Nỗ lực chuyển đổi số hiệu quả, toàn diện
Công tác chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện trong các lĩnh vực, từ hệ thống hành chính, công vụ, hoạt động sản xuất, kinh doanh đến từng khu phố, thôn, ấp đã và đang được các địa phương trên địa bàn tỉnh tập trung triển khai.
Xã Hòa Long (TP.Bà Rịa) là điểm sáng trong công tác chuyển đổi số của tỉnh. Trong ảnh: Ngân hàng BIDV Chi nhánh Bà Rịa hướng dẫn sử dụng các ứng dụng không dùng tiền mặt cho người dân trên địa bàn xã. |
Chính quyền, người dân từng bước chuyển đổi số
Tại UBND phường 4, TP.Vũng Tàu, toàn bộ thông tin và thủ tục giải quyết thủ tục hành chính đều được thực hiện trên môi trường mạng. Cán bộ, công chức của phường đều thành thạo các phần mềm quản lý văn bản, chữ ký số, thư điện tử công vụ, giúp tỷ lệ xử lý văn bản, hồ sơ trực tuyến đạt 100%.
Ông Đinh Quang Định, Phó Chủ tịch UBND phường 4 cho biết, địa phương đã thành lập tổ để hỗ trợ người dân, DN thực hiện các thủ tục hành chính trực tuyến, qua đó nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan chức năng.
Theo bà Trần Thị Thu Hường, Trưởng phòng Kinh tế TP.Vũng Tàu, các DN, cơ sở kinh doanh tại địa phương cũng đã ứng dụng tốt các nền tảng công nghệ số. Đa số DN trên địa bàn sử dụng các phần mềm quản lý hàng hóa, kho vật tư, nhân sự, website thương mại điện tử và gian hàng trên các sàn thương mại điện tử. Các hộ sản xuất nông nghiệp có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đều có tài khoản trên các sàn thương mại điện tử…
“Có 420 DN bán lẻ hàng hóa tại Vũng Tàu (đạt 46,7% tổng số) có kinh doanh trên trang thương mại điện tử. Trên 90% DN nhỏ và vừa được tiếp cận dùng thử các nền tảng số và toàn bộ DN đều sử dụng hóa đơn điện tử”, bà Hường thông tin thêm.
Với những nỗ lực của địa phương, TP.Vũng Tàu đã đạt 11/12 tiêu chí về Chính quyền số; 6/6 tiêu chí về Kinh tế số và 14/15 tiêu chí về Xã hội số. Tại bảng xếp hạng chỉ số Chuyển đổi số cấp tỉnh vừa được công bố, TP.Vũng Tàu lần đầu tiên vươn lên dẫn đầu sau nhiều năm. Có được kết quả này là sự nỗ lực chuyển đổi số tích cực, toàn diện của chính quyền và người dân địa phương.
Xã Hòa Long (TP.Bà Rịa) là địa phương dẫn đầu bảng xếp hạng chỉ số Chuyển đổi số của các xã, phường, thị trấn. Xã đã hoàn thành toàn bộ chỉ tiêu về chuyển đổi số, trong đó có nhiều chỉ tiêu quan trọng. Cụ thể, trong năm 2024, xã có trên 38,6% dân số trưởng thành có chữ ký số, 80% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến từ xa và 90% người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt.
Xây dựng chiến lược chuyển đổi số tổng thể, toàn diện
Theo ông Đỗ Hữu Hiền, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, với sự nỗ lực của các địa phương, chuyển đổi số đang từng bước làm thay đổi phương thức hoạt động của Chính quyền, cách thức sản xuất, kinh doanh của DN và cả lối sống của người dân.
Trong thời gian tới, Bà Rịa-Vũng Tàu tiếp tục tập trung phát triển mạnh mẽ hạ tầng số. Đây được xem là nền tảng quan trọng để xây dựng chiến lược chuyển đổi số một cách tổng thể và toàn diện. Tỉnh cũng đặt mục tiêu tiếp tục hỗ trợ DN tiếp cận và tận dụng các nền tảng chuyển đổi số “Make in Vietnam”. DN được khuyến khích mạnh dạn tham gia vào kinh tế số, đặc biệt là lĩnh vực thương mại điện tử và các dịch vụ trực tuyến.
Bà Rịa-Vũng Tàu cũng “mở rộng” cánh cửa chào đón các tập đoàn công nghệ và DN trong, ngoài nước đầu tư vào xây dựng các trung tâm dữ liệu lớn, đạt chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, các công nghệ như AI, Blockchain và IoT cũng sẽ được ưu tiên áp dụng sâu rộng hơn vào nhiều ngành, lĩnh vực. Những giải pháp này được kỳ vọng sẽ giúp xây dựng một chính quyền số năng động, thúc đẩy kinh tế số và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội số.
Hiện nay, mô hình chuyển đổi các KCN truyền thống thành KCN kiểu mẫu, thông minh cũng đang được thử nghiệm. Mục tiêu là hướng đến phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, góp phần bảo vệ môi trường theo định hướng phát triển nhanh, bền vững của tỉnh.
Bài, ảnh: QUANG VINH