Lịch sử Y học của việc dùng xác làm thuốc chữa bệnh

Thứ Sáu, 20/05/2022, 20:04 [GMT+7]
In bài này
.

Sau hơn 20 năm tìm kiếm tư liệu, nhà nghiên cứu người Anh Louise Noble thuộc Đại học New England đã cho ra đời cuốn sách: “Lịch sử Y học xác chết từ thời Phục hưng đến thời Nữ hoàng Victoria”, nội dung mô tả người châu Âu đã dùng một số bộ phận trong xác chết để làm thuốc chữa bệnh.

Hình vẽ hồi thế kỷ 16 mô tả việc lấy máu và não của người chết làm thuốc chữa bệnh.
Hình vẽ hồi thế kỷ 16 mô tả việc lấy máu và não của người chết làm thuốc chữa bệnh.

Theo Louise Noble, đỉnh điểm của việc sử dụng xác chết làm thuốc chữa bệnh diễn ra vào đầu thế kỷ 16, kéo dài đến giữa thế kỷ 17. Khi ấy, các bác sĩ làm nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho các thành viên Hoàng gia Anh cũng như bác sĩ riêng của các hoàng đế, hoàng hậu cùng quan chức triều đình Pháp, Italia, Tây Ban Nha, Áo…, thường xuyên sử dụng các loại thuốc có chứa xương, máu, chất béo trong thi thể người chết để chữa nhiều chứng bệnh, từ nhức đầu, sốt, ho, đau khớp, suy nhược đến động kinh!

Các khai quật khảo cổ cho thấy nhiều xác chết đã bị các nhà Y học thời ấy hành xử rất man rợ. Có những xác mất hẳn xương sọ, xương ống chân, xương chậu. Có xác vẫn còn sọ nhưng đỉnh sọ bị cắt xẻ để lấy não!

Vẫn theo Louise Noble, việc sử dụng một số bộ phận trong thi thể người chết để chữa bệnh được các thương nhân Ai Cập mang đến châu Âu từ đầu thế kỷ 16 nhưng họ giữ bí mật, không phải vì sợ bị trừng phạt mà họ coi nó là “bửu bối”, chỉ đưa ra khi thật cần thiết, có lợi cho họ.

Louise Noble viết: “Năm 1503, một tàu buôn Ai Cập bị hỏng bánh lái khi đi vào sông Thames, Anh quốc. Lúc tìm đến một công ty đóng tàu để nhờ sửa chữa thì bị từ chối với lý do ông chủ xưởng mộc sức khỏe kém, thường xuyên có những cơn đau đầu, mắt lại bị mờ nên không thể hướng dẫn công nhân chế tạo một cái bánh lái mới để thay thế cái bị hỏng.

Và thế là sau một lúc bàn bạc, thuyền trưởng tàu buôn Ai Cập đề nghị cử một bác sĩ của tàu đến thăm chủ xưởng mộc. Tại đây, bác sĩ cho ông chủ xưởng uống một thứ bột màu nâu đen “có mùi rất tanh và nồng” nhưng đến trưa, ông chủ xưởng đã có thể ngồi dậy.

Kết quả là 2 ngày sau đó, sau khi uống tiếp 4 lần, mỗi lần một thìa bột  nâu đen, chiếc bánh lái đã hoàn thành. Trong cuốn “Lịch sử Y học xác chết từ thời Phục hưng đến thời Nữ hoàng Victoria”, Louise Noble viết: “Vẫn không thể biết được ông chủ xưởng mắc phải chứng bệnh gì nhưng qua tiết lộ của bác sĩ trên tàu, cái chất bột màu nâu đen gồm máu và xương người chết sấy khô, tán nhuyễn”.

Từ đó, thuốc chữa bệnh làm từ các bộ phận trong cơ thể người chết bắt đầu phổ biến nhưng nó vẫn nằm trong vòng bí mật, chỉ một số rất ít bác sĩ Anh quốc biết về nó. Đến đầu thế kỷ 17, Thomas Willis, bác sĩ chuyên về não bộ đã pha một loại thức uống dùng để điều trị hiện tượng gặp ác mộng trong lúc ngủ cho vua Charles II.

Nó gồm có xương sọ tán nhuyễn trộn với sô cô la và não, được gọi là “The King’s Drops - Những giọt thuốc của nhà vua”. Chưa hết, Thomas Willis còn cạo lớp rêu mọc trên hộp sọ chôn dưới đất nhiều năm để chế thành thuốc chữa chứng chảy máu cam và chứng động kinh, được đánh giá là “rất hiệu quả”. Các phương pháp ấy, Thomas Willis đưa vào giáo trình giảng dạy trong trường Y.

Ở nước Đức, mỡ người được xem là loại “thần dược” để chữa bỏng. Ngay khi một bệnh nhân vô thừa nhận nào đó vừa lìa đời, các bác sĩ lập tức rạch da bụng tử thi để lấy mỡ. Nó được đun lên cho đến khi biến thành chất lỏng rồi được tẩm vào những miếng vải lanh để dành dùng dần. Tuy nhiên, với tất cả các bộ phận trong thi thể người chết, máu vẫn được xem là thứ quý giá nhật.

Louise Noble viết: “Ngay khi một bệnh nhân chết, bác sĩ lập tức cắt động mạch cổ của người ấy để lấy máu. Do tim không còn đập để đẩy máu đi khắp cơ thể nên lượng máu chảy ra không nhiều nên họ liên hệ với các nhà tù để lấy máu của những phạm nhân bị hành quyết. Paracelsus, bác sĩ người Thụy Sĩ thời điểm ấy cho rằng “uống máu tươi là phương pháp phục hồi sinh lực rất hiệu quả, nhất là với những người già…”.

Điều này dẫn đến những hợp đồng bí mật giữa các bác sĩ và các đao phủ trong nhà tù. Họ luôn được biết lúc nào thì sẽ có tù nhân bị chặt đầu để chuẩn bị dụng cụ lấy máu.

Một lý do nữa khiến hài cốt của con người được coi là có sức mạnh là vì trong hài cốt ấy có chứa “linh hồn của họ”. Ngay cả họa sĩ, bác học thiên tài Leonardo da Vinci cũng nói về vấn đề này: “Chúng ta bảo toàn mạng sống của mình bằng cái chết của người khác. Khi cái phần vật chất và linh hồn của người chết hòa nhập với cơ thể chúng ta thì chúng ta sẽ nhận thêm trí tuệ và sức khỏe…”.

Có lẽ vì thế nên ở La Mã, các nhà quý tộc chia nhau máu, não của những võ sĩ bị giết sau những trận đấu với niềm tin sẽ giúp những người uống nó, hấp thụ thêm sinh lực.

Đến cuối thế kỷ 17, cùng với sự tiến bộ của y học và nhất là sự phát hiện ra vi khuẩn, nguồn gốc của nhiều loại bệnh nhiễm trùng, các bác sĩ thấy rằng sau khi chết, cơ thể con người là môi trường lý tưởng cho nhiều loại vi khuẩn sinh sôi nên việc sử dụng nó làm thuốc chữa bệnh là điều cực kỳ nguy hiểm.

Từ đó, họ tiến hành những chiến dịch rộng lớn nhằm xóa bỏ cái mà họ gọi là “niềm tin khủng khiếp, tàn ác và vô nhân đạo”. Tiếp theo, với những phát kiến về sinh học, vi sinh vật học, hóa học và nhất là về lĩnh vực vắc xin chống bệnh tả và bệnh chó dại của nhà bác học Louis Pasteur đã khiến việc chữa bệnh bằng các bộ phận trong cơ thể người chết dần dần biến mất.

Theo Louise Noble, những chứng cứ cuối cùng của việc chữa bệnh bằng các bộ phận trong cơ thể người chết diễn ra ở nước Anh năm 1847, khi một bé gái lên cơn động kinh được điều trị bằng bột xương sọ trộn với mật mía và năm 1880 mỡ người được bôi vào các khớp xương để chống sốt bại liệt. Ở nước Đức, mãi cho đến năm 1908, cơ thể người chết vẫn được ghi trong danh mục thuốc chữa bệnh và máu của một tù nhân khi bị xử bắn đã được hứng để làm thuốc điều trị bệnh phù.

Trong cuốn “Lịch sử Y học xác chết từ thời Phục hưng đến thời Nữ hoàng Victoria”, Louise Noble viết: “Từ năm 1910 trở đi, không còn trường hợp nào về việc sử dụng bộ phận xác chết được ghi nhận nhưng điều đó không có nghĩa là nó đã chấm dứt một cách triệt để. Hiện tại, trong các bệnh viện, việc truyền máu, cấy ghép nội tạng như tim, gan, phổi, da, thận… từ người này sang người khác – kể cả những người đã chết lâm sàng vẫn được tiến hành nhưng nó thực hiện trên cơ sở khoa học chứ không phải bằng niềm tin mù quáng…”.

VŨ CAO (Theo Medical News)

;
.