩu cảng BR-VT phối hợp với NCSP, Công ty Vận chuyển khí Đông Nam bộ (KĐN) tổ chức vào ngày 30/7 vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng, hiện tình trạng vi phạm các quy định về an ninh, an toàn dầu khí vẫn còn xảy ra. Đối với đường ống dẫn khí dưới biển, các mối nguy hại cho đường ống như: tàu hàng, tàu dịch vụ, tàu đánh bắt hải sản thả neo xuống biển móc vào đường ống dẫn khí; đánh bắt hải sản bằng vật liệu nổ, lưới cào; hoạt động thăm dò, khảo sát, sửa chữa công trình biển. Đối với các tàu này nếu xảy ra vi phạm thì nguy cơ cháy nổ rất lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng. Rất may là các mối nguy nêu trên đều được phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời nên trong thời gian qua không có xảy ra sự cố nghiêm trọng, thảm họa cháy nổ gây ảnh hưởng tới an ninh an toàn dầu khí.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Nguyên Vũ, Điều phối viên an ninh-an toàn NCSP, việc neo đậu, đánh bắt hải sản trong hành lang an toàn đường ống khí có thể khiến móc, xích neo của tàu mắc vào và làm móp đường ống khí. Nếu xảy ra sự cố cháy nổ trên đường ống dẫn khí sẽ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như, làm gián đoạn việc cung cấp khí đều ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh năng lượng, gây hậu quả về môi trường, con người và tài sản; Chi phí thiệt hại liên quan lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.
Để ngăn ngừa tình trạng trên, Đại tá Đào Quang Hiển, Phó Chỉ huy trưởng - Tham mưu trưởng BĐBP tỉnh cho rằng, nhằm bảo đảm an ninh - an toàn hành lang các đường ống tuyến dẫn khí, tới đây Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị dầu khí đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân về ANAT dầu khí. Đồng thời, phải xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tăng tính nghiêm khắc trong xử phạt hành chính bằng cách nâng mức xử phạt để tăng tính răn đe, phòng ngừa.
“Tới đây, NCSP sẽ tiếp tục đưa thông tin về tọa độ đường ống biển và cập nhật thông tin thường xuyên cho các đơn vị vận tải, dịch vụ trên biển qua thông báo hàng hải; truyền thông cho DN, thuyền trưởng, chủ dự án xây dựng ngoài biển và ngư dân về vị trí tuyến ống khí và các quy định bảo vệ an ninh, an toàn công trình khí để biết và tuân thủ”, ông Nguyễn Nguyên Vũ thông tin thêm.
Hệ thống đường ống dẫn khí là một trong những công trình góp phần xây dựng và phát triển nền kinh tế của đất nước, hàng năm cung cấp khoảng 10 tỷ m3 khí, 1,5 triệu tấn khí hóa lỏng, 75 ngàn tấn xăng nhẹ (condensate) ra thị trường, đáp ứng nguồn nguyên nhiên liệu để sản xuất khoảng 40% sản lượng điện, 70% nhu cầu đạm và chiếm 60% thị phần khí hóa lỏng toàn quốc. Do đó, khi có bất kỳ một sự cố nào gây gián đoạn việc cung cấp khí đều có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh năng lượng, an ninh lương thực của quốc gia.
|
Bài, ảnh: TRÀ NGÂN