HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

Tận tâm chăm sóc người bệnh có hoàn cảnh "đặc biệt"

Thứ Sáu, 13/09/2019, 21:04 [GMT+7]
In bài này
.

“Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” được Trung tâm Xã hội (TTXH) tỉnh (ấp 6, xã Tóc Tiên, TX.Phú Mỹ) vận dụng qua cách làm hay, ý tưởng sáng tạo trong quản lý, chăm sóc những đối tượng “đặc biệt” được nuôi dưỡng tại đây. TTXH tỉnh là một trong những đơn vị điển hình được Tỉnh ủy tuyên dương về thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị. 

Chị Phạm Thị Hải Quý, nhân viên y tế phục hồi chức năng kiểm tra huyết áp cho đối tượng ở TTXH tỉnh.
Chị Phạm Thị Hải Quý, nhân viên y tế phục hồi chức năng kiểm tra huyết áp cho đối tượng ở TTXH tỉnh.

TỪ CẢM THÔNG ĐẾN TÌNH YÊU THƯƠNG

Vào một ngày đầu tuần, khi vừa đến TTXH tỉnh, chúng tôi gặp gỡ chị Phạm Thị Hải Quý, nhân viên y tế phục hồi chức năng đang ân cần thăm nom, chăm sóc những người mắc bệnh tâm thần mãn tính phân liệt, rối loạn tâm thần, người khuyết tật nặng, không có khả năng lao động hoặc không có khả năng tự phục vụ. Chia sẻ với chúng tôi, chị Phạm Thị Hải Quý cho hay, lúc mới vào làm, chị cũng lo sợ, vì đối tượng mà chị phục vụ thường có những hành động quá khích như hay la hét, lên cơn kích động. Song, trong quá trình làm việc, thường xuyên tiếp xúc với các đối tượng, từ những sợ hãi ban đầu, dần dần chị dành cho các đối tượng nhiều tình thương hơn và chăm sóc chu đáo để giúp họ cải thiện sức khỏe. Bên cạnh đó, chị còn dành thời gian tìm tòi, nghĩ ra những cách làm hay, ý tưởng mới ứng dụng vào công tác chăm sóc các đối tượng đặc biệt. “Các đối tượng bị bệnh, lại không có người thân chăm sóc, hoàn cảnh rất đáng thương. Do vậy, tôi hay gặp gỡ, động viên bệnh nhân chịu khó uống thuốc, ăn uống, ngủ nghỉ điều độ. Những đối tượng bị ốm đau, suy nhược cơ thể thì tôi quan tâm hơn bằng cách cho họ uống thêm thuốc bổ, bổ sung dinh dưỡng thêm cho bữa ăn”, chị Hải Quý nói. 

Phục vụ và hỗ trợ cho những đối tượng nói trên bằng kiến thức và sự tận tâm là phẩm chất mà mỗi nhân viên tại trung tâm luôn phải trau dồi, bồi dưỡng; đặc biệt là khi trung tâm thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. 

Ông Trần Thanh Hồng, Bí thư Chi bộ, Giám đốc TTXH tỉnh cho biết, hiện đơn vị đang quản lý, chăm sóc 536 đối tượng, trong đó, chủ yếu là người bị tâm thần, với 494 người. Trung tâm có nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý, nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, giáo dục dạy nghề, hướng dẫn các đối tượng tham gia lao động sản xuất; phục vụ nuôi dưỡng và chăm sóc người mắc bệnh tâm thần mãn tính phân liệt, rối loạn tâm thần, sống đơn thân không nơi nương tựa, người khuyết tật nặng, không có khả năng lao động hoặc không có khả năng tự phục vụ. Với đặc thù như vậy, TTXH tỉnh đã vận dụng những kiến thức, kỹ năng nghề công tác xã hội vào quản lý, chăm sóc sức khỏe thông qua lao động trị liệu, văn hóa văn nghệ, thể thao kết hợp tư vấn, tham vấn. 

CHUNG MỘT MÁI NHÀ

Ông Trần Thanh Hồng cho biết, các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (CBCCVC, NLĐ) của TTXH tỉnh đã đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trong công tác quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng. Phát huy tinh thần học tập Bác, trung tâm đã có 90 sáng kiến được ứng dụng vào thực tiễn, đạt hiệu quả cao. Điển hình như sáng kiến VC, NLĐ vào nhận ca trước 15 phút để kiểm tra tình hình, số lượng đối tượng trước khi bàn giao ca trực. Từ năm 2016 đến tháng 6/2019, trung tâm phát hiện 52 ca nguy kịch như nhồi máu cơ tim, động kinh, co giật để chuyển viện cấp cứu. Hay việc xây dựng quy chế làm việc theo tinh thần trách nhiệm, tận tụy với công việc, hết lòng phục vụ đối tượng và trở thành thước đo để đánh giá, phân loại CBCCVC, NLĐ vào cuối năm. Nhờ đó đã góp phần tạo sự chuyển biến tích cực về tu dưỡng, rèn luyện đạo đức và nhân cách theo tấm gương của Bác Hồ. 

Cùng với đó, trung tâm còn phân loại, tạo điều kiện cho đối tượng trở về nhà, hòa nhập cộng đồng và chuyển đến các trung tâm chuyên biệt. Trung tâm cũng đăng tải các thông tin, hình ảnh của đối tượng lên website của trung tâm, các trang mạng xã hội, kết nối với các địa phương trong cả nước, giúp đối tượng được trở về với gia đình, người thân. Ông Bùi Văn Mạnh, nhân viên Tiếp nhận và Quản lý hồ sơ đối tượng cho biết, từ năm 2014 đến tháng 6/2019, TTXH tỉnh đã kết nối với gia đình, các địa phương đưa 168 đối tượng trở về nhà, hòa nhập cộng đồng. Riêng 9 tháng đầu năm 2019, trung tâm giúp 37 đối tượng trở về với gia đình ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Ông Mạnh dẫn chứng, bà Vũ Thị Nương (SN 1968, ở Hà Nội) vào sống tại TTXH tỉnh từ năm 2007. Thời gian đầu mới vào trung tâm, bà Nương không nhớ bất cứ một thông tin nào về gia đình. Trong khi gia đình cũng đi tìm bà ở nhiều địa phương nhưng vẫn không có manh mối gì của bà. Nhờ trung tâm đăng tải ảnh và một vài thông tin nhận dạng sơ lược của bà Nương lên website trung tâm nên người nhà bà biết được. Sau đó, bà được người thân đến đón về vào ngày 22/3/2019. 

Bên cạnh đó, học tập Bác để tạo môi trường làm việc thân thiện, không phân biệt đối xử với các đối tượng, thể hiện sự yêu thương, giúp đỡ, chia sẻ khó khăn với người bệnh. “Chúng tôi muốn các đối tượng sống tại TTXH tỉnh có cảm giác an tâm như sống trong mái ấm của gia đình, giúp đối tượng không còn cảm giác lạc lõng, cô đơn; đồng thời tìm cho họ hy vọng được trở về đoàn tụ với gia đình”, ông Hồng cho hay.

Bài, ảnh: HỒNG PHƯƠNG

 
;
.