50 NĂM THỰC HIỆN DI CHÚC CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH:

Chuẩn bị nguồn nhân lực cho "cuộc chiến đấu khổng lồ"

Thứ Hai, 03/06/2019, 18:10 [GMT+7]
In bài này
.

50 năm kể từ ngày Bác Hồ viết những dòng cuối cùng vào bản Di chúc đã trôi qua. Thời gian càng lùi xa, thì tư tưởng của Người tiếp tục tỏa sáng và càng tiến lên phía trước. Di chúc mãi soi đường, dẫn lối toàn Đảng, toàn dân thực hiện nhiệm vụ chiến lược chuẩn bị nguồn nhân lực cho sự nghiệp “xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

Bác Hồ viết Di chúc vào thời điểm đế quốc Mỹ đẩy cuộc chiến tranh ở Việt Nam lên đỉnh cao, ác liệt và tàn bạo nhất. Trên chiến trường miền Nam, Mỹ đưa vào hàng vạn quân viễn chinh; ở miền Bắc chúng huy động tối đa máy bay, tàu chiến ném bom, bắn phá hòng đưa hậu phương lớn “trở về thời kỳ đồ đá”, nhằm đè bẹp ý chí quyết tâm đánh Mỹ, thắng Mỹ của quân và dân ta. Nhưng “niềm tin tất thắng” cùng với dự báo trên cơ sở khoa học, Người khẳng định - mà sau này được đưa vào những “lời tiên tri” - “Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam, Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”.

Với tư duy thiên tài, vượt trước thời gian, Người đã nghĩ đến ngày cuộc chiến tranh kết thúc, những nhiệm vụ đang chờ đợi phía trước và những khó khăn thách thức vô cùng lớn đòi hỏi cả dân tộc phải biết vượt qua. “Thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”, cả nước bắt tay xây dựng CNXH và bảo vệ những thành quả mà trong nhiều chục năm, tốn nhiều công sức, đổ nhiều xương máu mới dành được. Công cuộc tái kiến thiết nước nhà, mà Người nhận định đó là “cuộc chiến đấu khổng lồ”, “chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”. Bởi lịch sử tiếp tục giao phó cho Đảng nhiệm vụ sau chiến tranh “cực kỳ to lớn, phức tạp”, chưa hề có tiền lệ: Hàn gắn vết thương chiến tranh; khôi phục, mở rộng các ngành kinh tế; ổn định, nâng cao đời sống nhân dân; xây dựng lại thành phố, làng mạc đẹp đẽ, đàng hoàng hơn; phát triển công tác vệ sinh, y tế; sửa đổi chế độ giáo dục, củng cố quốc phòng, an ninh… Để dành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu “khổng lồ” này, Người dặn: Đảng phải chuẩn bị nguồn nhân lực ngang tầm và “cần phải động viên lực lượng toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”.

Từ rất sớm Người đã nhận thấy “Kiến thiết cần phải có nhân tài” và khẩn thiết kêu gọi đồng bào cả nước “tìm người tài giúp Chính phủ”. Bởi theo Người: “Muốn xây dựng CNXH, trước hết có những con người XHCN”. Trong hai cuộc chiến tranh, Người cùng Trung ương Đảng làm hết sức mình xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của cách mạng. Quan điểm của Người là: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, nên cách mạng thành công, Người thành lập Nha bình dân học vụ để chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ xóa nạn mù chữ; khai sinh nền giáo dục “khai dân trí, chấn dân khí” tạo nguồn lực xây dựng đất nước hùng cường; chủ trương đưa thanh niên sang học tập tại các nước XHCN anh em; thuyết phục tất cả giới trí thức trong và ngoài nước đi theo cách mạng, phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân. Người và Trung ương Đảng đã chuẩn bị cho nước nhà nguồn nhân lực đáp ứng đòi hỏi của công cuộc “kháng chiến, kiến quốc” và mang lại nhiều thành công to lớn.

 Di chúc là sự tổng kết kinh nghiệm và là lời căn dặn tâm huyết, trách nhiệm của Người trước khi đi xa. Bức tranh tổng thể về xây dựng nguồn nhân lực cho đất nước sau chiến tranh được Người phác họa - dù chỉ là dự báo - nhưng rất chi tiết, đầy đủ, đúng với hoàn cảnh thực tế của đất nước.Trên tinh thần khai thác, phát huy tối đa nội lực, Bác dặn: Với những người chiến đấu, phục vụ chiến đấu đã đóng góp một phần xương máu cho đất nước thì Đảng, Chính phủ “phải mở lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người”. Với chiến sĩ trong lực lượng vũ trang “Cần chọn một số ưu tú nhất, cho các cháu ấy đi học thêm các ngành, các nghề để đào tạo thành những cán bộ và công nhân kỹ thuật giỏi, tư tưởng tốt, lập trường cách mạng vững chắc. Đó là đội quân chủ lực trong xây dựng thắng lợi CNXH ở nước ta”. Với phụ nữ “Cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cân nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo”. “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà”, Đảng phải chăm lo “giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng CNXH vừa hồng, vừa chuyên”. Đối với những nạn nhân của chế độ cũ “phải vừa dùng giáo dục, vừa phải dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở nên những người lao động lương thiện”. Người không quên ai, không bỏ sót một ai và chỉ có sự chuẩn bị nguồn nhân lực toàn diện, nghiêm túc, công phu như thế thì mới có thể tạo nên sức mạnh tổng hợp để hoàn thành thắng lợi “cuộc chiến đấu khổng lồ” sau khi nước nhà hoàn toàn thống nhất.

Đất nước dù đang ở trong giai đoạn lợi thế “dân số vàng”, nhưng chất lượng nguồn nhân lực vẫn ở trình độ thấp, cơ cấu lao động còn nhiều bất cập, sức cạnh tranh còn rất yếu kém trên thị trường lao động quốc tế. Theo thống kê năm 2017, lao động nước ta có chứng chỉ nghề từ sơ cấp đến bậc trên đại học chỉ chiếm hơn 21%, thấp so với nhiều nước trong khu vực; một số ngành nghề xã hội cần nhưng lại có quá ít người theo học; tỷ lệ lao động thất nghiệp ở trình độ bậc cao đẳng, đại học có xu hướng gia tăng... Đã đến lúc càng phải trở về với Di chúc của Người, tập trung nâng cao chất lượng nguồn lực lao động thông qua các giải pháp căn cơ: Coi trọng giáo dục, đào tạo, đưa giáo dục, đào tạo thật sự trở thành “quốc sách hàng đầu”; tiếp tục đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục, trong đó giáo dục theo hướng “chuẩn hóa, hiện đại hóa và xã hội hóa” làm chủ đạo; đẩy mạnh cải cách và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy quản lý nhà nước về phát triển nguồn nhân lực của đất nước; bảo đảm nguồn lực tài chính cho đào tạo nguồn nhân lực theo hướng: Ngoài nguồn tài chính chủ yếu từ ngân sách nhà nước, cần đẩy mạnh xã hội hóa để huy động tối đa nguồn lực trong và ngoài nước cho đào tạo nhân lực bảo đảm yêu cầu phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa sớm hoàn thành thắng lợi.

HÀ NGUYỄN

;
.