Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khuyến khích người tài đức, có khát vọng ra gánh vác việc nước, việc dân, cho đất nước hưng thịnh, nhân dân hạnh phúc. Nhưng Người cũng hết sức nghiêm khắc và luôn kiên quyết đấu tranh với mọi tư tưởng, hành vi tham vọng quyền lực vì danh lợi cá nhân.
Tháng 10/1947, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Bác Hồ nhận thấy: “Trong Đảng ta còn có những người chưa học được, chưa làm được bốn chữ: “Chí công vô tư”, vì vậy, một số cán bộ, đảng viên sa vào “chủ nghĩa cá nhân” - một thứ vi trùng rất độc, do nó mà sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm”.
Ở thời điểm đó, căn bệnh tham vọng quyền lực bắt đầu nảy sinh trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tham vọng quyền lực được Người khái quát trên bốn biểu hiện cụ thể. Một là: Bệnh tham lam - lòng tham vượt quá tài đức, quá khả năng của bản thân. Họ tham tất cả: Tham của cải vật chất, tham tiền tài, danh vọng, tham địa vị, chức tước. Vì tham lam mà họ dùng thủ đoạn “dựa vào thế lực của Đảng để theo đuổi mục đích riêng của mình”. Hai là: Bệnh hiếu danh. Đây là căn bệnh “tự cho mình là anh hùng, là vĩ đại”. Lòng tham đến mức: “Chỉ biết lên mà không biết xuống”, “chỉ chịu được sung sướng mà không chịu được khổ”, “chỉ ham làm chủ tịch này, ủy viên nọ, chớ không ham công tác thiết thực”. Ba là bệnh: Óc lãnh tụ. Người ví von, rằng: Khi mới chỉ tham gia vài trận đánh, làm được một vài việc, nếu so với sự nghiệp giải phóng dân tộc “chỉ là một chút cỏn con”, so với sự nghiệp to tát của thế giới “càng không thấm tháp vào đâu”, vậy mà tự cho mình “là tài giỏi lắm rồi, anh hùng lắm rồi, đáng làm lãnh tụ rồi”. Vì tham vọng quyền lực mà xuất hiện ở một số cán bộ loại bệnh thứ tư: “Bệnh cấp bậc”! Người chỉ rõ: Một số cán bộ cấp tỉnh khi được điều động về làm việc ở cấp huyện thì hậm hực, tức tối; cho rằng mình có tài năng, đáng được thăng chức, nay lại bị giáng chức. Ngược lại, một số cán bộ huyện được điều lên tỉnh làm việc, hôm sau nhìn cán bộ huyện anh ta tự kiêu, tự đại, ra vẻ nay ta là cán bộ cấp trên!
Bác luôn mong “Đảng ta có nhiều anh hùng, nhiều lãnh tụ”, nhiều người tài đức nắm giữ cương vị, trọng trách lớn, cống hiến hết sức lực, tài năng cho cách mạng. Trong “Thư gửi các đồng chí tỉnh nhà”, Người phê bình lãnh đạo tỉnh Nghệ An: “Việc gì cũng do người Việt Minh làm, không biết đem những người có danh vọng hoặc có tài cán ở địa phương vào giúp việc”. Với Người, “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài”, do vậy, quyền lực của cán bộ chỉ được trao: “Do đấu tranh và kinh nghiệm rèn luyện ra, đều do dân chúng và đảng viên tin cậy cử ra, chứ không phải tự mình muốn làm lãnh tụ, làm anh hùng mà được”.
Tham vọng quyền lực là biểu hiện suy thoái đạo đức và thường chỉ xuất hiện ở những người tài mọn, đức hèn. Vì lẽ đó, họ tìm mọi mánh khóe để có được quyền lực và khi đã có quyền lực thì không từ thủ đoạn gì để có quyền lực lớn hơn, cao hơn. Mục đích đã đạt được, họ cố tình quên mình là “công bộc”, “đầy tớ của dân”, mà “lên mặt làm quan cách mạng”, biến mình thành những “ông vua con”, biến quyền lực do Đảng, nhân dân ủy thác thành tài sản riêng để đạt tham vọng cá nhân. Họ phản bội nhân dân, phản bội Đảng: “Đặt lợi ích mình lên trên lợi ích của Đảng, của dân tộc”, tham ô, lãng phí, “xoay của Đảng, xoay của đồng bào” để “sinh hoạt xa hoa, tiền xài bừa bãi, ăn ngon, mặc đẹp”... Khi kẻ tham vọng được trao quyền, họ “không sợ mất thanh danh của Đảng, không sợ mất danh giá của mình”, đó là mối họa khôn lường của Đảng, của đất nước và chế độ.
Lời cảnh báo, căn dặn, dạy bảo của Bác Hồ đã hơn 7 thập kỷ, hôm nay tham vọng, tha hóa quyền lực trở thành mối bận tâm của Đảng, nỗi lo lắng của dân. Không ít cán bộ, đảng viên đang làm giảm sức chiến đấu và uy tín của Đảng, gây hậu quả nghiêm trọng, bởi: “Tham vọng chức quyền, không chấp hành sự phân công của tổ chức, kén chọn chức danh, vị trí công tác; chọn nơi có nhiều lợi ích, chọn việc dễ, bỏ việc khó; không sẵn sàng nhận nhiệm vụ ở nơi xa, nơi khó khăn. Thậm chí còn tìm mọi cách để vận động, tác động, tranh thủ phiếu bầu, phiếu tín nhiệm cho cá nhân một cách không trong sáng”.
Quyền lực như chất gây nghiện, từ bỏ không hề dễ dàng. Với Đảng, chưa bao giờ và không khi nào khoan nhượng trong cuộc đấu tranh phòng, chống, loại trừ tham vọng quyền lực. Trước sau Đảng vẫn nhất quán quan điểm: Là đảng viên phải đề cao trách nhiệm nêu gương, “tuyệt đối không được tham vọng quyền lực”; nghiêm cấm và kiên quyết không để lọt vào cơ quan lãnh đạo những người “tham vọng quyền lực, chạy chức, chạy quyền, chạy phiếu bầu, chạy cơ cấu…”.
Vì lợi ích dân tộc, ngoài cơ chế “nhốt quyền lực trong vòng pháp luật”, thì cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, trước hết là đấu tranh phòng, chống tham vọng quyền lực ngay với chính bản thân mình. Đầu năm 1946, trả lời phóng viên nước ngoài, Bác nói từ đáy lòng, rằng: “Tôi tuyệt nhiên không ham công danh phú quý chút nào, bây giờ phải gánh vác chức Chủ tịch nước là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như anh lính vâng lệnh quốc dân ra mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi rất vui lòng lui”. Hình ảnh cảm động, tấm gương sáng ngời của Bác là nguồn cảm hứng, động lực to lớn giúp chúng ta phấn đấu nói không với “chạy chức, chạy quyền”, chiến thắng chính bản thân mình, dũng cảm vượt qua mọi cám dỗ của quyền lực.
NGUYỄN QUANG PHI