.
KỶ NIỆM NGÀY KHOA HỌC - CÔNG NGHỆ VIỆT NAM 18/5

Doanh nghiệp là trung tâm phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Cập nhật: 17:23, 17/05/2024 (GMT+7)

Ông Trần Duy Tâm Thanh, Phó Giám đốc Sở KH-CN cho biết tại hội thảo khoa học “Một số giải pháp tháo gỡ khó khăn trong hoạt động KH-CN và đổi mới sáng tạo” tổ chức ngày 17/5, nhân kỷ niệm ngày KH-CN Việt Nam.

Dây chuyền công nghệ phân size hải sản của Công ty Baseafood 1 (TP.Bà Rịa).
Dây chuyền công nghệ phân size hải sản của Công ty Baseafood 1 (TP.Bà Rịa).

Phát triển công nghệ xanh, kinh tế tuần hoàn

Theo ông Trần Duy Tâm Thanh, Phó Giám đốc Sở KH-CN, để thúc đẩy KH-CN vào cuộc sống, Sở đã triển khai thực hiện 34 nhiệm vụ KH-CN đề tài, dự án. Việc triển khai các nhiệm vụ KH-CN theo định hướng phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, trong đó tập trung 4 trụ cột kinh tế cần phát triển bao gồm: công nghiệp, cảng biển và logistics, du lịch và đô thị, dịch vụ. Đồng thời phù hợp với Quy hoạch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 như phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường,….

Từ năm 2023 đến nay, Sở KH-CN đã tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân trên địa bàn tỉnh thông qua 12 lớp báo cáo chuyên đề với hơn 1.200 đại biểu tham dự. Sở cũng tổ chức 9 lớp tập huấn, 4 buổi kết nối cung-cầu công nghệ, 5 hội thảo KH-CN và đổi mới sáng tạo cho các sở, ban ngành, DN, hợp tác xã, người dân trong và ngoài tỉnh.

Các nội dung chủ yếu thông tin về chính sách hỗ trợ của Nhà nước và tỉnh như: chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030; chương trình KH-CN hỗ trợ DN nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2022-2025; “Ứng dụng các giải pháp công nghệ xử lý nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp làm nguyên liệu phục vụ nông nghiệp tuần hoàn”; “Ứng dụng các giải pháp kỹ thuật nâng cao hiệu quả quản lý ruồi đục trái gây hại cây trồng”; “Robot và Trí tuệ nhân tạo (AI) nền tảng của công nghiệp 4.0”,…

Qua đó, nhiều DN trong tỉnh đã đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất nhằm thích ứng với thị trường và phát triển bền vững. Đây cũng được coi là “chìa khóa” để tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí, giảm tổn thất tài nguyên và ô nhiễm môi trường.

Trong các năm qua, Sở KH-CN đã tổ chức các hội nghị, sự kiện và lớp đào tạo, tập huấn cung cấp kiến thức, thông tin về khởi nghiệp cho hơn 10.000 lượt DN, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi nghiệp, sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ tư vấn về chính sách, không gian ươm tạo cho trên 300 lượt DN và đã xét duyệt hỗ trợ kinh phí cho 28/34 lượt DN nhỏ và vừa khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo với tổng kinh phí hỗ trợ 993,4 triệu đồng.

Doanh nghiệp là trung tâm

Năm 2024 tỉnh tiếp tục lấy DN là trung tâm cho hoạt động KH-CN và đổi mới sáng tạo, trong đó tập trung hỗ trợ DN ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ hiện đại, chuyển đổi số; khuyến khích, hỗ trợ DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tiếp tục hoàn thiện và thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển một cách lan tỏa, sâu rộng và mạnh mẽ hơn nữa. Tuy nhiên, để hoạt động này mang lại hiệu quả tích cực, tham gia thảo luận tại hội thảo, đại diện các cơ quan chức năng, DN cho rằng, cần đánh giá đúng thực trạng và có giải pháp cụ thể. 

Ông Đỗ Hữu Hiền, Giám đốc Sở TT&TT cho rằng, thực trạng hiện nay, số DN của tỉnh tham gia phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số hiện còn thấp. "Nguyên nhân do nhận thức của DN về vấn đề này còn hạn chế, không biết phát triển KH-CN, chuyển đổi số để làm gì. Bên cạnh đó, kinh phí đầu tư quá lớn và DN còn e dè về tính an toàn thông tin nên chưa mặn mà đầu tư cho KH-CN về chuyển đổi số”, ông Đỗ Hữu Hiền chia sẻ.

Ông Hồ Viết Vẻ, Giám đốc Công ty TNHH Sigen (TP.Vũng Tàu), góp ý các quy định, chính sách hỗ trợ DN KH-CN hiện nay còn chưa đi vào thực tế, chưa khuyến khích được DN đầu tư phát triển KH-CN. Một phát minh, sáng chế mới DN phải nghiên cứu nhiều năm, đầu tư nhân lực và tài lực rất nhiều nhưng đưa vào thị trường, thương mại hóa sản phẩm rất khó. “Nhất là bên đầu tư công, các sở, ngành theo quy định đòi hỏi phải có báo giá, hợp đồng sản phẩm tương tự nhưng đây là sáng chế mới, chưa xuất hiện trên thị trường thì lấy đâu ra báo giá sản phẩm tương tự”, ông Vẻ nêu thực tế.

Bên cạnh đó, vấn đề vốn đầu tư cũng là một cản trở lớn để DN phát triển KH-CN. Các sản phẩm sở hữu trí tuệ, sáng chế mới là tài sản vô hình nên DN KH-CN không thể đem đi thế chấp, vay vốn ngân hàng để có vốn duy trì và phát triển DN. “Tôi nghĩ muốn phát triển được KH-CN, Nhà nước nên chia sẻ, hỗ trợ, cùng DN gánh chịu rủi ro, nên có một ngân hàng cho các DN KH-CN vay vốn bằng tài sản thế chấp sở hữu trí tuệ, sáng kiến”, ông Vẻ kiến nghị.

Bài, ảnh: NGỌC MINH

 
.
.
.