Ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin vào hoạt động tư pháp
Những năm qua, ngành Tư pháp đã, đang đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào hoạt động tư pháp. Nhờ đó, nâng cao hiệu quả cải cách hành chính (CCHC) tại cơ quan tư pháp của tỉnh cũng như địa phương.
Ứng dụng CNTT trong hoạt động tư pháp giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và công sức đi lại của người dân. Trong ảnh: Người dân làm TTHC liên quan đến tư pháp tại Trung tâm hành chính công tỉnh. |
Bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, Trưởng phòng Hành chính tư pháp, Sở Tư pháp cho biết, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, Sở Tư pháp triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong toàn bộ quy trình thực hiện đăng ký khai sinh, hộ tịch, cấp phiếu lý lịch tư pháp (LLTP)... cho người dân, đặc biệt trong lĩnh vực cấp phiếu LLTP.
Đơn cử như việc triển khai cấp phiếu LLTP trực tuyến nhằm giúp cắt giảm chi phí thực hiện thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí đi lại của người dân, nhất là đối với những người dân ở xa hoặc đang ở nước ngoài. Theo đó, người dân khai báo thông tin trong Tờ khai trực tuyến và gửi trực tuyến các giấy tờ cần thiết trong hồ sơ dưới dạng tệp tin điện tử đính kèm tới cơ quan chức năng. Chỉ như vậy, khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến này, người dân có thể không cần phải đến cơ quan hành chính nhà nước mà vẫn được cung cấp dịch vụ hành chính đầy đủ và hiệu quả.
Chỉ tính riêng 9 tháng năm 2023, tổng số hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu LLTP trực tuyến là 3.188 trường hợp. Trong đó, gần 3.000 hồ sơ giải quyết đúng hạn.
|
Bà Nguyễn Thị Thảo (xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc) cho biết, trước đây, khi xin cấp Phiếu LLTP, bà phải trực tiếp đến cơ quan tư pháp để làm thủ tục, nộp hồ sơ, chờ ngày hẹn để đến lấy kết quả, thời gian đi lại khá vất vả, chưa kể có lần phải đi lại nhiều lần do thiếu thông tin hoặc sai sót nhỏ. "Hiện nay, việc cấp phiếu LLTP trực tuyến tạo rất nhiều thuận lợi cho người yêu cầu cấp phiếu LLTP vì sẽ không cần trình diện tại cơ quan cấp lý lịch tư pháp, nên tiết kiệm được thời gian, công sức đi lại cho người dân", bà Thảo nói.
Tại các địa phương, UBND cấp huyện và Phòng Tư pháp cũng triển khai ứng dụng hiệu quả CNTT trong hoạt động chuyên môn. Hiện nay, việc thực hiện đăng ký khai sinh điện tử được triển khai đồng bộ trên toàn tỉnh. Các cơ quan tư pháp cũng thực hiện tốt phần mềm đăng ký khai sinh điện tử có kết nối với hệ thống cấp số định danh cá nhân cho trẻ em ngay khi đăng ký khai sinh.
Ông Phạm Anh Quý, cán bộ tư pháp phường Long Tâm (TP.Bà Rịa) cho biết, khi chưa thực hiện ứng dụng CNTT, công tác đăng ký khai sinh và quản lý hộ tịch ở địa phương còn nhiều hạn chế. Công chức tư pháp-hộ tịch phải trực tiếp ghi vào giấy khai sinh, sổ đăng ký hộ tịch, biểu mẫu hộ tịch để cấp cho công dân, nên mất nhiều thời gian cho việc ghi chép. Một số trường hợp thiếu thông tin chính xác, sai chính tả, không đầy đủ nội dung theo biểu mẫu quy định. Đặc biệt, có trường hợp nội dung giữa các loại giấy tờ, sổ sách thiếu đồng nhất, gây khó khăn cho công tác quản lý hộ tịch của địa phương, phiền hà và ảnh hưởng đến quyền lợi của công dân.
Triển khai ứng dụng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, việc nhập dữ liệu, quản lý thông tin hộ tịch đã phát huy hiệu quả đáng kể, việc đăng ký, quản lý hộ tịch được thực hiện một cách thuận tiện, khoa học, đem lại hiệu quả cao, hạn chế sai sót, tiết kiệm thời gian giải quyết TTHC.
Ông Phạm Anh Quý, cán bộ tư pháp phường Long Tâm (TP.Bà Rịa)
|
Ông Nguyễn Tấn Bản, Chủ tịch UBND huyện Châu Đức cho biết, tăng cường ứng dụng CNTT, chuyển đổi số và ứng dụng khoa học, công nghệ thúc đẩy hoàn thành xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, góp phần đổi mới phương thức làm việc, nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động của cơ quan tư pháp và chính quyền các cấp. Đồng thời nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công thuộc lĩnh vực tư pháp cho người dân, tổ chức.
Về tăng cường ứng dụng CNTT trong công tác tư pháp thời gian tới, ông Võ Huy Hoàng, Giám đốc Sở Tư pháp cho biết, ngành tư pháp sẽ tiếp tục CCHC, duy trì thực hiện rút ngắn thời gian giải quyết, đơn giản hóa TTHC trên tất cả các lĩnh vực của ngành, nhất là ứng dụng CNTT trong việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Triển khai hiệu quả sử dụng phần mềm, ứng dụng trong lĩnh vực hộ tịch, chứng thực, phổ biến giáo dục pháp luật... Qua đó, nâng cao chất lượng dịch vụ công phục vụ người dân, tổ chức, tăng tính kết nối cho người dân trong việc tiếp cận với pháp luật dễ dàng và thuận tiện hơn.
Bài, ảnh: PHƯỚC QUÝ