ỨNG DỤNG KHOA HỌC-CÔNG NGHỆ

Phát triển bền vững ngành thủy sản

Thứ Ba, 20/12/2022, 20:48 [GMT+7]
In bài này
.

Tại cuộc thi “Đổi mới sáng tạo ngành thủy sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2022”, Ban tổ chức đã nhận được hàng trăm dự án dự thi của các cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Trong số này, nhiều dự án ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển bền vững ngành thủy sản được đánh giá cao.

Anh Nguyễn Bá Ngọc giới thiệu mô hình nhân giống và nuôi mực trong môi trường bán tự nhiên.
Anh Nguyễn Bá Ngọc giới thiệu mô hình nhân giống và nuôi mực trong môi trường bán tự nhiên.

Từ công nghệ bảo quản

Suốt những năm “vào lộng, ra khơi” cùng bố mẹ ở quê nhà Hà Tĩnh, anh Nguyễn Bá Ngọc, Giám đốc Công ty CP Mực nhảy Biển Đông (TP. Vũng Tàu) nhận thấy, trong tất cả các loại hải sản thì mực là loại khó bảo quản nhất sau khai thác. Nếu làm cho mực sống bơi được trong nước (mực nhảy) ngay cả khi đánh bắt đưa lên bờ cho đến khi đến tay người tiêu dùng thì lợi nhuận sẽ cao hơn. 

Đầu năm 2022, anh Ngọc đã chọn vịnh Vĩnh Hy (tỉnh Ninh Thuận) làm điểm thu mua tập trung mực sống và thực hiện thí điểm mô hình nhân giống và nuôi mực trong môi trường bán tự nhiên với diện tích hơn 6.000m2. Từ đây, anh lựa chọn những con mực bố, mẹ chất lượng cho đẻ trứng, nở ra mực con và được nuôi trong bè ở môi trường biển tự nhiên. Ngoài ra, anh Ngọc còn thiết kế và đầu tư hộp thông thủy từ đáy thuyền xuống biển và lắp vào thuyền đánh cá cho ngư dân. Sau khi đánh bắt, mực được ngư dân đưa vào hộp thông thủy nên vẫn sống như trong môi trường biển bình thường. Nhờ vậy, mực có giá trị cao hơn nhiều lần và đưa đi tiêu thụ ở các thị trường cả nước.

Hiệu quả của dự án đã giúp anh Nguyễn Bá Ngọc giành giải nhất của cuộc thi Đổi mới sáng tạo ngành thủy sản tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu năm 2022. “Tôi hy vọng khi tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản, tôi sẽ đưa mô hình nhân giống và nuôi mực trong môi trường bán tự nhiên này đến Côn Đảo để phát triển thành một vùng nuôi lớn”, anh Ngọc nói.

Trong khi đó, dự án “Sản xuất cua cốm, cua lột và các sản phẩm khác từ cua kết hợp du lịch cộng đồng tại Cà Mau” của Công ty CP Cua Việt Nam (tỉnh Cà Mau) cũng nhận được sự quan tâm của nhiều người.

Theo anh Lê Anh Tú, cán bộ kỹ thuật Công ty CP Cua Việt Nam, công ty đã nuôi thành công cua cốm, cua lột bằng công nghệ cao tại huyện Năm Căn (tỉnh Cà Mau). Cua được nuôi riêng biệt trong môi trường an toàn sinh học thông qua hệ thống lọc nước từ ao, vuông ở vùng sông Cửa Lớn. Trong quá trình nuôi, cua được kiểm soát thức ăn, chất lượng bằng hệ thống tự động theo công nghệ trí tuệ nhân tạo.

“So với nuôi trồng tự nhiên, mô hình nuôi cua cốm, cua lột công nghệ cao giúp giảm thiểu nguy cơ về thiên tai, tránh dịch bệnh và giúp người nuôi kiểm soát chất lượng của cua. 4 tháng qua, chúng tôi đã xuất ra thị trường 1 tấn cua. Với giá bán 3 triệu đồng/kg, lợi nhuận mà chúng tôi thu về khoảng 40%. Sản phẩm đang bán cho các nhà hàng, khách sạn cao cấp, trong đó có thị trường Bà Rịa-Vũng Tàu. Ngoài thương mại hóa sản phẩm cua cốm, cua lột, chúng tôi còn kết hợp cho khách du lịch tham quan trang trại cua, thưởng thức ẩm thực từ cua… khi khách du lịch đến Cà Mau”, anh Tú nói.

Cuộc thi “Đổi mới sáng tạo ngành thuỷ sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2022” nhằm tìm kiếm, phát triển các giải pháp công nghệ, đổi mới sáng tạo để giải quyết các vấn đề trong khai thác, nuôi trồng, chế biến và thương mại hóa để nâng cao chuỗi giá trị và phát triển bền vững ngành thủy sản có khả năng phát triển thành các sản phẩm, dự án khởi nghiệp, doanh nghiệp công nghệ tốt. Kết quả, Ban tổ chức đã trao 1 giải Nhất, 2 giải Nhì và 3 giải Ba cho các tác giả có dự án vào vòng chung kết.
Ông Trần Duy Tâm Thanh, Phó Giám đốc Sở KH-CN

Đến chế biến

Ngoài công nghệ bảo quản, sáng kiến về chế biến của một số dự án tham gia cuộc thi cũng được đánh giá cao. Dự án “chả cá thảo dược” của anh Nguyễn Xuân Duy (đến từ tỉnh Khánh Hòa) là một ví dụ. Anh Duy cho biết, chả cá được làm từ cá đổng hoặc cá đỏ củ được bổ sung thêm các thành phần thảo dược như sâm, nấm tạo nên độ giòn, dai. 

“Dự án được chia làm 5 giai đoạn. Hiện nay, dự án đang ở giai đoạn thử nghiệm và đã thành công. Chúng tôi đã đăng ký công thức và công nghệ tại Cục sở hữu trí tuệ. Ở giai đoạn sản xuất và thương mại hóa, chúng tôi tin rằng Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ là vùng nguyên liệu thủy sản tiềm năng để phát triển sản phẩm”, anh Duy nói.

Tiến sĩ Ngô Viết Hoài, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Chế biến XNK thủy sản tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho rằng, để phát triển bền vững ngành khai thác - chế biến hải sản, điều tất yếu là phải ứng dụng KH-CN. Chi phí đầu tư ban đầu khá tốn kém nhưng bù lại lợi ích lâu dài. Và các giải pháp tại chung kết cuộc thi “Đổi mới sáng tạo ngành thủy sản tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu năm 2022” sẽ giúp ngành thủy sản tỉnh giải quyết được phần nào bài toán đó.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

 
;
.