Sự trở lại của loài giòi trong y học hiện đại
Theo các tài liệu y học cổ, khoảng 300 năm trước CN người Ai Cập đã biết dùng giòi trong việc làm sạch những vết thương nhiễm trùng. Nó kéo dài đến đầu thế kỷ 20 khi nhà vi khuẩn học Fleming tìm ra thuốc kháng sinh Penicilline, kết hợp với phẫu thuật để loại bỏ các mô hoại tử.
Bác sĩ Christina Lee kiểm tra những con giòi trong vết thương nhiễm khuẩn. |
Tuy nhiên gần đây, giòi lại được đưa vào điều trị trong một số trường hợp và kết quả do loại ấu trùng này mang lại đã mở ra những hướng nghiên cứu mới…
Phẫu thuật viên tài ba
Câu chuyện bắt đầu vào năm 1995, khi bác sĩ Ronald Sherman, chuyên khoa bệnh truyền nhiễm đến Uganda, châu Phi để nghiên cứu về bệnh sốt mò do một loài ký sinh trùng sống trong máu của những con ve gây ra.
Tại làng Kumi thuộc quận Kibale, ông vô cùng ngạc nhiên khi nhìn thấy một bệnh nhân tên là Mleba với một vết thương hở khá lớn ở bắp đùi mà nguyên nhân là trong khi chặt củi, Mleba lỡ tay để cây rựa chém phải. Bác sĩ Sherman nói: “Trong vết thương, tôi thấy hàng chục con giòi lúc nhúc. Khi hỏi tại sao lại không gắp những con vật gớm ghiếc ấy ra thì người phiên dịch cho biết đó là phương pháp chống nhiễm trùng mà người Uganda đã làm từ hàng trăm năm nay”.
Vẫn theo bác sĩ Sherman, suốt 1 tuần sau đó, ngày nào ông cũng theo dõi vết thương của Mleba. Đến ngày thứ 9, với sự giúp đỡ của người vợ, tất cả những con giòi được gắp bỏ và trước mắt Sherman, vết thương rất sạch, không máu mủ, không dịch tiết, các mô hạt đã bắt đầu tái tạo.
Trong bản tiểu luận, ông viết: “Thông thường giòi là loài ấu trùng rất bẩn. Nó nở ra từ trứng ruồi và sống trong những môi trường như chất thải động vật, chất đạm thối rữa. Nó mang trong mình nhiều loại vi khuẩn nguy hiểm nhưng ở đây, rõ ràng là nó đã ăn sạch những mô chết trong vết thương của Mleba mà không gây ra một biến chứng nào…”.
Phát xuất từ những điều mắt thấy tai nghe, bác sĩ Sherman bắt đầu tiến hành một nghiên cứu có hệ thống về loài giòi khi ông quay lại Mỹ. Suốt 3 tháng đầu năm 1997, Sherman đi khắp miền nam bang California để… bắt ruồi đồng thời đọc lại những tài liệu về việc dùng giòi để làm sạch vết thương trong nội chiến Mỹ và trong Thế chiến I. Việc làm của Sherman đã khiến không ít đồng nghiệp tỏ ra nghi ngờ và cũng không ít người chế nhạo ông, thậm chí có người còn gọi Sherman là “Doctor Giòi”.
Đáp lại những thị phi ấy, Sherman chọn cách im lặng vì theo ông, ngày càng có nhiều loại vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh và ngành dược không thể nào cứ vài tháng lại cho ra đời một loại kháng sinh mới.
Sherman nói: “Đầu tiên, tôi để ruồi đẻ trứng. Sau khi đã khử trùng cho trứng, nó được đưa vào những dĩa nước canh thịt cô đặc trong môi trường vô trùng hoàn toàn. Khi trứng nở thành giòi, tôi tiếp tục nuôi chúng cũng trong môi trường vô trùng. 7 ngày trước khi giòi hóa thành nhộng, tôi lấy 30 con và tiến hành thực nghiệm trên vết loét của một bệnh nhân là ông Colby”.
Bị tiểu đường đã hơn 30 năm, một lần ông Colby vô tình dẫm phải một mảnh thủy tinh khiến lòng bàn chân đứt khá sâu. Và mặc dù ông đã được bác sĩ ở Bệnh viện bệnh nội tiết Samatha, bang California điều trị nhưng vết đứt ngày càng loét rộng. Ông Colby cho biết các bác sĩ đã tính đến việc tháo khớp cổ chân ông vì nếu không, có khả năng sẽ phải tháo đến khớp gối. Bác sĩ Sherman nói: “Mất nhiều ngày giải thích, thuyết phục, ông Colby mới đồng ý cho tôi áp dụng “liệu pháp giòi”. Chỉ sau 5 ngày, những con giòi đã ăn sạch các mảng hoại tử. Kết hợp với thuốc men nhằm giúp đường huyết ở mức bình thường, ông Colby thoát khỏi việc tháo khớp…”.
Sau trường hợp của ông Colby, bác sĩ Sherman tiếp tục dùng giòi để làm sạch vết thương cho 9 bệnh nhân khác và tất cả đều thành công. Tuy nhiên khi Sherman gửi báo cáo cho tạp chí The Lancet - là tờ báo uy tín nhất thế giới về lĩnh vực y học thì nơi này trả lời: “Việc xuất bản công trình nghiên cứu về giòi có thể sẽ bị hiểu lầm là The Lancet chứng thực cho một phương pháp trị liệu cổ xưa…”. Nhưng chỉ 3 tháng sau đó, cũng tờ Lancet đã cho đăng 6 bài nói về công dụng của giòi của 6 tác giả khác nhau, nghĩa là bình quân mỗi tháng 2 bài về cùng một đề tài, một kỷ lục mà chưa một nghiên cứu y học nào đạt được!
Sự “lên ngôi” trở lại của những chú giòi
Việc The Lancet từ chối phổ biến công trình của Sherman không làm ông phiền lòng bởi lẽ bắt đầu từ năm 2017, 27 trong tổng số 33 bệnh viện ở San Francisco, bang California, Mỹ đã đưa “liệu pháp giòi” của Sherman vào áp dụng trên một số bệnh nhân. Chưa hết, hệ thống y tế công cộng của nước Anh (NHS) cũng sử dụng giòi trong điều trị.
Theo thống kê của NHS, từ 2020 đến cuối 2022, đã có 47% bệnh nhân bị các vết thương nhiễm khuẩn được làm sạch bởi giòi. Thậm chí người Anh còn xây dựng ở xứ Wales một trang trại nuôi giòi để cung cấp cho các bệnh viện. Cứ mỗi đợt 3 tháng, nơi đây xuất xưởng 24.000 con giòi!
Theo tiến sĩ Vicky Phillips, quản lý trang trại nuôi giòi BioMonde, Anh quốc, mặc dù nhìn rất gớm ghiếc nhưng đây là những con giòi sạch nhất. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng giòi làm giảm diện tích bề mặt vết thương và thúc đẩy quá trình lành vết thương nhanh hơn so với sử dụng thuốc kháng sinh.
Rosalyn Thomas, bác sĩ chuyên khoa bàn chân thuộc Đại học Y khoa Swansea Bay cho biết: “Liệu pháp giòi là cách hữu hiệu nhất giúp bệnh nhân tiểu đường không phải cưa chân. 260 người đã được tôi áp dụng phương pháp này và tất cả đều phục hồi nhanh hơn mong đợi”.
Với bác sĩ Steve Thomas, người đầu tiên đưa giòi vào NHS và sau đó đã nhận được Huân chương nước Anh - Order of Birtish Empire, nói: “Bất kỳ sản phẩm nào được thiết kế để sử dụng trong y tế đều phải trải qua một quá trình kiểm tra nghiêm ngặt, quản lý an toàn trước khi được phép thực hiện trên cơ thể người. Những con giòi cũng vậy, chúng tôi đã mất 2 năm để chứng minh liệu pháp giòi hoàn toàn có tác dụng và chúng tôi rất vui vì y học giờ đây đã công nhận sự hữu ích của loài giòi…”.
VŨ CAO
(Theo The Lancet)