Đại đoàn kết, vấn đề thường xuyên được đề cập trong các bài nói, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Di chúc - tác phẩm cuối cùng, tư tưởng đại đoàn kết một lần nữa được Người tổng kết, khắc sâu. Như nhà sử học Pháp Alain Ruscio, nhận xét: “Có thể nói bản Di chúc này thâu tóm tất cả mong muốn to lớn của Người luôn ấp ủ: Đó là sự đoàn kết”.
Bác bắt nhịp bài ca kết đoàn (1960). Ảnh: Tư liệu |
Đoàn kết trong Đảng
Trước khi đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nhiều điều suy nghĩ, lo toan về Đảng, trong đó trước hết về mối đoàn kết trong Đảng, trong dân, trong quan hệ với quốc tế. Người tự hào với sự trưởng thành của Đảng - một đảng Mác-xít chân chính, đã phấn đấu và làm tròn sứ mệnh lịch sử dân tộc giao phó. Người đúc kết: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta” và khẳng định: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”.
Kháng chiến kết thúc, điều kiện lịch sử sẽ thay đổi; nhiệm vụ cách mạng ngày càng nặng nề, phức tạp, khó khăn, hoàn cảnh đó đòi hỏi “Đảng phải mạnh hơn bao giờ hết”. Vì lẽ đó Người dành sự quan tâm đến đoàn kết trong nội bộ Đảng. Bởi một mặt, Đảng chỉ thật sự vững mạnh khi khối đoàn kết thống nhất trong Đảng được củng cố, tăng cường, mặt khác Đảng có đoàn kết thì dân tộc mới đoàn kết và chúng ta mới có thể bắt tay hữu nghị được với các nước khác trên thế giới. Bằng tư duy nhạy cảm của bậc vĩ nhân, Người đưa ra cảnh báo - một mệnh lệnh nghiêm khắc: “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”!
Để củng cố sự đoàn kết nhất trí của Đảng trong điều kiện mới, theo Người giải pháp quan trọng bậc nhất và tốt nhất là: “Chỉnh đốn lại Đảng”; “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình”; cán bộ, đảng viên phải có tình thân ái, chia sẻ, cảm thông, phải luôn luôn thấm nhuần và thật sự “có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”!
Đại đoàn kết toàn dân tộc
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng tổng kết: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công” và trong Di chúc, điều mong muốn cuối cùng của Người vẫn trở về với chân lý đó: “Toàn Đảng toàn dân ta đoàn kết” để phấn đấu hoàn thành thắng lợi mục tiêu, lý tưởng của Đảng, của dân tộc.
Toàn dân trở thành một khối, có sức mạnh vô biên, theo Người chỉ khi: Đảng, Nhà nước biết quan tâm, chăm lo đến “công việc đối với con người”, “không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Người dự báo: Hòa bình lập lại, đất nước sẽ bước vào “cuộc chiến đấu khổng lồ”, “rất to lớn, nặng nề và phức tạp”, đó là: Hàn gắn vết thương chiến tranh; tái kiến thiết lại nền kinh tế đất nước; sửa đổi, phát triển giáo dục, y tế; củng cố nền quốc phòng, an ninh... Hoàn cảnh đó, không có sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chúng ta không thể vượt qua. Để xây dựng khối đại đoàn kết, Người đề ra những chính sách cụ thể, thiết thực: Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần; giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí việc làm phù hợp cho tất cả các tầng lớp nhân dân, không phân biệt đối xử với bất cứ thành phần nào trong xã hội - đó là cội nguồn bền vững nhất để vun đắp, quy tụ và khơi dậy sức mạnh toàn dân làm nên chiến thắng.
Và đoàn kết quốc tế
Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhịp cầu nối bàn tay, trái tim, khối óc của nhân dân Việt Nam với bạn bè quốc tế, cho đến những ngày cuối cùng Người vẫn vun đắp cho tình hữu nghị đó. Người đánh giá: Những thắng lợi nhân dân ta dành được không thể tách rời tình đoàn kết, giúp đỡ của bạn bè quốc tế. Tiếp nối truyền thống “ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc, Người có ý định khi chiến tranh kết thúc “sẽ thay mặt nhân dân ta đi thăm và cảm ơn các nước anh em trong phe XHCN, và các nước bầu bạn khắp năm châu”. Trước khi về với cõi vĩnh hằng, Người để lại “muôn vàn tình thân yêu”, không chỉ cho Tổ quốc, cho nhân dân ta, mà còn cho phong trào cách mạng thế giới, bạn bè khắp năm châu - những người đấu tranh cho tự do, độc lập, công lý, cơm áo, hạnh phúc của nhân dân.
Suốt cuộc đời đấu tranh cho sự nghiệp cách mạng và tình đoàn kết quốc tế trong sáng, Người “càng tự hào với sự lớn mạnh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế bao nhiêu”, thì “càng đau lòng bấy nhiêu vì sự bất hòa hiện nay giữa các đảng anh em!”. Vì điều kiện sức khỏe, Người chỉ mong: “Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý, có tình” và đặt niềm tin: “Các đảng anh em và các nước anh em nhất định sẽ phải đoàn kết lại”.
Trong thời kỳ hội nhập, Di chúc vẫn tiếp tục dẫn dắt thực hiện đoàn kết trong Đảng, dân tộc và quốc tế, tạo sức sống và động lực mới to lớn hơn để vươn lên dành thắng lợi cuối cùng: “Xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”, như Người hằng mong.
NGUYỄN QUANG PHI