.
HƯỞNG ỨNG NGÀY KHÍ TƯỢNG THẾ GIỚI 23/3

Miệt mài "đo sóng, đếm mưa"

Cập nhật: 20:11, 22/03/2021 (GMT+7)

Bất kể mưa hay nắng, ngày hay đêm, những người làm công tác khí tượng thủy văn (KTTV) vẫn miệt mài thực hiện những công việc “đo sóng, đếm mưa” nhằm thu thập các cơ sở dữ liệu, dự đoán tình hình thời tiết để phục vụ đời sống và sản xuất. Công việc thầm lặng của họ góp phần quan trọng trong nhiệm vụ phòng chống thiên tai, lụt bão của địa phương.

Quan trắc viên Lê Thị Hương lấy thông tin số liệu đo đạc từ trạm Khí tượng Vũng Tàu.
Quan trắc viên Lê Thị Hương lấy thông tin số liệu đo đạc từ trạm Khí tượng Vũng Tàu.

1 giờ sáng là ca trực đầu tiên trong ngày của chị Lê Thị Hương, quan trắc viên của Trạm khí tượng Vũng Tàu nhưng 0 giờ 30 phút chị đã phải thức dậy. Công việc của chị là kiểm tra máy móc, chuẩn bị sổ sách, đèn pin, giác đồ (để ghi lại sự biến thiên liên tục của thời tiết như nhiệt độ, độ ẩm, khí áp… trong 24 giờ) và dự kiến trước một số yếu tố như trạng thái mặt đất, tầm nhìn, mây... 

Khi đã chuẩn bị xong, chị khoác nhẹ chiếc áo mỏng rồi ra khu vực đặt các trạm quan trắc (278 Nguyễn An Ninh, phường 7, TP. Vũng Tàu) để đo các thông số khí tượng. 0 giờ 45 phút chị bắt đầu quan trắc trạng thái mặt đất, nhiệt độ. Đúng 1 giờ sáng là quan trắc khí áp, đánh mốc áp, xác định biến thiên khí áp 3 giờ qua. Sau đó chị mã hóa toàn bộ số liệu và chuyển về đài KTTV tỉnh. Cứ như vậy, mỗi ngày quan trắc viên phải đo các thông số 8 lần vào các khung 1 giờ, 4 giờ, 7 giờ, 10 giờ, 13 giờ, 16 giờ, 19 giờ và 22 giờ. Những ngày thời tiết thất thường thì thời gian quan trắc phải liên tục, thường xuyên hơn 30 phút-1 tiếng/lần. Theo chị Hương, một buổi đi đo các thông số, nhanh cũng phải mất 30 phút đến 1 tiếng, nhưng thường bị mất ngủ cả đêm. Dù thời tiết thế nào, sức khỏe ra sao, mùa mưa hay mùa nắng thì đến giờ là cán bộ quan trắc phải lấy sổ sách ra vườn khí tượng ghi số liệu. Đã gần 7 năm qua, công việc của chị Hương vẫn thầm lặng như vậy. “Nhưng may mắn là tôi lấy chồng cùng làm trong ngành KTTV nên anh ấy rất hiểu và chia sẻ với công việc của tôi”, chị Hương nói.

Anh Nguyễn Hữu Phương, chồng chị Hương là người có thâm niên hơn 10 năm trong nghề. Anh hiện đang công tác tại Trạm KTHV được đặt trên sân thượng của nhà giàn DK1, cách Vũng Tàu 250 hải lý. Anh Phương cho biết, Trạm KTHV nhà giàn DK1-7 là trạm phát báo quốc tế nên sau khi quan trắc đo đạc trong vòng 5 phút thì quan trắc viên phải chuyển thông tin về Đài KTTV khu vực Nam Bộ. Từ đây, số liệu được chuyển lên Trung tâm dự báo KTTV Trung ương và quốc tế. “Thời gian đầu mới ra nhà giàn, chưa quen sóng gió, tôi ăn uống kém. Có nhiều hôm mưa to, đêm tối, sóng to, gió lớn muốn thổi bay cả người nhưng đến giờ đo đạc, quan trắc viên vẫn phải lên sân thượng của nhà giàn để làm nhiệm vụ. Điều kiện làm việc xa xôi, thiếu thốn nhưng tình yêu nghề vẫn luôn níu chân tôi ở lại với nghề”, anh Phương nói.

Cũng như anh Phương, chị Hương, chị Vũ Thị Doan (36 tuổi) dự báo viên Đài KTTV tỉnh cũng đã có 10 năm gắn bó với Đài KTTV tỉnh BR-VT. Mặc dù không phải trực tiếp đo đạc, ghi chép thông số từ các trạm như quan trắc viên nhưng việc tổng hợp số liệu từ các trạm báo về để có một bản tin dự báo chính xác trong ngày và 10 ngày tiếp theo cho BR-VT cũng là công việc căng não. Việc làm này đòi hỏi chị phải đối chiếu nhiều thông tin, số liệu, đọc được các hình ảnh trên rada - vệ sinh để dự báo chính xác về giông sét, thời tiết nguy hiểm trên biển, nắng nóng, mưa trái mùa hay mưa trên diện rộng… Theo chị Doan, từ các số liệu quan trắc được, cơ sở dự báo sẽ phân tích, đưa ra các cảnh báo kịp thời. Đây là cơ sở quan trọng để làm dữ liệu phòng chống lụt bão, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Ông Nguyễn Văn Tài, Giám đốc Đài KTTV tỉnh cho biết, Đài KTTV được thành lập năm 1997 theo Quyết định 229/QĐ-ĐKTTVKVNB. Hiện nay, đài có 5 trạm khí tượng bề mặt, 6 trạm hải văn, 12 điểm đo mưa tự động với 23 CB-CNV. Mạng lưới KTTV trên địa bàn tỉnh được đầu tư nâng cấp theo hướng hiện đại hóa, tự động hóa. Tuy nhiên, một số trạm vẫn còn phải đo theo phương pháp truyền thống, các thiết bị đo KTTV tại trạm đầu tư đã lâu nên hiện đã lạc hậu, vì vậy vai trò của quan trắc viên là rất quan trọng bởi yếu tố thời tiết chủ yếu dựa vào kiến thức và kinh nghiệm của người làm KTTV để đưa ra dự báo. Những năm gần đây, Đài KTTV tỉnh đã sử dụng số liệu quan trắc tại địa phương kết hợp với số liệu rada thời tiết để cung cấp kịp thời các bản tin dự báo thời tiết hàng ngày, các bản tin cảnh báo thiên tại cho các cơ quan chức năng và Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh. Từ đó góp phần tích cực trong phát triển kinh tế xã hội của địa phương, giảm thiệt hại đến mức thấp nhất do thiên tai gây ra.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

.
.
.